Thứ 2, 20/05/2024 01:32:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:48, 28/05/2014 GMT+7

“Bắt” làm vua

Thứ 4, 28/05/2014 | 15:48:00 76 lượt xem


Vua Duy Tân lúc nhỏ

BP - Sau khi bắt giam vua Thành Thái, viên toàn quyền Đông Dương, viên Khâm sứ Levécque và một số viên chức Pháp tháp tùng, rầm rộ kéo vào Đại nội hợp với đông đủ các quan đại thần của Nam triều nhằm chọn một hoàng tử kế vị vua Thành Thái. Pháp bắt buộc Nam triều phải đem ra trình diện tất cả các hoàng tử con của vị vua phế đế để Pháp “chọn mặt gửi vàng”. Sau khi ăn mặc chỉnh tề, các hoàng tử được đưa ra trước “Hội đồng thượng đỉnh”. Nhưng khi kiểm điểm lại thì thiếu hoàng tử Vĩnh San khi đó đã lên 8 tuổi. Lúc đó, viên toàn quyền Đông Dương yêu cầu triều đình phải tìm cho ra mới nghe. Vì thế, tất cả thị vệ và cung nữ đang phục dịch trong cung cấm được huy động đi tìm kiếm; một sự náo loạn xảy ra trong cung điện, tưởng chừng như có biến cố trọng đại gì.

Đợi đã lâu mà chưa thấy Nam triều đưa hoàng tử Vĩnh San ra trình diện, viên toàn quyền Pháp tỏ vẻ giận dữ, toan đứng dậy bỏ ra về thì một thị vệ dẫn hoàng tử đến, mặt mũi lem luốc, áo quần dính đầy mạng nhện. Đình thần bèn giải thích cho viên toàn quyền hay rằng:

- Bởi do quá sợ hãi nếu bị chọn làm hoàng đế nên hoàng tử đã trốn chui, trốn nhủi mới ra nông nỗi như thế. Và vì để trình diện kịp thời, hoàng tử đã không kịp đi tắm rửa và thay quần áo.

Mục đích của Pháp là đưa lên ngôi một ông vua đần độn, không có tinh thần chống Pháp để dễ bề sai khiến về sau này; càng nhỏ tuổi càng tốt, càng dễ uốn nắn. Khi viên toàn quyền thấy hoàng tử Vĩnh San đang còn nhỏ và quá nhát gan như đình thần đã cho biết thì tỏ vẻ mãn nguyện lắm. Nhưng thực ra, lý do hoàng tử vắng mặt lúc này không phải vì sợ mà vì ham chui xuống các bộ rầm hạ trong cung điện để bắt dế.

Ít hôm sau, trong buổi lễ đăng quang, có mặt viên toàn quyền và đoàn tùy tùng, hoàng tử đã tỏ ra chững chạc như người lớn, đối đáp với vị đại diện Pháp quốc rất lưu loát và tỏ ra thông minh lạ thường. Đôi khi nhà vua còn nói những câu trịch thượng và xóc óc khiến viên toàn quyền Pháp chưng hửng. Nhưng việc đã trót lỡ mất rồi, dù muốn thay đổi cũng không được nữa.

Trong buổi lễ đăng quang, sau khi bên ngoài nổ vang 21 tiếng súng lệnh báo hiệu buổi lễ bắt đầu, viên toàn quyền Pháp theo nghi lễ đọc chúc từ khai mạc. Vua Duy Tân bước xuống ngai đứng nghe. Vua mặc bộ đồ đại triều nặng nề mà phải đứng nghe viên toàn quyền đọc chúc từ quá lâu nên rất khó chịu. Tuy nhiên, ngoài mặt vua vẫn giữ vẻ bình thản và trang nghiêm. Đến khi viên toàn quyền dứt lời, vua Duy Tân tiến tới bắt tay và hỏi gọn lỏn (bằng tiếng Pháp):

- Ông đọc chúc từ dài và lâu như vậy thì ông có mệt không? Câu hỏi này làm viên toàn quyền chưng hửng.

Trước đó, khi các viên chức cao cấp Pháp đến chào vua, mặc dù vua biết rõ hai vị đại diện cao cấp nhất của chính quyền bảo hộ nhưng nhà vua vẫn cố tình giả vờ như không biết và cất tiếng hỏi:

- Trong các ông đây, ai là toàn quyền, ai là khâm sứ?

Các câu hỏi ấy của vua Duy Tân có vẻ như rất ngây thơ nhưng lại thật mỉa mai và thâm thúy.

9 năm sau, hẳn viên toàn quyền này còn hối tiếc nhiều hơn nữa khi hoàng tử ấy, trên ngôi vị hoàng đế, đã cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào đêm mồng 2, rạng ngày 3 tháng 5 năm 1916. Người đó là vua Duy Tân.

Lời bàn:

Cứ theo sử cũ thì các hoàng đế nước Việt xưa phần lớn giỏi chữ Hán, biết thơ văn và đời nào cũng có các tác phẩm ngự chế quý giá. Nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều nằm trong quỹ đạo Nho giáo, dùng chữ Hán và chữ Nôm để diễn đạt cảm xúc về tư tưởng của mình. Riêng vua Duy Tân ở gần cuối triều Nguyễn đã vượt ra khỏi khuôn khổ Đông phương để vươn tới chân trời mới phương Tây. Ông học chữ Pháp, làm thơ, viết văn Pháp... không phải chỉ để trang bị kiến thức chờ ngày đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn dùng để làm thơ, viết văn thể hiện sự rung động của mình trước cuộc đời.

Và chính tâm hồn nóng bỏng ấy cộng với cuộc đời không cam chịu làm nô lệ đã dẫn ông đến chỗ đứng dậy khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1916. Và chỉ riêng với điều này cũng đã quá đủ để hậu thế khẳng định rằng Duy Tân là một vị vua thông minh, khát khao đổi mới và có tình yêu nước nồng nàn. Tiếc rằng, vua Duy Tân cũng như vua cha là Thành Thái và những nhà yêu nước thời ấy không nhìn thấy sức mạnh của nhân dân, không biết dựa vào dân để đánh đuổi thực dân Pháp. Và bài học này, nếu là người Việt Nam thì xin đừng ai quên.                      

K.N

  • Từ khóa
109539

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu