Thứ 2, 20/05/2024 04:54:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:51, 04/03/2018 GMT+7

Tể tướng đi hỏi vợ

Chủ nhật, 04/03/2018 | 09:51:00 499 lượt xem
BP - Cho đến bây giờ, ở vùng Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn lưu truyền về giai thoại của vị tể tướng Nguyễn Văn Giai. Chuyện kể rằng, thuở hàn vi, một lần tể tướng Nguyễn Văn Giai đi tắm nhưng bị mất trộm hết quần áo. Sau đó, ông được 1 cô gái lén để cho mảnh vải để đóng khố mà trở về nhà. Về sau, khi đã đỗ đạt, ông hỏi cưới cô gái ấy về làm vợ để trả ơn.

Nguyễn Văn Giai là Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, là công thần có công phò giúp nhà Lê trung hưng. Ông nổi tiếng chính trực và giữ nghiêm pháp luật triều đình, được người đương thời nể trọng. Ông sinh vào đêm 22 tháng 12 năm Giáp Dần, tức ngày 14-1-1553, là người thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ông xuất thân trong một gia đình có tổ tiên từng nhiều đời đỗ đạt như trạng nguyên Nguyễn Văn Long, bảng nhãn Nguyễn Văn Quý, thám hoa Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Văn Lâm, nhưng đến đời của người cha là Nguyễn Văn Củng thì chỉ là một khóa sinh nghèo. Vì là người có sức khỏe bẩm sinh nên Nguyễn Văn Giai làm đủ nghề khó nhọc như gánh củi thuê để lấy tiền mua giấy bút theo học một ông Thái học người cùng làng.

Minh họa: S.H

Một hôm gánh củi thuê về, trời nóng bức, ông lội xuống tắm ở cái ao trước cửa nhà thầy học. Trong lúc đương bơi lội, quần áo trên bờ bị kẻ xấu lấy mất, ông phải ngâm mình dưới nước mãi không dám ngoi lên. Bên kia ao là nhà một ông giám sinh, có cô con gái ra ao định giặt, nhưng thấy ông đương tắm đành phải quay vào. Một lúc nữa, cô trở ra vẫn thấy như vậy. Rồi một lúc nữa, cô kia ra, đi loanh quanh ở bờ ao và bỏ lại trên bờ một tấm vải. Ông cảm lòng cô gái, lấy vải đó đóng khố rồi đi về nhà.

Năm 1579, nhà Lê trung hưng mở khoa thi ở Thanh Hóa (khi đó kinh thành Thăng Long vẫn do nhà Mạc chiếm giữ), ông thi đỗ giải nguyên. Năm 1580, vua Lê mở khoa thi hội đầu tiên ở sách Vạn Lại, ông đi thi tiếp và đỗ hội nguyên, rồi vào thi đình đỗ luôn đình nguyên nhị giáp tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê trung hưng. Sau khi thi đỗ, Văn Giai đến nói với ông giám sinh và xin hỏi cô gái ấy làm vợ thứ. Sách “Tang thương ngẫu lục” của 2 tác giả Phạm Đình Hồ, Nguyễn Án kể rằng, khi ấy ông giám sinh phải phân trần với Nguyễn Văn Giai rằng: Con gái tôi vô duyên. Hôm qua, tôi đã trót nhận lời gả cho một người học trò của tôi, cũng là bạn đồng khoa của ông đấy. Xin ông đừng lấy làm lạ sao tôi lại từ chối.

Và khi ông đồng khoa kia đến, hai bên tranh biện mãi nhưng vẫn không giải quyết xong. Khi đó, Nguyễn Văn Giai nói: Tôi vốn đã có vợ từ lâu, không phải dám tham sắc đẹp để mua cười với bạn. Chỉ vì hồi trẻ, hàn vi, từng được đội ơn người khuê các để mắt xanh đến, nên đã dốc lòng mến yêu từ đấy. Giời đất quỷ thần hẳn đều soi xét, lòng này có dám man muội đâu.

Sau đó, Nguyễn Văn Giai đã kể lại rõ đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Nghe xong, ông giám sinh vào trong nhà, hỏi chuyện con gái thì con nói cũng đúng như vậy. Sau đó, ông giám sinh đã đồng ý gả con gái mình cho Nguyễn Văn Giai. Đó là bà phu nhân thứ ba của ông, ông yêu quý bà như bà cả vậy.

Sau khi đỗ đình nguyên, Nguyễn Văn Giai được chúa Trịnh Tùng bổ nhiệm chức Tán ký lục trong quân đội. Ông đóng vai trò tham mưu kế sách quân sự trong trướng cho Trịnh Tùng, có nhiều công lao trong việc đánh bại nhà Mạc, chiếm lại kinh thành Thăng Long năm 1592. Năm sau, Nguyễn Văn Giai được thăng chức Đề hình Giám sát Ngự sử. Năm 1608, ông được thăng làm Đô ngự sử. Ông có nhiều công lao trong việc bang giao với nhà Minh, đánh dư đảng nhà Mạc ở Cao Bằng, nên được thăng đến chức Tham tụng, Thượng thư Bộ lại, nắm việc cả 6 bộ kiêm Đô ngự sử, hàm Thiếu bảo, tước Lễ quận công, được xem là người có công lao đứng đầu lúc đương thời.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, dưới quyền cai quản của Nguyễn Văn Giai, triều đình Lê trung hưng còn giữ được sự thống nhất nội bộ, mặc dù xu hướng suy thoái đã không tránh được. Tuy không ngăn cản được Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông vào năm 1619, nhưng ông ra sức nắm cương triều chính, không để xảy ra chuyện lục đục, năm bè bảy mảng. Khi có những mâu thuẫn tranh chấp giữa 2 con của Trịnh Tùng là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân, Nguyễn Văn Giai đã cố sức dập tắt, cuối cùng bắt được Xuân về giao cho Tùng trị tội, nhờ đó các thế lực phản loạn bị dẹp yên. Và để chia bớt quyền hành của chúa Trịnh, ông đã có sáng kiến lập ra phủ thừa tướng bên cạnh phủ chúa, ngấm ngầm bảo vệ vua Lê.

Và theo các sử gia đương thời, Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người thanh liêm, tự ông nêu gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiêng nể. Gia phả còn ghi lại lời ông răn bảo triều thần: Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu, mà phải biết tu nhân tích đức cho con cháu đời sau vậy. Tiếc rằng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay vẫn còn người có chức có quyền nhưng không thấu hiểu lời dạy của tiền nhân, để rồi thân bại, danh liệt.

N.D

  • Từ khóa
110020

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu