Thứ 5, 09/05/2024 12:48:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:41, 10/07/2018 GMT+7

Chuyện về Hà Tông Huân

Thứ 3, 10/07/2018 | 09:41:00 608 lượt xem

BP - Hà Tông Huân, sinh năm 1697, tại làng Vàng, xã Kim Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Với tư chất thông minh từ nhỏ, 15 tuổi Hà Tông Huân đã đỗ thi hương. Đến khoa thi đình năm 1724, đời vua Lê Dụ Tông, ông đỗ bảng nhãn đình nguyên, là người đỗ cao nhất cả nước trong kỳ thi lúc ông 28 tuổi. Khoa này, triều đình lấy đỗ tất cả 17 người. Ông là người văn võ song toàn, từng làm ở Viện Hàn lâm rồi làm Đốc đồng Sơn Nam, Đốc trấn An Quảng và từng giải quyết công việc ở biên cương khiến người Trung Quốc phải nể phục. Đến đời Cảnh Hưng, ông được thăng làm Tả Thị lang bộ Hộ, sau làm Phòng sát sứ ở Tây đạo và Nam đạo.

Minh họa: S.H

Hà Tông Huân làm quan, trải 5 đời hoàng đế nhà Lê là: Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phường, Lê Thuần Tông, Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông. Sinh thời, ông từng được trao những trọng trách như Binh bộ Thượng thư, Tham tụng (Tể tướng), hàm Thiếu Bảo, tước Huy Quận công. Hà Tông Huân là một trong 5 vị nguyên lão đại thần thời Lê Hiển Tông. Ngoài tiếng tốt để lại trong khi làm quan, Hà Tông Huân còn là một nhà giáo giàu tâm huyết và đức độ, được không ít người đương thời coi là bậc tôn sư.

Năm 1745, ông được chúa Trịnh phong làm tham tụng trong phủ chúa và được phong tước Kim Khê bá. Sau đó, ông còn kiêm chức Tham đốc, có lần chỉ huy quân Tây đạo đi dẹp giặc ở vùng biên cương trấn Thanh Hoa. Thắng giặc trong trận này, ông được thăng làm Thượng thư bộ Binh, phong tước Huy Xuyên hầu và vẫn phụ trách công việc ở Quốc Tử Giám. Năm 1760, ông về hưu được gia phong hàm Thiếu Bảo, tước Huy Quận công. Trở về quê, ông dựng một ngôi nhà bên sông để khi nhàn rỗi mời các cụ trong làng đến trò chuyện, “chống gậy đi dép vui với gió xuân, gảy đàn uống rượu thưởng cùng trăng thu...”. Không lâu sau, chúa Trịnh Cương lại mời ông ra làm bậc ngũ lão trong triều. Ông mất năm 1766, thọ 70 tuổi, được tôn hàm Thái phó.

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú đã viết về ông như sau: Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt. Khi thi thố những công việc to tát việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, trải làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách. Với tài năng và công danh nổi tiếng một thời, Hà Tông Huân - người con ưu tú của quê hương Yên Thịnh được xếp là một trong những “người phò tá có công lao tài đức” thời Lê trung hưng. Tên ông được khắc trên bia ký ở Ngọc Vực, hiện nay được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi mãi lưu danh sử sách.

Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là con người lừng danh này lại có thuở hàn vi khá đặc biệt. Sách “Công dư tiệp ký” có chép về đoạn đời này của bảng nhãn Hà Tông Huân như sau: Ông là người thông minh, mẫn tiệp, nhưng lúc còn trẻ lại rất ham mê cờ bạc. Một hôm, cha vợ của ông sai người đi tìm, khi về ngang qua ruộng nhà thì ông thấy cha vợ và mấy người con trai đang làm lụng rất vất vả. Cha vợ giơ đòn lên, toan nện cho ông một trận, nhưng rồi lại không nỡ, bèn ra cho một vế đối, bảo phải lấy việc trước mắt mà đối, đối được mới tha cho. Cha vợ ông ra vế đối như sau: Học bác tài xa dự nhập tứ môn chi tuyển (Học rộng tài cao, dự cả 4 kỳ thi tuyển). Ông đối lại rằng: Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công (Cha cày con bừa nên thu công cả trăm mẫu).

Lời đối tuy không sắc sảo nhưng cha vợ nghe thế cũng yên lòng. Về sau, đến khoa Giáp Thìn, ông đỗ bảng nhãn. Vốn dĩ cha vợ ông cũng từng đi dạy học ở nhiều nơi nên thường khoe rằng, học trò của mình có nhiều người tài. Ông nghe thế liền làm một câu đối, đợi đến đêm thì lén viết vào cánh cổng nhà cha vợ để bỡn cợt. Câu đối ấy như sau: Lễ bất văn vãng giáo; Dương khai thiết giáo chi trường. Sĩ hữu thời vi bần; Liêu tác cứu bần chi kế. Nghĩa đại để là: Chưa từng nghe Kinh Lễ bảo phải đến nơi mà dạy; Sao đành mở trường ở nơi xa. Kẻ sĩ có lúc phải nghèo; Đành tìm kế cứu cái nghèo đã. Cha vợ xem thấy 2 câu có vẻ chế giễu, đoán biết là của chàng rể quý nên bỏ qua, không hỏi tới nữa.

Lời bàn:

Sống làm người trên cõi đời này dường như ai cũng có một thời dại dột, thậm chí còn làm cả những việc điên rồ. Và thời trai trẻ của bảng nhãn Hà Tông Huân cũng không có gì khác với sự thường thấy này. Vì đã nghèo phải nương cậy ở gia đình bên vợ, vậy mà còn nỡ ham mê cờ bạc, bỏ nhà đi thì quả là đại hư. Mọi khúc gỗ đều có thể thành bức tượng đẹp, nếu chịu sự đẽo gọt của nhà điêu khắc lành nghề. Chính vì biết được điều này mà cha vợ vẫn bỏ qua không hỏi gì tới thì quả là nhẫn đến mức đáng phục. Thế mới biết, ở đời chỉ có người tầm thường mới chấp nhặt sự tầm thường mà thôi. Hơn nữa, có phải bất cứ lúc nào mà người ta chẳng nói ra cũng là vì không biết đâu.

Có lẽ Hà Tông Huân sở dĩ trở thành trụ cột của triều đình là bởi vì ông may mắn có một vị cha vợ như trong giai thoại này. Cũng chính nhờ đó mà ông đã vượt lên, trở thành bậc anh tài xuất chúng, thành nhà đạo đức đáng kính, thành bậc tôi hiền giúp vua trị nước có nhiều công lao. Thế mới hay rằng, điều quan trọng của mỗi cuộc đời không phải là quá khứ của họ như thế nào, mà là ở chỗ cuối cùng họ là người ra sao và làm được gì cho giang sơn, xã tắc. Xin hậu thế đừng ai quên điều này! 

N.D

  • Từ khóa
110062

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu