Thứ 6, 10/05/2024 00:26:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:39, 05/03/2017 GMT+7

Vị tổ của ca trù

Chủ nhật, 05/03/2017 | 14:39:00 388 lượt xem
BP - Theo sử sách ghi lại và lưu truyền đến ngày nay, Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, một cô gái vô cùng xinh đẹp, nổi tiếng ca hát khắp tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, nay là thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Đào Nương không chỉ được coi là bà tổ của nghệ thuật ca trù mà còn lập công lớn giúp nhà Lê “chuốc rượu” giết giặc Minh. Bà từng được vua Lê khen thưởng công lao. Khi bà mất, nhân dân xây đền thờ tại nơi bà ở.

Tương truyền, bà là người phát minh ra loại hình hát ả đào rất phát triển ở đồng bằng Bắc bộ. Nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng tài hoa như: Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến... là tác giả của nhiều bài hát nói nổi tiếng. Các ca từ trong mỗi bài hát đều có giá trị văn học đặc sắc, với lối hát thanh tao, khả năng trình diễn uyên bác, tiết tấu âm nhạc chậm rãi cùng tiếng đàn đáy du dương, không phải người nghe nào cũng hiểu hết giá trị nghệ thuật của nó.

Năm Đào Nương 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ”, đem quân xâm lược nước ta. Chúng đã đóng đồn trại về tận các thôn xóm hòng vơ vét của cải, giết hại dân lành khiến bốn bể lầm than. Đàn ông bị bắt làm phu dịch thực hiện những công việc nặng nhọc cho tới chết, đàn bà bị bắt làm nô tì. Thời điểm đó cũng là lúc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn. Đào Nương cùng nhiều chị em trong làng Đào Đặng đã mở quán rượu để lôi kéo tướng sĩ quân Minh lui tới ăn uống. Mục đích là tìm hiểu nội tình quân địch giúp Lê Lợi đánh lên đất Thăng Long.

Nhờ có tài nghệ và nhan sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cả quân và tướng giặc Minh. Chúng có phần vị nể và biến quán rượu của nàng thành nơi hội họp, ăn uống, nghỉ ngơi mà không đề phòng bất cứ điều gì. Hằng ngày, quân sĩ giặc Minh thường kéo nhau đến quán rượu của nàng Đào Nương tập trung chè chén thâu đêm suốt sáng. Rượu tiệc no say, chúng lại lăn ra ngủ. Thời đó, tổng Cao Cương vốn là vùng lau sậy um tùm, nhiều côn trùng, đặc biệt là muỗi. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được “ấm thân” và an toàn trước côn trùng.

Đêm đến chúng chui vào bao và buộc túi lại tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Với công việc này, Ả Đào đã nghĩ ra kế giết giặc. Sau khi thông báo “mật kế” cho nghĩa quân Lam Sơn, Ả Đào bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong vùng bàn kế hoạch giết giặc. Cứ đêm đến khi giặc đã ngủ say, dưới sự chỉ huy của Đào Nương, anh em trai tráng đến khiêng từng túi quẳng xuống sông. Khi ném chúng xuống, các túi ngủ đều được buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài nên dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu phải đuối nước.

Quân số của giặc ngày càng hao hụt. Cho tới một hôm, tướng giặc thấy không rõ vì sao quân lính trong đồn tự nhiên mất tích một cách khó hiểu, hắn vội ra lệnh kiểm điểm lại số quân và bắt tất cả quân lính trong đồn đứng xếp hàng vào một thửa ruộng hình vuông, bốn bề có đắp tường cao, gọi là đấu đong quân để biết thiếu đủ ra sao. Tướng giặc giật mình khi thấy quân sĩ hao hụt quá nửa mà không tìm ra nguyên nhân mới cho rằng tổng Cao Cương là vùng đất độc, không thích hợp đóng quân nên quyết định phải dời đồn trú đi nơi khác. Đến nay, dấu vết của giặc Minh vẫn còn tại một khu ruộng ở làng Đào Đặng.

Khi Đào Nương mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ bà. Đất nước thanh bình, Lê Thái Tổ lên ngôi biết chuyện bèn phong bà chức Phúc thần, cho sửa lại đền thờ và cấp ruộng cúng tế. Hiện nay, làng Đào Đặng còn có đền thờ và tượng bà. Hội đền tổ chức từ mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 hằng năm. Bà được suy tôn là một trong những vị tổ nghệ thuật ca trù của nước ta.

Lời bàn:

Ca trù hay còn gọi là hát cô đầu, hát ả đào, hát nhà tơ, hát nhà trò, là sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc. Ca trù ở Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ XV đến nay. Và mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam. Theo đánh giá của UNESCO, ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường... Chính vì thế, ngày 1-10-2009, tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, nghệ thuật ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Đây là vinh dự và niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Và càng vinh dự, tự hào bao nhiêu thì mỗi chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc hơn về lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản văn hóa quý báu mà cha ông ta đã để lại. Thế nhưng thực tế cuộc sống cho thấy, cổ nhạc không thể bảo tồn bằng cách hô hào. Đồng thời, những ca nương, các kép đàn không thể chỉ hít không khí mà giữ nghiệp được. Vì thế, rất cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về ca trù để ca trù khẳng định được vị thế trong xã hội. Có như vậy thì trong tương lai nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mới hy vọng tồn tại và phát triển.   

N.D

  • Từ khóa
109891

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu