Thứ 2, 20/05/2024 06:04:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:40, 21/12/2017 GMT+7

Câu hỏi để đời

Thứ 5, 21/12/2017 | 08:40:00 109 lượt xem
BP - Vũ Khâm Lân, người xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (nay thuộc tỉnh Hải Dương), vốn là con nhà nghèo, lại gặp cảnh mẹ kế con chồng nên ông phải bỏ nhà ra đi... Ông vừa làm thuê vừa học ở làng Dịch Vọng, nay thuộc huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Với ước mơ được mang sức lực và trí tuệ ra giúp đời và bằng nghị lực hơn người, năm Đinh Mùi - 1727, dưới triều vua Lê Dụ Tông, ông đi thi và đỗ đồng tiến sĩ xuất thân khi mới 25 tuổi.

Dưới thời trị vì của vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, Vũ Khâm Lân từng làm tới chức Hữu thị lang bộ Lại. Theo sử cũ, ông là người có lòng với giang sơn và trăm họ, nhưng ông sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc, xã hội nhiễu nhương, quan trường bế tắc, chẳng phải riêng ông mà hầu như tất cả bậc khả kính lúc ấy cũng đành chịu khoanh tay bó gối làm ngơ.

Minh họa: S.H

Năm Bính Dần - 1746, Vũ Khâm Lân đã thử nghiệm nghiệp quan trường lần cuối. Lần này, nhân được cử làm giám khảo trường thi, ông muốn thử lòng các thí sinh, tức là thử lòng bộ phận trẻ nhất của kẻ sĩ trong thiên hạ. Sự việc này đã được sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi lại như sau:

Bấy giờ, quan lại không có lương bổng thường xuyên mà phải sống nhờ vào việc kiện tụng. Những việc đại loại như khám xét, bắt tội hay giam giữ, các quan dưới cũng như trên đều làm sai lẽ. Vì thế, có đến hơn một nửa số giấy tờ trong triều đình cũng như chính quyền các cấp từ tỉnh đến làng, xã đều là đơn từ kiện tụng. Bởi vậy, các quan có trách nhiệm về việc này hầu như không bao giờ được rảnh rỗi nên thường hay chán nản việc công.

Đến đây, triều đình ban bố rõ cấm lệnh như sau: Phàm những việc không cấp bách hoặc giả là không gây tổn hại gì cho ai thì không được tố cáo, kiện tụng lẫn nhau. Lệnh này chỉ cốt giảm bớt kiện, nhưng thói tục đã quen, rốt cục cũng chẳng đổi thay được gì. Nhưng, cũng có chỗ thì ngược lại, như có vụ giết người hoặc là làm hại người, nếu kẻ trong cuộc vì sợ lệnh mà không tố cáo thì quan địa phương dẫu có biết cũng chẳng bắt tội vào đâu được.

Trong tình hình ấy, quan Hữu thị lang bộ Lại là Vũ Khâm Lân, nhân được giao việc chấm thi, bèn ra đầu bài, hỏi học trò rằng: Ví thử như có người làm quan, thấy kẻ giết người giữa ban ngày, nhưng khổ chủ lại ham của đút lót mà ỉm đi, không chịu tố giác, khiến quan phải lúng túng, vì lấy luật để xử hung thủ thì sai lệ, mà theo lệ để ngồi nhìn thì sai luật, muốn làm đúng cả luật lẫn lệ thì phải như thế nào?

Với một đoạn sử ngắn đã nêu mà có đến 3 sự kiện lạ vào thời ấy. Sự lạ thứ nhất là quan lại lúc đó không có lương bổng thường xuyên, đành phải sống chủ yếu dựa vào kiện tụng, nhưng triều đình lại muốn bắt họ phải sống thanh liêm, hẳn là còn khó hơn việc khuyên mèo đừng bắt chuột.

Sự lạ thứ hai là ở cái lệnh cấm của triều đình. Một khi các quan đã sống chủ yếu dựa vào kiện tụng, thì hẳn nhiên đơn từ kiện tụng phải nhiều, nhưng lạ là ở chỗ chỉ có các vụ trọng án mới được tố cáo để xét xử, thì quả là một xã hội đại loạn. Vả lại, lập ra triều đình là để làm việc, nếu các quan nhàn cư rồi sinh ra bất thiện, chẳng mấy chốc mà thành loạn thần tặc tử bất nhân, thử hỏi lúc ấy lấy ai để mà xử?

Sự lạ thứ ba là ở chỗ mâu thuẫn giữa luật và lệ. Bởi từ xưa tới khi ấy, luật và lệ luôn luôn đối chọi nhau, như mặt trời với mặt trăng, như sao Mai với sao Hôm, như nước với lửa..., từ quan tới dân thường chẳng ai biết đằng nào mà lần. Tất nhiên, sự lạ này và thậm chí là cực kỳ lạ nhưng lại rất dễ hiểu. Đó là một xã hội kiện tụng bao giờ cũng là xã hội rối ren, suy đồi và đang bên bờ vực suy vong.

Suy xét kỹ mới thấy câu hỏi của Vũ Khâm Lân vào thời điểm đó là một câu hỏi cực khó. Bởi trong câu hỏi có ý chỉ trích chính sự đương thời bị uốn nắn sai lệch quá. Nhưng trớ trêu thay, về sau này cũng chính Vũ Khâm Lân được vào giữ công việc trong triều đình, tức là lúc ông được nhà vua gọi vào triều và giao giữ chức Tham tụng, song ông cũng chẳng thể nào làm thay đổi được xã hội.

Lời bàn:

Với câu hỏi trong giai thoại đã nêu của tiến sĩ Vũ Khâm Lân, quả là để đời. Vì cả xã hội đều biết nhưng không ai hỏi, duy nhất chỉ có một mình ông hỏi. Thứ hai là biết không ai trả lời được nhưng tiến sĩ Vũ Khâm Lân vẫn cứ hỏi. Thứ ba là khi đến lượt mình, chính Vũ Khâm Lân cũng không trả lời được. Âu đó cũng là lẽ thường, bởi lúc đó cả xã hội bế tắc, từ vua đến quan đều ngoảnh mặt làm ngơ thì trăm họ làm sao không rơi vào cảnh khốn cùng cho được.

Từ giai thoại trong bài cho thấy, một người đã đỗ tiến sĩ như Vũ Khâm Lân ắt phải là người thông minh, học rộng, hiểu sâu, nhưng ở đây ông lại tỏ ra rất ngây thơ. Bởi ông đi tìm ánh trăng trong đêm trừ tịch thì biết chừng nào mới tìm được? Ông hỏi thí sinh câu mà chính giám khảo như ông cũng không sao trả lời được. Vâng, đó là cái quy luật lòng vòng và cuối cùng đi đến chỗ bế tắc của xã hội phong kiến đang vào thời kỳ suy tàn, một con người muốn làm thay đổi xã hội, nhưng lại chỉ biết có mình, không biết gì đến quần chúng và lại chỉ dựa vào sự hiểu biết qua sách vở, song lại muốn cảm hóa cả xã hội, thì phỏng có ích gì?

N.D

  • Từ khóa
109998

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu