Thứ 2, 20/05/2024 00:37:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:06, 30/03/2014 GMT+7

Chữ tài liền với chữ tai...

Chủ nhật, 30/03/2014 | 14:06:00 101 lượt xem

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, trong suốt thời kỳ vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, giữa hai bên đã xảy ra 7 trận kịch chiến. Tuy nhiên, sau tất cả các trận đánh ấy, không bên nào đánh bại được bên nào. Và trong số 7 trận ác chiến giữa họ Trịnh với họ Nguyễn, trận thứ 5 (1655-1660) là trận đánh kéo dài, gay go, quyết liệt nhất. Đây cũng là trận đầu tiên và cũng là trận duy nhất, quân của chúa Nguyễn ở Đàng Trong chủ động tấn công vào quân Trịnh. Sau trận đánh này, một vùng rộng lớn của lãnh thổ do vua Lê và chúa Trịnh cai quản, từ Nghệ An trở vào đã bị quân Nguyễn chiếm đóng một thời gian khá dài.

Và trong suốt thời gian quân của chúa Nguyễn chiếm đóng vùng Nghệ An, các chúa Trịnh là Trịnh Tráng (1623-1657) và Trịnh Tạc (1657-1682) phải nhiều phen kinh hoàng. Tất cả các vị tướng nổi tiếng tài ba đều được chúa Trịnh điều động vào vùng Nghệ An và Hà Tĩnh để đối phó với quân Nguyễn, trong số đó có con của Trịnh Tráng là Trịnh Toàn. Trịnh Toàn tuy còn trẻ nhưng lại là người vừa lắm mưu lược vừa được lòng binh sĩ vì thế mà bị ghen ghét, khiến cho “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Cũng sách trên đã có đoạn chép về đoạn cuối cuộc đời của Trịnh Toàn như sau: Trước năm Đinh Dậu - 1657, Thái úy, tước Ninh Quốc công là Trịnh Toàn ở Nghệ An, chăm lo vỗ về tướng sĩ rất tử tế, khiến cho ai cũng được vui lòng. Vì thế Trịnh Tạc đem lòng ngờ vực và ghen ghét. Sau đó, Trịnh Tạc đã sai con mình là Thái bảo Phù Quốc công Trịnh Căn đem các tướng sĩ vào Nghệ An để chia xẻ bớt quyền hành của Trịnh Toàn, nhưng lại vờ hợp lực với Trịnh Toàn để trông nom việc quân. Chưa hết, Trịnh Tạc lại còn sai tiếp các con thứ của mình là Thái bảo Thọ Quận công Trịnh Lệ, Thiếu phó Vũ Quận công Trịnh Đống làm đốc suất; các quan Thái bộc Tự khanh là Phan Hưng Tạo, Lễ Khoa Cấp sự trung là Trần Văn Tuyển, Hộ Khoa Cấp sự trung là Phùng Viết Tu là đốc thị... cùng đem quân dưới quyền của mình đi tiếp ứng. Tất cả tiến qua phía nam sông Lam.

Khi ấy, Trịnh Toàn đang đóng quân ở Quảng Khuyến. Còn Trịnh Căn đóng quân ở Bạt Trạc (Quảng Khuyến và Bạt Trạc nay đều thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) rồi ra lệnh cho quân sĩ đào hào đắp lũy và chia nhau chiếm giữ những nơi hiểm yếu. Trịnh Toàn trong lòng tự thấy vậy nên rất băn khoăn, bèn dẫn quân về Yên Trường, Trịnh Căn cũng nhân đó mà đem quân về Phù Long để nghe ngóng mọi sự động tĩnh của Trịnh Toàn. Trịnh Tạc lại còn sai người đến trách cứ Trịnh Toàn về tội nghe tin cha (là Trịnh Tráng) mất mà không về chịu tang, đồng thời triệu Trịnh Toàn về kinh. Những thuộc tướng của Trịnh Toàn như Trịnh Bàn và Trương Đắc Danh vì sợ vạ lây đến mình, bèn đem quân đến gặp Nguyễn Hữu Tiến (là tướng của chúa Nguyễn) để xin hàng. Trong tình thế ấy, Trịnh Toàn lo sợ tai họa giáng xuống đầu nên đem hết binh mã của mình giao nạp cho Trịnh Căn.

Ngày ấy, Trịnh Căn đã nói với Trịnh Toàn rằng: Việc đã đến nước này thì giờ đây chỉ nên về cửa khuyết mà chầu mệnh thôi. Trịnh Toàn về kinh, chẳng bao lâu thì bị thêu dệt nên tội phản nghịch, bị giam vào ngục và chết trong đó. Trịnh Tạc cho Trịnh Căn thay Trịnh Toàn thống lĩnh quân sĩ, giữ chức Trấn thủ Nghệ An và vỗ về dân ở đó, lại cho Hoàng Nghĩa Giao làm Đô đốc Đồng Tri, còn Phan Kiêm Toàn làm Đốc thị.

Lời bàn:

Cũng theo sách trên thì ngày Trịnh Toàn vào Nghệ An để lo cứu vãn tình hình cũng là lúc chúa Trịnh Tráng đang sống những ngày cuối cùng. Khi ấy, Trịnh Tạc lo nối ngôi chúa hơn là lo giữ gìn cương thổ, nên đã phái Trịnh Toàn đi là để tránh mối họa gần, lại cũng có thể nhân đó mà mượn tay kẻ thù để tiêu diệt đối thủ, chứ đâu phải là chọn đất để cho Trịnh Toàn khoe tài! Các sử gia ngày trước có lẽ đã nhầm khi khen rằng Trịnh Toàn là người mưu lược, nhưng sau sự việc này mới biết Trịnh Toàn cũng là người thiển lậu. Thế mới hay rằng, giữa thời loạn, binh hùng tướng mạnh của kẻ thù chưa dễ đã nguy hiểm bằng vài kẻ tiểu nhân lại là người thân cận. Vì ghen ghét mà lập mưu hãm hại ta. Xưa nay, có bao nhiêu kẻ nhỏ nhen là có bấy nhiêu kẻ bất chấp ruột rà máu mủ, cha con Trịnh Tạc và Trịnh Căn đâu phải là ngoại lệ.

Trịnh Toàn bị cháu gọi bằng chú ruột là Trịnh Căn hại, rồi lại đến anh ruột là Trịnh Tạc tống giam cho đến chết ở trong ngục. Và cái chết của Trịnh Toàn là hậu quả của âm mưu đẩy Trịnh Toàn vào chỗ bí rồi ghép cho tội phản nghịch. Thế mới hay rằng dưới thời phong kiến, kẻ ở trên cao mà đem lòng nghi kị ai thì người đó khó mà sống được chứ đừng nói gì đến ngẩng đầu với thiên hạ. Vâng, làm kẻ bề trên quả không phải là dễ, bởi muốn ở trên mọi người thì trước phải biết vứt bỏ thói nghi kỵ, lòng nhỏ nhen và phải biết thương yêu thuộc hạ. Và cũng chính vì vậy mà xưa nay có bao nhiêu kẻ tiểu nhân thì cũng có bấy nhiêu kẻ bất chấp đồng liêu, đồng loại. Thậm chí còn có kẻ hễ cứ thấy ở đâu có mùi nước đục là y như rằng họ sẵn sàng cho thêm bùn, rồi nhúng cả chân lẫn tay vào khoắng cho đục thêm, thật đáng buồn thay.     

Đ.T

  • Từ khóa
109519

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu