Thứ 2, 20/05/2024 00:19:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:55, 16/03/2014 GMT+7

Dũng khí Ông Ích Khiêm

Chủ nhật, 16/03/2014 | 14:55:00 221 lượt xem

Nửa sau thế kỷ 19 trở đi, tình hình Trung Quốc vô cùng rối ren, nhất là ở khu vực phía Nam. Nhà Thanh thường phải điều động binh lực, mang quân đánh dẹp các cuộc nổi loạn trong nước và lo phòng bị đối phó sự xâm lấn của các đế quốc phương Tây. Trong khi đó, vùng Tây Bắc Việt Nam cũng ngày càng mất ổn định. Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị nhà Thanh đàn áp, nhiều nhóm tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc tản mát và bỏ xuống phía Nam, hoạt động thổ phỉ ở vùng núi miền Bắc Việt Nam.

Vào năm 1878, Lý Dương Tài, một viên tướng của triều đình nhà Thanh bị cách chức, bất mãn đã tập họp quân nổi dậy, từ Khâm Châu kéo sang cướp phá các tỉnh biên giới của Việt Nam. Trước khi hành sự, Lý Dương Tài sai bộ hạ là Lưu Tưởng Hoa đi đến các tỉnh, thành Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa để “bàn việc cơ mật”. Tên này tự xưng được sự ủy nhiệm của Hiệp trấn Tầm Châu Lý Dương Tài. Sự việc được giới chức có trách nhiệm phía Việt Nam nghi ngờ, bí mật cho người sang gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng và Tuần phủ Quảng Tây để làm rõ và được trả lời: Lý Dương Tài đã bị hạch tội, cách chức. Cùng lúc đó, Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài vâng lệnh vua Thanh, đưa thư sang cho quan Tổng đốc Tôn Thất Thuyết đề nghị phối hợp tiễu trừ giặc phỉ ở vùng biên giới giữa hai nước.

Về sự kiện này, sách Tuyên Tông Thực Lục có đoạn viết: Do bị vạch trần chân tướng, nên Lý Dương Tài nhân lúc canh tư đến đánh thành Lạng Sơn dữ dội. Nguyễn Đình Nhuận (Bố chánh Lạng Sơn) chia quân lính hết sức đánh trả, từ giờ Sửu đến giờ Mão vừa đâm vừa bắn, bọn giặc chết rất nhiều và phải bỏ chạy...

Bị thua tại Lạng Sơn, Lý Dương Tài chuyển quân về phía Nam, lập căn cứ tại tỉnh Thái Nguyên. Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện”, do bị vây ráp và công kích dữ dội, đội quân của tướng phỉ Lý Dương Tài (lúc này còn chừng hơn ngàn tên) phải lui về vùng hồ Ba Bể, một vùng đất hiểm trở, ba phía là núi Bích Lập, một phía là mênh mông nước, lối vào chỉ có con đường độc đạo. Để chống lại quân triều đình Việt Nam, tướng giặc sai một mặt đắp ụ đất và chắn ván gỗ làm lấp hẳn đường ấy, một mặt chuyển vận lương khô, rồi cứ ở trong thủ hiểm, cố giữ hàng mấy tháng trời. Quan quân không sao phá nổi sào huyệt của giặc.

Trong bộ tướng của Tôn Thất Thuyết lúc bấy giờ có Ông Ích Khiêm, một danh tướng kỳ tài, người Quảng Nam. Do có tính kiêu ngạo, “coi trời bằng vung”, khi Ông Ích Khiêm đang làm tiễu phủ sứ tại Hải Dương thì bị cách chức, sung vào đội quân thường trực chiến đấu dưới quyền Tôn Thất Thuyết. Nhân lúc giặc giã, tướng Thuyết ra hạn cho Ông Ích Khiêm, trong 15 ngày nếu không phá nổi đám giặc Lý Dương Tài ở Ba Bể sẽ bị chém. Ông Ích Khiêm lĩnh mệnh xin đi ngay. Điều kỳ lạ là khi tướng Thuyết hỏi yêu cầu về quân lực và quân bị, Ông Ích Khiêm chỉ xin đem theo 80 quân thiện chiến, võ nghệ hơn người.

Cuối tháng Giêng, gió Bắc bắt đầu thổi. Đêm đến, trời tối sầm, Ông Ích Khiêm truyền cho 80 người thủ hạ, bỏ hết quần áo cho gọn, rồi đem theo cơm lam và mỗi người mang một thanh gươm, bốn phía có 4 người mang thanh la. Suốt trong 10 đêm, ngày, họ trèo xuyên qua núi Bích Lập. Đến đêm thứ mười, 80 người đều lên đến đỉnh núi, trong khi bọn phỉ đóng ở dưới chân núi. Nửa đêm, ông cho quân cởi trần, mặc quần đùi, cầm đoản đao cùng 4 chiếc thanh la, buộc dây từ đỉnh núi tụt xuống, rồi lệnh cho 4 người giữ thanh la cùng gõ. Ngay sau khi tiếng thanh la nổi lên, 80 quân đột nhập vào doanh trại giặc khi chúng vẫn còn đang ngủ. Ông Ích Khiêm và 80 hạ thủ cứ nhằm người mặc áo tiêu diệt, tướng Lý Dương Tài cũng tử trận.

Ông Ích Khiêm kiểm tra lại thì 80 thủ hạ còn nguyên nhưng người nào cũng như tắm trong bể máu. Quân ta bắt được 300 ngựa chiến và giải phóng 370 phụ nữ mà lũ giặc kia đã nhốt vào hang núi để thỏa mãn nhục dục. Sau đó, Ông Ích Khiêm và 80 thuộc hạ thẳng đường về Bắc Ninh vào lúc nửa đêm. Vì cửa thành đóng chặt, gọi mãi không ai mở, Ông Ích Khiêm tức mình lăng mạ cả quan coi cửa thành. Tướng Tôn Thất Thuyết biết được, vô cùng giận dữ và cho gọi Ông Ích Khiêm đến để trị tội tự tiện dám về trước khi “chưa có lệnh đòi về”. Ngay sau đó, Tôn Thất Thuyết làm sớ tâu về kinh và vốn yêu mến Ông Ích Khiêm nên nhà vua  xuống chỉ cho giải về kinh. Nhưng khi Ông Ích Khiêm đến kinh, vua tha ngay và trọng dụng như trước.

Lời bàn:

Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện”, trận thắng dũng mãnh này đã gây chấn động quan quân nhà Thanh. Cũng theo sách trên, viên Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài đã về tận Bắc Ninh đòi xem mặt Ông Ích Khiêm. Nhưng lúc ấy, ông đã được triều đình “điều động” đến làm việc dưới quyền Khâm sai Hoàng Kế Viêm ở Sơn Tây. Sau đó, Phùng Tử Tài đã đưa thư hỏi Hoàng Kế Viêm rằng: Trong hàng tiễu phủ sứ của nước Nam được mấy người như vậy? Và Hoàng Kế Viêm trả lời rằng: Được như Ông Ích Khiêm có đến mươi lăm người.

Câu trả lời của Hoàng Kế Viêm tuy có xa sự thực, nhưng điều muốn nói ở đây là chiến công vẻ vang của viên danh tướng Ông Ích Khiêm ngày ấy đã làm kinh động đến những kẻ tự coi mình là “thiên tử”. Thế mới hay rằng, trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời nào và ở đâu thì khí phách, bản lĩnh của người Việt luôn được phát huy, kẻ thù dù hùng mạnh đến mấy cũng phải kính nể.    

N.N

  • Từ khóa
109513

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu