Chủ nhật, 19/05/2024 06:25:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:14, 09/02/2017 GMT+7

Thủ lĩnh Bãi Sậy

Thứ 5, 09/02/2017 | 10:14:00 4,647 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Nguyễn Thiện Thuật là thủ lĩnh của khởi nghĩa Bãi Sậy. Quê ông ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là con cả của một gia đình nhà nho nghèo, là hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi. Cha ông là tú tài Nguyễn Tuy làm nghề dạy học, các em trai ông là Nguyễn Thiện Dương và Nguyễn Thiện Kế sau này cũng đều tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Năm 1874, sau khi đã đỗ tú tài, Nguyễn Thiện Thuật được triều đình nhà Nguyễn cử làm Bang biện do có công đánh giặc ở Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm 1876, ông tiếp tục dự kỳ thi nho học và đậu cử nhân - cùng khoa thi này có Phan Đình Phùng, năm sau ông thi đỗ Đình nguyên tiến sĩ. Sau đó, Nguyễn Thiện Thuật được thăng chức Tri phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Rồi ông được bổ nhiệm giữ chức Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương (vì thế nhân dân thường gọi ông là Tán Thuật). Năm 1881, ông giữ chức Chánh sứ sơn phòng tỉnh Hưng Hóa, kiêm chức Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây. Ông làm quan thanh liêm, công minh và có tài cai trị. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai năm 1882, nhà Nguyễn đầu hàng nhưng Nguyễn Thiện Thuật đã kháng lệnh triều đình và quyết tâm đánh Pháp.

Minh họa: S.H

Đầu năm 1883, ông sang Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh để chiêu mộ nghĩa quân và liên kết với Đinh Gia Quế, là lãnh tụ của nghĩa quân Bãi Sậy (ngày nay thuộc các huyện: Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên) để chống Pháp. Cuối năm 1883, sau khi ký Hiệp ước Harmand, vua Tự Đức ra lệnh bãi binh ở Bắc kỳ, nhưng Nguyễn Thiện Thuật kháng chỉ và lên Hưng Hóa, Tuyên Quang cùng Nguyễn Quang Bích tiếp tục kháng chiến.

Năm 1884, thành Hưng Hóa thất thủ, ông rút lên thành Lạng Sơn phối hợp với Lã Xuân Oai, Tuần phủ Lạng Bình (Lạng Sơn, Cao Bằng) tiến hành kháng Pháp, cho tới khi thành này thất thủ năm 1885, thì bỏ sang Long Châu - Trung Quốc. Tháng 7-1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về nước, thành lập căn cứ địa Bãi Sậy, tiếp tục sự nghiệp của thủ lĩnh Đinh Gia Quế. Vua Hàm Nghi phong cho ông làm Bắc kỳ hiệp thống quân vụ đại thần, gia trấn Trung tướng quân, nên nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp Thống. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Thuật, khởi nghĩa Bãi Sậy lan ra khắp tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình.

Căn cứ Bãi Sậy là khu rừng sậy ở giữa các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Mỹ Hào. Vị trí Bãi Sậy hiểm yếu và có nhiều đường thông ra ngoài. Nhờ vậy mà nghĩa quân đã bung ra hoạt động khắp nơi, lan sang các tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên... Trong 10 năm kháng chiến, khởi nghĩa Bãi Sậy có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1883-1885, do thủ lĩnh Đinh Gia Quế lãnh đạo; giai đoạn thứ hai từ năm 1885-1890, do thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo và giai đoạn thứ ba là từ năm 1890-1892, do thủ lĩnh Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo.

Căn cứ Bãi Sậy ngoài ở vị trí hiểm yếu, tiện phòng thủ, thuận lợi trong tiến công, nơi đây còn làm cho giặc Pháp và quân lính tay sai khiếp sợ vì có rất nhiều hầm hào luồn dưới những thân sậy, lớp nọ chồng lên lớp kia. Rắn độc cũng rất nhiều, nhiều tên lính bò vào căn cứ để trinh sát bị rắn cắn chết. Đã có rất nhiều toán quân Pháp liều chết thọc sâu vào căn cứ thì cả toán không một tên nào sống sót trở về mà không hề có một tiếng súng nổ.

Để vào được căn cứ, phải vượt qua những đám sậy cao tới 3m cùng những gai mỏ quạ, gai leo, gai dứa và những cây lá han đụng vào là sưng tấy, nhức buốt đến tận xương. Nếu vượt qua được cây lau sậy và đầm lầy, thì còn rất nhiều con đỉa đói bám lấy mà hút máu. Quân giặc dò dẫm như đi vào mê hồn trận, đang lúc bàng hoàng chưa biết đi về hướng nào thì cờ đỏ phất lên, lập tức nghĩa quân nấp trong các hầm hào, địa đạo bí mật nổ súng. Ban ngày nghĩa quân ở trong căn cứ, sản xuất lương thực, ban đêm đi tập kích các đồn địch. Nhân dân tự động làm công tác trinh sát, phát hiện các cuộc càn quét của giặc báo cho nghĩa quân, nên nghĩa quân đã kịp thời đón đánh chúng.

Lời bàn:

Theo sử cũ, khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, nhà Nguyễn vì bảo vệ quyền lợi của dòng họ và ngai vàng nên đã đầu hàng giặc. Nhưng ông Nguyễn Thiện Thuật kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp đến cùng. Ông tiếp quản lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ Đinh Gia Quế và phát triển cuộc khởi nghĩa từ phạm vi một vài huyện rồi mở rộng ra liên tỉnh, liên vùng, có ảnh hưởng sâu rộng tới các cuộc khởi nghĩa cùng thời ở Bắc kỳ và cả nước.

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy tuy thất bại nhưng đã kế tục truyền thống yêu nước, bất khuất của ông cha và cổ vũ nhân dân ta tiếp tục đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Và Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lĩnh, sĩ phu với tinh thần đoàn kết của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh quyết tâm đánh thực dân Pháp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc. Đồng thời để lại nhiều bài học bổ ích, nhất là phương thức hoạt động, chiến thuật du kích, dựa vào sự ủng hộ của dân chúng và địa thế để đánh úp quân địch.

N.D

  • Từ khóa
109881

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu