Thứ 5, 09/05/2024 20:22:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:21, 21/08/2018 GMT+7

Giặc cờ đen, cờ vàng

Thứ 3, 21/08/2018 | 12:21:00 5,737 lượt xem

BP - Thời kỳ vua Tự Đức trị vì, đất nước ta xuất hiện các nhóm giặc cờ đều có nguồn gốc từ tàn quân của tổ chức Thiên Địa Hội ở Trung Quốc. Nhóm Cờ vàng với đại diện là Hoàng Sùng Anh, Bàn Văn Nhị là thủ lĩnh quân Cờ trắng, Lưu Vĩnh Phúc đứng đầu giặc Cờ đen. Tuy nhiên khi dạt sang Việt Nam, sự phân hóa của các nhóm giặc cờ thành nhiều khuynh hướng đã gây ra sự căng thẳng ở các tỉnh biên giới. Năm 1868, quân Cờ trắng tập trung cướp bóc ở châu Lục Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau trận này, vì xung đột về quyền lợi và phạm vi chiếm đóng, quân Cờ trắng đã bị quân Cờ đen loại bỏ.

Minh họa: S.H

Đứng đầu quân Cờ vàng là Hoàng Sùng Anh, hay còn gọi là Hoàng Anh. Năm 1862, quân Cờ vàng hoạt động mạnh ở tỉnh Tuyên Quang. Sau 4 tháng, nhận thấy tình hình cướp bóc ở Tuyên Quang không đem lại kết quả, đến tháng 4-1862, Hoàng Anh vờ đưa ra kế hoạch đầu hàng triều Nguyễn. Nhưng đến tháng 6-1868, quân của Hoàng Sùng Anh lại hợp sức với quân Cờ đen tấn công thành Lào Cai. Hoàng Sùng Anh tạo phản, bị triều đình truy đuổi, năm 1869 buộc phải rút hết quân về tỉnh Cao Bằng. Liên tiếp bị quân và dân địa phương Cao Bằng đánh đuổi, cánh quân Cờ vàng buộc phải trú ẩn ở Bảo Thắng (tỉnh Hưng Hóa). Sau 5 năm, triều đình vẫn chưa thể truy quét tận gốc cánh quân cướp bóc này. Đến tháng 8-1874, không chịu nổi sự truy kích của triều Nguyễn, Hoàng Anh lại xin hàng.  Nhưng đến năm 1875, nhóm quân của Hoàng Anh lại tạo phản. Tháng  6-1875, triều Nguyễn tập trung lực lượng tấn công nhiều phía, kết hợp với nhóm người Thổ ở địa phương, điều động Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa là Nguyễn Huy Kỷ cùng quan sở tại Nguyễn Văn Giáo nhằm tiêu diệt hoàn toàn tên đầu sỏ này. Đến tháng 8-1875, Hoàng Sùng Anh bị tiêu diệt.

Quân Cờ đen bắt đầu gây sự ở Lào Cai vào tháng 6-1868. Tuy nhiên, quân Cờ đen không phải một mình làm chủ vùng đất này mà ở Lào Cai cũng có quân Cờ vàng. Quân Cờ đen đã loại bỏ quân Cờ trắng của Hoàng Nhị Vãn và không thôi hy vọng làm bá chủ. Sự tồn tại của quân Cờ vàng đã cản trở mục tiêu chiếm đóng của quân Cờ đen, vì vậy quân Cờ vàng nhanh chóng bị quân Cờ đen gây áp lực phải chuyển địa bàn sang nơi khác. Mâu thuẫn giữa 2 cánh quân diễn ra gay gắt, đặc biệt là sau năm 1870, quân Cờ đen công khai chống đối các nhóm quân khác nhằm tranh giành quyền lợi ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Quân Cờ đen được coi là nhóm quân hoạt động mạnh nhất ở khu vực biên giới phía Bắc. Năm 1868, Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy quân Cờ đen tràn sang các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Để loại bỏ tận gốc cánh quân Cờ vàng, điều cần thiết cho quân Cờ đen là phải có một địa bàn an toàn hoạt động lâu dài. Vì vậy, nhân cơ hội triều Nguyễn dụ hàng, Lưu Vĩnh Phúc đã chấp nhận. Vua Tự Đức ban cho Lưu Vĩnh Phúc làm Đề đốc trấn hạt Thập Lục Châu, cho tự do thu thuế. Trong quá trình hoạt động, quân Cờ đen đã tạo những bước chuẩn bị cần thiết về lực lượng, căn cứ, nhanh chóng loại bỏ quân Cờ vàng. Năm 1875, quân Cờ vàng bị quân Cờ đen tiêu diệt hoàn toàn.

Địa bàn hoạt động của quân Cờ đen ngày càng rộng lớn và sức ảnh hưởng của nhóm quân ngày càng mạnh. Sau đó, quân Cờ đen đánh bại Hà Quân Xương, tên cầm đầu các nhóm cướp bóc ở Bảo Thắng (Hưng Hóa), chiếm lấy thị xã Lào Cai làm căn cứ. Quân Cờ đen làm chủ hoàn toàn vùng biên giới, tự thu thuế của cư dân các vùng xung quanh. Sau này, Lưu Vĩnh Phúc đã phối hợp quân của Hoàng Thủ Trung, Phùng Tử Tài  và Hoa Hoa.

Hoàng Kế Viêm đánh dẹp các nhóm cướp bóc ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đội quân Cờ đen trở thành lực lượng đắc lực chống Pháp và đã giành thắng lợi ở 2 trận Cầu Giấy (1874, 1883). Năm 1877, Lưu Vĩnh Phúc xin triều nhà Nguyễn ở lại Bảo Thắng (tỉnh Hưng Hóa) sinh sống. Sang năm 1878, quân Cờ đen buộc phải rút hết về Trung Quốc theo yêu cầu của Pháp.

Lời bàn:

Từ thực tế lịch sử của dân tộc ta ở cuối thế kỷ XIX cho thấy rõ ý thức của triều đình nhà Nguyễn, mà đứng đầu là vua Tự Đức trong việc bảo vệ biên cương. Mỗi khi có sự tấn công của các nhóm phản loạn hay cướp bóc, Tự Đức luôn họp bàn với các quan quân để bàn phương pháp đối phó. Ông luôn có những biện pháp cấp bách để có thể đẩy lùi tình trạng bất ổn về an ninh, quốc phòng ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Thái độ của Tự Đức cũng như quan quân triều đình và địa phương trước sau đều kiên quyết bảo vệ vững chắc cương giới đất nước.

Mặc dù quân Cờ đen có công gây tổn thương cho lực lượng viễn chinh của Pháp đang xâm chiếm Đông Dương, nhưng chính quân Cờ đen cũng gây nhiều ta thán, tàn hại thường dân. Chính vì thế, Ông Ích Khiêm - một võ tướng đương thời đã tỏ rõ thái độ không đồng tình khi triều đình Huế mượn sức quân Cờ đen chống chọi với Pháp. Ông cũng chê trách các quan của triều đình khi đó là những kẻ bất tài nên khi hữu sự phải nhờ vào người Tàu để đánh giặc. Ông có làm bài thơ trách cứ tinh thần ỷ lại của các quan trong triều: Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu; Đến khi có giặc phải thuê Tàu... Và đây là bài học vô giá cho hậu thế ngày nay rằng: Giữ nước phải bằng chính sức lực của cả dân tộc, chứ không thể mượn người khác đến giữ nhà cho mình.

ND

  • Từ khóa
110080

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu