Thứ 2, 20/05/2024 02:34:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:50, 22/03/2014 GMT+7

Trịnh Tráng trúng kế

Thứ 7, 22/03/2014 | 13:50:00 120 lượt xem

Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” đã viết lại chuyện làm theo kế sách của Đào Duy Từ, đại thần Văn Khuông đã đi sứ Đông Đô (Thăng Long) dâng lễ vật của chúa Nguyễn cho vua Lê và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Sau khi dâng mâm đồng vàng bạc, lễ vật, ngay đêm hôm ấy Văn Khuông lẻn ra cửa đô thành, vượt biển về Nam.

Ngay lúc đó, người họ Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy lấy làm lạ. Theo lệnh của chúa Trịnh, người nhà đã tách ra xem thì thấy có một đạo sắc và một tờ thiếp trong đó có viết hàng chữ: Mâu nhi vô dịch, mịch nhi kiến tích, ái lạc tâm trường, lực lai tương địch. Xem xong tấm thiếp ấy, Trịnh Tráng quay sang hỏi bầy tôi, nhưng hết thảy không ai hiểu được ý viết. Hôm sau, chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan đến và ông xem xong rồi nói rằng: Đó là một câu ẩn ngữ: “Dư bất thụ sắc”, tức là ta chẳng nhận sắc.

Nghe Phùng Khắc Khoan nói xong, Trịnh Tráng giận lắm, sai người đi bắt Văn Khuông, nhưng lúc đó đã không còn kịp nữa. Văn Khuông về kinh thành Phú Xuân, chúa Nguyễn mừng rỡ nói rằng:

- Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.

Nói rồi chúa lệnh trọng thưởng lớn cho Đào Duy Từ, đồng thời lệnh thăng chức Văn Khuông làm Cai hợp. Đây là kế hoạch ngoại giao đầu tiên của Đào Duy Từ giúp chúa tăng quyền uy với chúa Trịnh.

Sau đó, Đào Duy Từ lại khuyên chúa đánh lấy châu Nam Bố Chính (Bố Trạch ngày nay) để giữ vững bờ cõi từ nam sông Gianh trở vào. Chúa nghe theo, bèn sai tướng Nguyễn Đình Hùng đem quân tập kích đánh thắng. Sau khi chiếm được châu này, chúa Nguyễn đã đổi Châu Nam Bố Chính thành Dinh Bố Chính, rồi biên chế dân làm binh lính, đặt 24 đội thuyền và cử tướng Trương Phúc Phấn chỉ huy coi giữ. Tháng 6 năm 1631, chúa Nguyễn sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét thế núi hình sông. Khi về, Đào Duy Từ nói với chúa rằng:

- Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh, trong thì đắp lũy Trường Dục.

Nghe Đào Duy Từ nói, chúa ngại khó nên không đồng ý. Đào Duy Từ nhân đó cáo ốm, thác ý vào những bài ngâm vịnh để ví, lời lẽ rất khích thiết. Chúa Nguyễn nghe được liền cho làm và giao cho Đào Duy Từ với Nguyễn Hữu Dật trông coi công việc. Đào Duy Từ đến Quảng Bình, tính toán mọi mặt, tổ chức họp dân để khởi công đắp lũy dài. Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất làm 5 bậc, voi ngựa đi được, dựa núi men khe và cứ mỗi trượng đất một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, Đào Duy Từ lại cho làm xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lệ và Minh Linh (tức là Cửa Tùng).

Chúa cùng Đào Duy Từ ngày đêm mưu tính chống họ Trịnh. Đào Duy Từ luôn mong gặp người tài để tiến dẫn giúp chúa. Một hôm phát hiện một người trong quân có tài tên là Nguyễn Hữu Tiến, người xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, xứ Thanh Hoa, thông minh, khỏe mạnh, mưu lược, đem lòng quý trọng rồi gả con gái cho. Sau đó tiến cử lên chúa, chúa cho làm đội trưởng. Sau này Nguyễn Hữu Tiến trở thành tướng tài đánh thắng quân Trịnh nhiều trận.

Tháng 6 năm 1632, chúa có lệnh cho mua hết các sản vật hồ tiêu, kỳ nam, yến sào của các nhà buôn rồi triệu Đào Duy Từ vào định giá. Đào Duy Từ có ý muốn can nhưng không dám nói. Vào yết kiến chúa, Đào Duy Từ mặc áo người buôn, chúa hiểu ý, bèn bãi lệnh mua.

Đào Duy Từ còn giúp vua tổ chức quân binh, luyện tập quân sự, cùng với các trọng thần khác giúp chúa cai quản đất nước, chăm lo công việc làm ăn và đời sống dân chúng. Tháng 10 năm 1634, nội tán Đào Duy Từ bệnh nặng, chúa tới thăm. Đào Duy Từ khóc và nói rằng:

- Thần gặp được thánh minh chưa báo đền được chút đỉnh, nay bệnh nặng đến thế này, còn giúp được gì nữa.

Nói xong thì ông mất, thọ 63 tuổi. Chúa và cả triều đình thương tiếc khôn nguôi, cho an táng theo lễ nghi khai quốc công thần.

Lời bàn:

Đào Duy Từ là một người không những có tài chính trị, quân sự ở tầm cao chiến lược, mà ông còn là một văn nhân kiệt xuất. Ông trù tính việc gì đem thực hiện đều trúng thời. Giúp việc nước cho chúa Nguyễn chỉ có 8 năm, song Đào Duy Từ đã kịp làm nên kỳ tích phi thường: Đó là giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chống cự thành công với họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh. Đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao.

Với những cống hiến to lớn cho triều đình nhà Nguyễn, ông đã trở thành người đứng đầu - công thần khai quốc. Cũng chính vì vậy cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của ông xứng danh là bậc kỳ tài muôn thuở với những di sản còn mãi với non sông.          

K.N

  • Từ khóa
109516

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu