Thứ 2, 20/05/2024 02:53:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:58, 04/06/2014 GMT+7

Ý chí của vua Duy Tân

Thứ 4, 04/06/2014 | 07:58:00 1,158 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, khi vua Duy Tân mới 12 tuổi, có lần đến dự ngự yến ở tòa Khâm sứ cùng với viên cố đạo người Pháp. Viên cố đạo này đã có tuổi, lại là người thông thạo tiếng Việt và tiếng Hán.

Thấy nhà vua còn ít tuổi nhưng có vẻ thông minh và tuấn tú, ông ta mới ra một vế câu đối cho vua Duy Tân như sau: Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ. Nghĩa của câu đối là ở chỗ: Chữ Vương là vua, nếu bỏ đi một nét thì đọc thành chữ Tam và câu này có ý nhắc đến việc chính quyền thực dân Pháp chia nước ta ra làm ba kỳ.

Vua Duy Tân nghe xong, liền ứng khẩu đối ngay: Chặt đầu thằng Tây, tứ hải giai huynh. Nghĩa của câu này là ở chỗ: Chữ Tây theo chữ Hán nếu bỏ phần đầu thì thành chữ Tứ. Câu đối này đã thể hiện rõ ràng sự căm ghét thực dân Pháp của vị vua thiếu niên. Và mặc dù câu đối tuy không được chỉnh, nhưng cũng đủ làm cho tên cố đạo đau điếng, tím mặt không còn nói gì được nữa.

Thời đó, vào mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, có bãi tắm bằng phẳng, cát trắng và mịn. Một hôm, nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, một người thị vệ liền bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Vua vừa rửa vừa hỏi:

- Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa?

Người thị vệ lúng túng không trả lời được. Nhà vua bèn đặt lại câu hỏi khác: Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch?

Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói: Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khỏi những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, nhà ngươi đã hiểu ra chưa?

Có nhiều tài liệu khác thì ghi lại là nhà vua trả lời cho người thị vệ như sau: Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!

Dù tư liệu kể lại việc này có thể dùng những lời lẽ khác nhau, nhưng nội dung đều tỏ rõ ý chí chống xâm lăng của vua Duy Tân.

Để cách ly vua Duy Tân với triều đình Huế, thực dân Pháp cho xây dựng nhà thừa lương ở Cửa Tùng để đưa vua ra đó ở. Sống giữa cảnh trời cao bể rộng đó, nhà vua trẻ tuổi không nguôi ngoai nỗi đau khổ, day dứt: Vì sao vua Thành Thái bị đày, đất nước vì sao không có chủ quyền, đồng bào vì sao lầm than, cực khổ mãi?...

Một hôm, quan Thượng thư Nguyễn Hữu Bài ra thăm, thấy vua buồn bèn bày đi câu. Vua tôi chèo thuyền ra cửa biển. Mới thả câu nhấp nháy mấy cái thì lưỡi câu mắc không kéo lên được. Nhà vua hí hoáy gỡ câu, nhân tiện ra một vế câu đối để dò xem ý nghĩ của quan Thượng thư về hoàn cảnh quốc gia, dân tộc ra sao. Vua nói:

Ngồi trên nước không ngăn được nước;

Buông câu ra đã lỡ phải lần.

Ý của vua Duy Tân muốn nói rằng: Ông ngồi trên ngai vàng trị vì thiên hạ, nhưng không ngăn được bàn tay đô hộ của người Pháp - Đã lỡ lãnh trách nhiệm với quốc gia, dân tộc thì phải tìm mọi cách mà cứu dân, cứu nước.

Ông Nguyễn Hữu Bài vội khuyên vua Duy Tân không nên có những ý nghĩ táo bạo như thế, bằng câu trả lời như sau:

Sống ở đời mà ngán cho đời; 

Nhắm mắt lại đến đâu hay đó.

Nghe xong lời khuyên ấy, vua Duy Tân rất thất vọng về vị quan Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Từ đó, nhà vua tỏ ra xem thường ông này và tất cả đình thần. Nhà vua cũng chẳng còn tin tưởng vào một ai trong triều đình thời ấy nữa. 

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên, chỉ với tám chữ “Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ” trong câu đối của viên cố đạo đã thể hiện rõ bản chất thân Pháp, theo Pháp và nói đúng hơn là kẻ xâm lược của kẻ khoác áo tu hành. Và cũng chỉ với tám chữ đối lại: “Chặt đầu thằng Tây, tứ hải giai huynh”, đã cho thấy tuy còn rất trẻ nhưng vua Duy Tân không những đã thể hiện rõ phẩm chất của ông vua có lòng căm thù giặc sâu sắc, mà còn bộc lộ khí phách quật cường của một con người giàu lòng yêu nước. Và ở câu đối với vị thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã thể hiện rõ ý chí phục quốc, tuyệt đối tin tưởng ở tương lai đất nước và dân tộc của vua Duy Tân. 

Lên ngôi từ năm 1907, như vậy những giai thoại trên đây về vị vua yêu nước Duy Tân đã xuất hiện và tồn tại được trên dưới một thế kỷ. Thế mới hay rằng, những con người, những tấm lòng và những việc làm vì dân, vì nước bao giờ cũng có sức sống bền lâu. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp, vô cùng quý báu của dân tộc ta. Chính truyền thống ấy đã làm nên bản lĩnh Việt Nam là sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thách thức và không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào. Ngày nay, truyền thống này đã và đang được thế hệ trẻ phát huy trong việc giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc ở biển Đông. 

K.C

  • Từ khóa
109541

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu