Thứ 2, 20/05/2024 06:04:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:07, 03/10/2017 GMT+7

Tình mẫu tử

Thứ 3, 03/10/2017 | 10:07:00 160 lượt xem
BP - Báo điện tử Thái Bình có đăng bài kể lại một giai thoại về trạng nguyên Phạm Đôn Lễ như sau: Hồi còn nhỏ, trạng nguyên Phạm Đôn Lễ sống rất cơ cực. Gia đình nghèo khó vì không có ruộng vườn nên mẹ ông sống bằng nghề bán nước trà ven làng, còn cha làm nghề chài lưới tại bến đò Cà Ven sông Luộc. Nhưng ngay khi ông còn rất nhỏ thì người cha đã qua đời.

Minh họa: S.H

Năm lên 3 tuổi, Phạm Đôn Lễ bị lạc trong một lần đi chơi ở ven sông. Thế rồi có một chủ thuyền buôn (sử sách ghi lại là người xã Thanh Nhã, huyện Kim Hoa, tức Sóc Sơn, TP. Hà Nội ngày nay), khi đi qua đây thấy đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú nên đã đưa về nuôi và cho ăn học. Phạm Đôn Lễ càng lớn càng tỏ ra thông minh, học một biết mười. Năm 1481, niên hiệu Hồng Đức 12, Phạm Đôn Lễ dự thi hội, thi đình và đều đỗ thủ khoa. Trước đó ông cũng đỗ đầu kỳ thi hương. Sau khi thi đỗ, Phạm Đôn Lễ được vua Thánh Tông bổ nhiệm làm Hàn lâm viện thừa chỉ. Ông được vua ban áo mão, ngựa và lộng che để về quê vinh quy bái tổ. Lúc này, người cha nuôi mới kể sự thật về lai lịch và quê hương của ông. Đến lúc này quan trạng mới biết quê chính của mình là ở làng Hải Triều ven sông Luộc. Ông quyết tâm tìm về quê hương để gặp người mẹ già.

Trong vai người khách bộ hành Phạm Đôn Lễ tìm về làng Hải Triều, huyện Ngự Thiên. Khi đến bến đò Cà, ông thấy có quán nước siêu vẹo ở bên bờ sông. Một cụ già mái tóc bạc phơ, đôi mắt vẫn còn tinh nhanh, đang ngồi bán nước cho quán bộ hành và quan trạng bèn vào nghỉ chân rồi lân la hỏi chuyện cụ chủ quán. Khi hỏi đến con cái của cụ thì đột nhiên cụ già buồn rầu, vừa khóc vừa kể cho khách nghe về người con trai bị thất lạc năm lên 3 tuổi, đến nay đã trên 30 năm. Cụ vẫn hằng ngày vừa bán nước vừa ngóng tin con với niềm hy vọng người con trai nếu còn sống chắc chắn sẽ tìm về với mẹ.

Quan trạng nguyên ngồi nghe kể chuyện mà lòng quặn đau thương mẹ. Trạng liền hỏi: Cụ còn nhớ con trai cụ có đặc điểm gì nổi bật, dễ nhớ không? Cụ già bán nước nói trong nước mắt: Ở giữa gan bàn chân trái của con trai tôi có nốt ruồi đỏ như son. Quan trạng nghe nói vậy thì biết ngay đây chính là người mẹ đáng thương của mình, nhưng ông cố nén lòng, xin chủ quán cho phép mình được nghỉ nhờ trên chiếc chõng tre. Khi nằm trên chõng, ông cố ý gác chân trái lên chân phải để lộ nốt ruồi đỏ ở gan bàn chân trái của mình ra. Cụ già bán quán vô tình nhìn thấy bất chợt cụ ôm mặt khóc rất to.

Thấy vậy, quan trạng vội ngồi dậy và hỏi: Vì sao cụ khóc? Cụ già nói: Tôi khóc vì nhìn thấy nốt ruồi ở gan bàn chân trái của quý khách giống như của con trai tôi ngày còn bé. Không thể nén được nỗi lòng mình, trạng nguyên Phạm Đôn Lễ vội ra khỏi chõng tre chạy lại ôm chầm lấy người mẹ già đáng thương và quan trạng nói: Thưa mẹ, con chính là đứa con trai bị thất lạc của mẹ 30 năm về trước. Mấy năm sau người mẹ của quan trạng qua đời. Truyền thuyết kể rằng: Trong thời gian về chịu tang mẹ, khi đê cửa sông Luộc bị lở vỡ, ông đã giúp nhân dân kè lại cửa sông bị vỡ. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, không may công chúa bị ốm nặng. Vốn tính trung thực, ông thường hay can gián vua không nên nghe theo những kẻ nịnh thần, vậy nên nhân cớ này bọn gian thần hặc tội Phạm Đôn Lễ và tấu với nhà vua rằng: Công chúa bị ốm là do Phạm Đôn Lễ đào đắp đê cửa sông Luộc đã bị phạm đến long mạch.

Vua nghe theo lời gièm pha của những kẻ nịnh thần, khép tội Phạm Đôn Lễ, sau khi các quan trung thần tấu xin giảm tội, nhưng triều đình đã bắt ông phải từ quan. Phạm Đôn Lễ trở về Hải Triều, sau đó về sống ở quê hương của người cha tại huyện Tứ Kỳ. Tại đây ông đã truyền nghề dệt chiếu cho dân làng và những ngày cuối cuộc đời, ông luôn nhớ tới làng Hải Triều quê hương của thân mẫu mình. Khi mất thi hài của ông được chôn tại Tứ Kỳ, quê hương của ông. Nghe tin ông mất, dân làng Hải Triều đã tấu với triều đình xin cho phép lập đền thờ ông.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên, trạng nguyên Phạm Đôn Lễ không chỉ là người con hiếu thảo với cha mẹ, mà ông còn là người có tấm lòng sâu nặng với quê cha, đất tổ. Và trong kinh Phật có dạy rằng: Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng bất hiếu, sinh ra không gặp Phật khéo thờ cha mẹ tức thờ Phật, thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ. Trong kinh “Tứ thập nhị chương” cũng có ghi: Phàm người thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng. Có lẽ vì thế từ xưa tới nay, đã là người Việt Nam thì ai ai cũng biết và thuộc câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Vâng, hiếu là bổn phận làm con và cũng là đạo làm người. Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục. Người biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ của mình là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo. Tiếc rằng thời nay, người thuộc và hiểu được ý nghĩa của câu ca dao trên thì nhiều, nhưng người thực hiện được như câu ca dao này thì lại chẳng có bao nhiêu. Bởi thế mới có chuyện chủ đại lý vé số rất lớn ở phường 1, thành phố Sóc Trăng đã khóa cửa bỏ mặc bà mẹ gần 90 tuổi nằm một chỗ trong căn nhà nhỏ riêng biệt. Không ai từ trên trời rơi xuống, cũng chẳng có ai từ dưới đất chui lên, thế sao cuộc đời lại có những con người như vậy với người mẹ của chính mình, thật đáng buồn thay!

Bích Ngọc

  • Từ khóa
109966

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu