Thứ 2, 20/05/2024 00:19:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:17, 01/06/2014 GMT+7

Chuyện tình của vua Duy Tân

Chủ nhật, 01/06/2014 | 16:17:00 632 lượt xem

Khi vua Duy Tân đến tuổi lấy vợ, chiếu theo lệ cũ do vua Minh Mạng đặt ra, nhà vua không lập hoàng hậu mà chỉ nạp phi, nghĩa là tuyển cung phi vào nội điện. Người được vua tuyển chọn làm “Đệ nhất giai phi”, tức Hoàng quý phi là cô Mai Thị Vàng, trưởng nữ của ông Mai Khắc Đôn, là phụ đạo của nhà vua, người ở thôn Kim Long, xã Hương Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì cuộc tình duyên của bà Mai Thị Vàng với vua Duy Tân có đầu đuôi như sau:

Năm 1915, vua Duy Tân được 16 tuổi (1900), bà Vàng khi đó đã 17 tuổi (1899). Một hôm nhà vua hỏi ông Mai Khắc Đôn: Con gái của thầy có cô nào lớn không?

- Muôn tâu, các con gái của hạ thần đều còn nhỏ dại. Ông Đôn đáp.

Thế rồi, một ngày nọ, nhà vua ngồi xe song mã với ông Đôn, đi ngang qua Bộ Lễ (nơi ông này ở) thấy cô Mai Thị Vàng cùng các em đang chơi ở cổng, bèn hỏi: Có phải cô gái lớn kia là con của thầy không? Dạ phải, ông Đôn trả lời.

Sau đó ít lâu, nhà vua cho hai người nhà đến thôn Kim Long để xem mặt cô Vàng và xin ảnh của cô đem về cho lưỡng tôn cung xem... Một tháng sau, lễ hỏi của cô Vàng được cử hành tại nhà ông phụ đạo họ Mai, rồi đến ngày 30-1-1916, lễ nạp phi được tổ chức trọng thể ở Bộ Lễ. Trước đó, vua Duy Tân đã cho ông Mai Khắc Đôn biết lý do cuộc hôn nhân này như sau: Vì công ơn của thầy dạy tôi, nay tôi xin làm con rể của thầy để trả ơn.

Sau này, bà Mai Thị Vàng cho biết thêm các chi tiết về lễ nạp phi diễn ra như sau:

Thời gian trước đó, Lưỡng Tôn Cung cho người đi thu thập ảnh của các tiểu thư con các quan đại thần đem vào nội cung nhà vua để các bà chọn một hoàng quý phi cho hoàng thượng. Vì nhà ông phụ đạo họ Mai thanh bạch, nên cô Mai Thị Vàng ăn mặc đơn giản, đứng bên cạnh một chiếc ghế mây để chụp. Còn các tiểu thư khác, khi đứng trước máy ảnh, ăn mặc thật lộng lẫy, đeo nhiều nữ trang quý giá, có cô còn ngồi trên một chiếc ghế có hai con chim phụng chầu hai bên. Mặc dù vậy, cuối cùng cô Vàng lại được tuyển...

Lễ nạp phi được diễn ra như sau: Giờ Tý ngày 26 tháng Chạp năm Bính Thìn (30-1-1916) đám rước dâu gồm toàn phụ nữ, trong đó có 6 bà thượng thư mặc áo mạng phụ, chít khăn vành, các bà đại thần khác và một số thị nữ cầm phất trần, bạch hạc, thiên tuế... đến Bộ Lễ, có một xe ngọc lệ tứ mã đi theo với cờ xí linh đình. Về phần nhà gái, cô dâu mặc áo rộng, đội khăn vành, hai món nữ trang này được đem đến khi nạp lễ và được đựng trong một cái hộp phủ khăn điều, ngoài ra còn có cau lồng, rượu ché...

Qua giờ Ngọ, sau khi cô dâu lạy bàn thờ tổ tiên và lạy cha mẹ xong, một cây pháo quả được đốt nổ vang, báo hiệu cuộc rước dâu bắt đầu. Cô dâu cùng 6 bà thượng thư lên kiệu ngọc lệ tứ mã chậm rãi tiến vào cung, theo sau là đoàn tùy tùng. Có một điều xảy ra, mà người ta cho là điềm xấu trong đám cưới này, đó là: Khi đám rước dâu đi ra, cây pháo chỉ nổ có một tiếng rồi tắt hẳn.

Trước lễ nạp phi, trong nội cung có sai thị vệ đem ra nhà cô dâu 20 nén bạc, mấy nén vàng, cùng 20 cây sô, sa gấm, nhiễu đủ màu, mấy nén vàng dùng để làm đồ nữ trang và vật dùng cho cô dâu như gương, lược, hộp đựng phấn sáp...

Kể từ ngày nạp phi, trong ba ngày ba đêm liền, tại Bộ Lễ ban ngày có bày cỗ thết các quan ta, quan Tây và bà con bên nhà gái, ban đêm có múa bông và ca hát, đàn địch do ban đồng ấu của Đại nội phụ trách để cho quan khách thưởng thức. Sau khi được rước vào hoàng cung, bà Mai Thị Vàng chỉ có đến bái yết hai bà đích mẫu và sanh mẫu của vua chứ không có nghi lễ gì khác.

Lời bàn:

Người xưa có câu rằng: “Con thầy, vợ bạn...” là điều tối kỵ cần phải tránh đối với người đàn ông đã trưởng thành. Bởi lẽ người xưa quan niệm rằng thầy dạy chữ hay dạy nghề thì cũng như cha đẻ của mình. Vì vậy nên mới có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là vậy. Câu này có nghĩa là đối với bất kỳ người đàn ông đã có gia đình riêng thì ngày mùng một tết phải ở nhà để chúc tết cha mẹ, chú bác và anh em trong nội tộc. Ngày mùng hai là đi chúc tết bên ngoại và ngày mùng ba thì chúc tết thầy dạy chữ, dạy nghề, là những người giúp mình trưởng thành. Mà một khi thầy cũng như cha thì con gái thầy cũng như là em gái mình thì không thể là phu thê. Cũng có người cho rằng nếu ai lấy con gái của thầy dạy mình làm vợ thì sau này nếu có điều gì sẽ khó ăn, khó nói... Còn với vợ bạn, chắc không cần giải thích thì ai cũng hiểu...

Mặc dù quan niệm của xã hội ngày xưa là vậy nhưng vua Duy Tân đã không tuân theo mà còn công khai quan điểm của mình rằng “Vì công ơn của thầy, nay tôi xin làm con rể để trả ơn thầy”. Như vậy, với ông Mai Khắc Đôn thì vua Duy Tân vừa là học trò và cũng như con ruột và lại là con rể thì còn gì bằng. Tuy nhiên, điều mà người xưa gửi gắm trong giai thoại này không phải ở chỗ đó, mà là muốn hậu thế hiểu rằng điều quý giá nhất trong mỗi con người là tấm lòng trung thực, biết sống vì nghĩa vì tình và mang ơn thì phải biết trả ơn...               

 Đ.T

  • Từ khóa
109540

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu