Thứ 4, 08/05/2024 16:49:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 11:46, 03/04/2018 GMT+7

Nhà quân sự kiệt xuất

Thứ 3, 03/04/2018 | 11:46:00 473 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Thường Kiệt tên thật Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt. Ông sinh ra trong gia đình danh tướng, cha là Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, Lý Thường Kiệt là hậu duệ của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, con trưởng của Ngô Quyền. Tên tuổi danh tướng Lý Thường Kiệt gắn với chiến thắng cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai của quân dân Đại Việt và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã tỏ ra có chí hướng, nghị lực. Ông rất chăm chỉ luyện tập, ôn văn rèn võ, nghiên cứu binh thư. Năm 1041, ông được sung vào ngạch thị vệ để hầu vua, giữ chức Hoàng môn chi hậu và được thăng dần lên chức Đô tri, trông coi mọi việc trong cung. Dưới thời vua Lý Thái Tông, danh tiếng của Lý Thường Kiệt ngày càng nổi. Đến khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, ông được phong làm Bổng hành quân hiệu úy rồi lên chức Kiểm hiệu thái bảo.

Trong cuộc đời binh nghiệp, Lý Thường Kiệt có công giữ yên biên giới, mở mang bờ cõi cho nước Đại Việt. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1077, Lý Thường Kiệt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông trực tiếp tổ chức và lãnh đạo quân dân chống lại giặc ngoại xâm. Trong cuộc kháng chiến này, ông bộc lộ rõ tài năng quân sự xuất chúng. Năm 1075, nghe tin nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt bèn tâu với vua Lý Nhân Tông: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước, chặn thế mạnh của giặc”. Kế sách này được triều đình ủng hộ. Lý Thường Kiệt dẫn binh đánh các thành địch.

Ngoài ra, danh tướng nhà Lý còn khéo léo vận động sức dân, đồng thời nâng cao sĩ khí cho quân lính. Ông viết “Phạt Tống lộ bố văn”, nêu rõ lý do cuộc hành quân của mình là đập tan quá trình chuẩn bị xâm lược của nhà Tống. Lý Thường Kiệt đã khéo léo vận dụng phổ biến hình thức chiến thuật tập kích, đánh úp, đánh bất ngờ, nhanh chóng hạ hàng loạt căn cứ của quân Tống. Ông cũng thay đổi chiến thuật linh hoạt để phù hợp tình hình thực tế. Trong trận đánh Ung Châu - căn cứ chính của quân Tống, Lý Thường Kiệt dùng cách đánh cường công, kết hợp nhiều chiến thuật như sai quân đào hầm từ dưới đất đánh lên, dùng hỏa tiễn đốt phá trại giặc, đắp đất cao ngang tường thành của giặc để trèo lên tấn công từ ngoài vào.

Đến tháng 3-1076, quân nhà Lý triệt hạ 3 căn cứ lớn của quân Tống là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu, thực hiện kế hoạch phá hủy quân lương, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch tiến đánh nước ta. Lý Thường Kiệt chủ trương kết hợp 2 cách đánh tiến công và phòng thủ nên sau thắng lợi ban đầu, ông ra lệnh rút quân về nước, xây dựng các lớp phòng ngự, sẵn sàng nghênh địch. Lý Thường Kiệt quyết định dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu để xây dựng tuyến phòng thủ trên đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó, phòng thủ sông Như Nguyệt là tuyến chủ lực. Các trận đánh ở đây cũng mang lại thắng lợi toàn cục cho quân dân Đại Việt. Khi đến bờ bắc sông Như Nguyệt, quân Tống không tấn công ngay mà chờ thủy quân. Tuy nhiên, cánh quân thủy đã bị quân ta chặn đánh trong trận Đông Kênh, không thể tiến sâu vào Đại Việt theo đúng kế hoạch.

Chờ không được thủy quân, quân Tống tổ chức 2 lần tấn công chiến lũy Như Nguyệt nhưng đều thất bại nặng nề. Sau 2 tháng, chờ quân địch mệt mỏi, Lý Thường Kiệt phát động phản công, giành thắng lớn. Sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt biết quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Nam bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất nên sai sứ sang “nghị hòa” để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống không chỉ nhờ quân dân đồng lòng, kết hợp công - thủ mà còn nhờ cách đánh vào lòng người của Lý Thường Kiệt. Tương truyền, trong trận Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt soạn thảo “Nam quốc sơn hà” rồi sai người đọc bài thơ này vào mỗi đêm. Lời lẽ đanh thép của bài thơ khiến tinh thần quân Tống càng thêm hoảng loạn, nhanh chóng rệu rã. Sau này, “Nam quốc sơn hà” được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Lý Thường Kiệt là một nhân cách lớn của thời đại. Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã ca ngợi ông như sau: Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để nỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả.

Chỉ riêng điều này cũng đã đủ khẳng định Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc. Về văn học, ông để lại cho đời bài thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà”, tác phẩm nổi tiếng nhất đời Lý và bài hịch hùng tráng “Phạt Tống lộ bố văn”. Vì thế, ông là anh hùng dân tộc bậc nhất của đời Lý mà tên tuổi và sự nghiệp mãi sáng chói trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
110029

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu