Thứ 2, 20/05/2024 04:29:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:59, 21/05/2014 GMT+7

Thắng và bại

Thứ 4, 21/05/2014 | 10:59:00 150 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, vua Duy Tân lên ngôi từ năm 8 tuổi song đã sớm tỏ ra không chịu làm một ông vua bù nhìn. Năm 1916, vua Duy Tân cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân tổ chức khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Sự việc không thành, ông bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Còn Thái Phiên và Trần Cao Vân bị tử hình, nhưng tinh thần yêu nước của nhà vua và hai ông vẫn sống mãi. Trong dân gian vẫn truyền tụng nhiều mẩu chuyện nói lên nỗi ưu tư mất nước và quyết tâm chống giặc ngoại xâm của ông vua trẻ.

Năm 1907, vua Thành Thái vì yêu nước mà bị thực dân Pháp phế truất và đày vào Vũng Tàu. Hoàng tử Vĩnh San lúc ấy mới 8 tuổi nhưng đã được thực dân Pháp đưa lên làm vua, lấy niên hiệu là Duy Tân, để chúng nhân danh vua đè đầu cưỡi cổ và bóc lột nhân dân Việt Nam. Chúng tưởng rằng nhà vua còn nhỏ tuổi thì dễ bề sai khiến, nói gì ông cũng phải nghe. Nhưng không ngờ mới một ngày ngồi trên ngai vàng, bộ mặt của cậu bé 8 tuổi đã hoàn toàn thay đổi. Cậu bé Việt Nam 8 tuổi này tỏ ra không muốn làm một ông vua bù nhìn. Chẳng bao lâu sau, giặc phải làm một ngôi nhà ở Cửa Tùng xa kinh đô Huế hàng trăm cây số để cho Duy Tân ra đó chơi đùa, sao nhãng bớt chuyện làm vua.

Ở Cửa Tùng, giữa cảnh trời cao bể rộng, vua Duy Tân không thể quên được lý do vì sao vua cha bị đày. Ông lại càng không quên trách nhiệm làm vua của mình đối với nỗi khổ cực lầm than của dân, của nước. Một hôm, ông ngồi vốc cát biển chơi. Quan thị vệ bưng nước đến cho ông rửa tay. Vừa thò tay vào nước rửa lõm bõm, ông vừa nhìn quan thị vệ hỏi rằng:

- Tay nhớp lấy nước mà rửa. Nước nhớp lấy chi mà rửa?

Ông quan sợ quá nhìn ông, hai môi mấp máy mà không nói được nên lời. Nhà vua thông cảm cho người quản gia tội nghiệp rồi tự trả lời: Máu!

Một lần khác, có một quan đại thần ra thăm vua. Thấy nhà vua có vẻ buồn bực, ông liền bày cần câu đưa vua đi ghe ra biển câu. Ra đến biển, vua mới buông câu thì lưỡi câu đã bị mắc. Nhà vua vừa lần gỡ câu vừa hỏi dò ý quan đại thần mà nhà vua rất tin cậy bằng một câu đối:

Ngồi trên nước không ngăn được nước; Buông câu ra đã lỡ phải lần!

Biết ý nhà vua muốn hoạt động cứu nước, quan đại thần sợ nguy hiểm cho vua bèn đối lại, khuyên vua không nên có ý nghĩ táo bạo ấy.

Sống ở đời mà ngán cho đời; Nhắm mắt lại đến đâu hay đó!

Biết được tinh thần cầu an của quan đại thần, từ đó vua Duy Tân không bao giờ thổ lộ tâm tình với ông này một lần nào nữa. Nhưng ý muốn cứu nước của nhà vua lại được nhân dân địa phương biết đến rất nhanh. Lúc ấy có ông Khóa Bảo - một người hoạt động cách mạng ở Quảng Trị đã tìm mọi cách để được đến gặp nhà vua... Gặp nhau, vua tôi rất vui mừng. Ông Khóa đã kể hết những chuyện tai nghe mắt thấy về tội ác của giặc Pháp bóc lột dân ta và nỗi lầm than khổ ải của dân mình. Nhà vua nghe rồi bật khóc.

Nhờ ông Khóa Bảo mà đảng bí mật của Thái Phiên và Trần Cao Vân biết được vua Duy Tân đang muốn hoạt động cứu nước. Hai ông đã rất công phu, giả làm người đi câu để hẹn gặp nhà vua và bàn với nhà vua kế hoạch cứu nước. Vua Duy Tân chấp nhận mọi ý kiến của hai nhà cách mạng và hối thúc họ phải nhanh chóng hành động để giành được cơ hội tốt.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại trên đây cho thấy, vua Duy Tân cũng như hai nhà cách mạng thời đó là Thái Phiên, Trần Cao Vân đều là những người mà tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc lúc nào cũng có thừa. Nhưng tất thảy chỉ thiếu một đường lối cứu nước tiên tiến, thiếu một phương pháp tổ chức thích hợp và quan trọng nhất là họ không nhìn thấy sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Chính vì vậy cuộc khởi nghĩa tháng 5 năm 1916 đã thất bại và những người cầm đầu bị dìm trong biển máu. Còn vua Duy Tân, thực dân Pháp đã dùng đủ mọi biện pháp, vừa hăm dọa vừa mua chuộc nhưng chúng không sao khuất phục được nhà vua. Cuối cùng, thực dân Pháp đã đày nhà vua sang đảo Réunion và nhà vua đã chết trên đất khách quê người sau một tai nạn máy bay.

Trong bài “Dậy mà đi”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Ai chiến thắng mà không hề chiến bại; Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần. Vâng, điều ấy đã gần như một chân lý. Bởi trong cuộc sống, thắng và bại hay dại và khôn luôn đến và đi không bao giờ báo trước. Đó là những bài học hữu ích đem đến cho cuộc đời của mỗi con người. Không có người luôn thành công hay thất bại và cũng không có ai tuyệt đối thông minh hay dại khờ. Chỉ có những người có thể và không thể nhận ra những cơ hội và thử thách mình gặp phải, cả khi thành công hay thất bại, thông minh hay dại khờ. Và điều đáng quý nhất ở giai thoại trên là cảnh báo cho hậu thế cần có một thái độ tỉnh táo, kiên trì để nhìn rõ quy luật dòng chảy của thắng, bại và quan trọng hơn nữa là phải biết rõ nguyên nhân của mỗi lần thất bại để tìm ra con đường ngắn nhất, đúng nhất đi đến chiến thắng. Vâng, chính từ thất bại của các bậc tiền bối ở đầu thế kỷ XIX đã góp phần to lớn vào chiến thắng của thế hệ làm nên cách mạng mùa Thu 1945.                   

 N.V

  • Từ khóa
109537

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu