Thứ 2, 20/05/2024 06:55:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:34, 29/08/2017 GMT+7

Cái giá của cả tin

Thứ 3, 29/08/2017 | 09:34:00 108 lượt xem

BP - Là một vị vua nổi tiếng trong thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc và giành được độc lập dân tộc, nhưng sử sách ghi chép rất sơ lược về thân thế, sự nghiệp của Việt vương Triệu Quang Phục. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc, một hào trưởng huyện Chu Diên (nay là vùng tiếp giáp giữa Sơn Tây và Vĩnh Phúc). Năm Nhâm Tuất (542), khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, hai cha con ông đem quân hưởng ứng và có nhiều đóng góp tích cực trong cuộc chiến lật đổ ách đô hộ của giặc Lương cũng như lập nhiều công lớn.

Minh họa: S.H

Năm Giáp Tý (544), khi nước Vạn Xuân được thành lập, Lý Bí lên ngôi hoàng đế (Lý Nam Đế) đã sắc phong cho Triệu Quang Phục chức Tả tướng quân... Tháng 5 năm Ất  Sửu (545), quân Lương do tướng Trần Bá Tiên và Dương Phiêu chỉ huy lại kéo sang xâm lược nước Vạn Xuân, muốn tái lập ách đô hộ của chúng. Lúc này, thế giặc rất mạnh, Lý Nam Đế giao chiến bất lợi. Đến giữa năm Bính Dần (546), sau trận kịch chiến ở hồ Điển Triệt (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) với giặc Lương, lực lượng của Lý Nam Đế bị thiệt hại nặng, vua liền giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục và rút vào vùng động Khuất Lão (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ) rồi sau lâm bệnh mất ở đó.

Được Lý Nam Đế tin tưởng ủy thác trọng trách tổ chức lại lực lượng để chống giặc, Triệu Quang Phục đưa một bộ phận quân lính vào đóng ở đầm Dạ Trạch từ tháng giêng năm Đinh Mão (547) để cố thủ và đánh tiêu hao sinh lực địch, gây cho chúng nhiều phen khốn đốn. Đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được; nếu không quen đường đi thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết.

Triệu Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem trên 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, dùng chiến thuật du kích; ban ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Lương, cướp lương thực, vũ khí, giết và bắt sống rất nhiều quân lương, lấy đó làm kế cầm cự lâu dài. Năm Mậu Thìn (548), khi nghe tin Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên làm vua xưng là Triệu Việt Vương nhưng nhân dân vẫn quen gọi ông là Dạ Trạch Vương. Khi đó, chủ tướng giặc là Trần Bá Tiên nhiều lần tấn công vào đầm nhưng đều không đánh được, không còn cách nào khác, chúng đành mưu tính cầm cự lâu ngày để làm cho Triệu Việt Vương lương hết, quân mệt mỏi thì có thể phá được. Tuy nhiên  lúc này nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Trần Bá Tiên về dẹp loạn, ủy quyền cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Chớp cơ hội đó, Triệu Việt Vương tung quân ra đánh, giành được thắng lợi, quân Lương thua to rút chạy về nước.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép rằng: Năm Canh Ngọ (550)..., mùa xuân, tháng giêng, nhà Lương cho Trần Bá Tiên làm Uy minh tướng quân Giao Châu thứ sử. Bá Tiên lại mưu tính cầm cự lâu ngày khiến vua lương hết, quân mỏi thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Bá Tiên về, ủy cho tì tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Vua tung quân ra đánh; Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên và vua vào thành Long Biên ở.

Trong sử sách, Triệu Quang Phục thường được gọi là Việt Vương, nhưng Dạ Trạch Vương (vua đầm một đêm) vẫn là cách gọi gần gũi trong giai thoại dân gian về ông. Làm vua đến năm Canh Dần (570), Triệu Việt Vương bị thông gia của mình là Lý Phật Tử, em họ của Lý Nam Đế, phụ lời thề giao kết, bất ngờ đem quân đánh. Ông thế yếu không thể chống được, bèn đem con gái Cảo Nương chạy về phía Nam, tìm nơi đất hiểm để ẩn náu, nhưng đến đâu cũng bị quân của Lý Phật Tử đuổi theo sát gót. Khi hai cha con cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha thì bị nước chắn, cùng đường, Triệu Việt Vương rút gươm chém con gái rồi nhảy xuống biển tự vẫn.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên, Lý Phật Tử đã dùng lại kế cũ của Triệu Đà bằng cách cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái của An Dương Vương là Mị Châu, rồi xin ở rể. An Dương Vương vì mất cảnh giác đã để mất nước vào tay Triệu Đà. Mị Châu vì cả tin, ngây thơ vô tình tiếp tay cho hành động gian xảo đánh cắp nỏ thần của Trọng Thủy. Đến lượt Triệu Việt Vương lại cũng vì mất cảnh giác và cả tin vào lời thề giao kết của Lý Phật Tử, nên cơ đồ chìm đắm biển sâu. Vì muốn chiếm ngôi của Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử đã dùng kế cho con trai của mình là Nhã Lang lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương. Nhân cơ hội đó, Nhã Lang đã tráo “móng rồng” của Triệu Việt Vương.

Giá như cha con An Dương Vương, Mị Châu và Triệu Việt Vương cùng con gái là Cảo Nương không mất cảnh giác, đồng thời ý thức một cách rõ ràng về địa vị cũng như trách nhiệm của mình với trăm họ và xã tắc, thì chắc chắn bi kịch nước mất nhà tan sẽ không xảy ra. Đây là bài học đắt giá về tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của mọi người dân đất Việt. Xưa nay có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê, hậu thế chê trách và thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, sử thần Ngô Sĩ Liên có viết như sau: Lấy thuật tranh bá mà xét thì Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song lấy đạo của bậc làm vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo.

N.D

  • Từ khóa
109952

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu