Thứ 2, 20/05/2024 04:29:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:18, 26/02/2014 GMT+7

Chuyện về một người vợ

Thứ 4, 26/02/2014 | 10:18:00 104 lượt xem

Là nam nhi dưới thời phong kiến, phàm đã là người làm quan mà nếu không do dùi mài kinh sử để thi cử đỗ đạt và được bổ nhiệm, thì cũng phải là người có chút võ công trong trận mạc, hoặc may mắn được triều đình biết đến mà ban ân huệ để rồi cũng được làm quan. Ba anh em Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn trong giai thoại dưới đây là nhờ nộp nhiều thóc cho chúa Trịnh mà được nhận quan tước cho nên chức quan của ba anh em này chẳng có vẻ vang, danh giá gì. 

Lịch sử của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta được ghi chép trong hai bộ sách lớn là: “Đại Nam chính biên liệt truyện” và “Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập”. Trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có đoạn ghi lại chuyện về người vợ của một viên phó tướng dưới trướng chúa Nguyễn Hoàng là Trương Trà.

Chuyện xưa kể lại rằng ở làng Phổ Hành, huyện Khang Lộc thuộc vùng Thuận Hóa ngày xưa, có ba người con trai tên gọi là Mỹ Lương, Văn Lan, Nghĩa Sơn và họ là ba anh em ruột. Nhưng trong vùng không một ai biết ba anh em nhà kia mang họ gì. Còn người vợ của tướng quân Trương Trà là người họ Trần, quê ở làng Diêm Tràng, huyện Phú Vang cũng trong vùng Thuận Hóa.

Trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế cuộc, cả ba anh em nhà kia và người vợ của tướng quân Trương Trà đã trở thành những nhân vật chính trong một câu chuyện dưới đây, mà cho đến nay hậu thế đáng phải lưu tâm. Chuyện xảy ra vào năm Tân Mùi - 1571, với nội dung như sau:

Mỹ Lương cùng hai người em là Văn Lan và Nghĩa Sơn nhờ có công dâng thóc đóng góp cho họ chúa Trịnh, nên được bổ làm quan chuyên lo việc thu thuế. Thế rồi về sau, nhờ có nhiều công lao, nên cả ba anh em đều được bổ làm quan. Mỹ Lương được làm quan đến chức Tham đốc. Còn hai người em là Văn Lan và Nghĩa Sơn cũng được làm tới chức Thị vệ.

 Khi quân nhà Mạc vào cướp phá vùng Nghệ An, cả vùng đất Thuận Hóa cũng bị náo động. Thấy thế, Mỹ Lương định nhân đó tiến quân đánh úp đất Vũ Xương (Quảng Trị ngày nay) rồi đem quân ra hàng nhà Mạc. Sau đó, Mỹ Lương sai hai em đem quân mai phục ở Minh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay), còn mình thì lẻn theo đường núi đến khu Cầu Ngói ở huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), hẹn ngày cùng nhau tấn công từ hai phía đánh lại.

Khi ấy, Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế, tức chúa Nguyễn Hoàng đã cùng gia quyến và một số người dân Thanh - Nghệ đi vào Nam với ý đồ xây dựng cơ nghiệp ở phương Nam được 13 năm. Sau khi biết rõ âm mưu của Mỹ Lương, bèn sai phó tướng của mình là Trương Trà đi đánh Nghĩa Sơn. Còn Gia Dụ thì tự mình thống lĩnh quân lính rồi bí mật đến Cầu Ngói để đánh úp Mỹ Lương, đốt hết doanh trại của chúng. Bị đánh bất ngờ, Mỹ Lương chạy trốn nhưng bị Gia Dụ bắt được và đem chém.

Trương Trà đến Phúc Thị đánh nhau với Nghĩa Sơn và bị quân của Nghĩa Sơn bắn chết. Người vợ của Trương Trà là Trần Thị khi nghe tin chồng bị tử trận thì máu căm thù sôi lên. Bà đã cải trang giả làm đàn ông và cầm kiếm xông ra trận đốc chiến. Trong trận quyết chiến trả thù cho chồng hôm ấy, bà đã bắn chết được Nghĩa Sơn. Trước tình thế đó, Văn Lan buộc phải gom bọn tàn quân chạy trốn về với họ Trịnh.

Sau trận đánh đó, Thái tổ Gia Dụ - Nguyễn Hoàng, kéo quân về và phong cho Trần Thị là Quận phu nhân.

Lời bàn:

Thói đời từ xưa cho đến nay xem ra chẳng có gì là khác đối với những kẻ nhờ tiền của mà được chức tước thì thế nào rồi chúng cũng dùng chức tước để kiếm thêm lợi lộc. Bởi thế, việc ba anh em Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn khi đang theo chúa Trịnh rồi lại rắp tâm làm phản chúa Trịnh thì cũng chẳng có gì là khó hiểu cả. Vì từ cổ chí kim có kẻ nào đã làm phản mà lại chỉ làm phản có một lần đâu? Thế mới hay rằng, kẻ thiển lậu thì lúc nào cũng thiển lậu, kẻ có lòng gian manh thì lúc nào cũng sẵn sàng “trổ nghề” để làm hại người khác. Thậm chí thời nay còn có những kẻ gian manh nhưng mà mưu kế không đủ để thực hiện sự gian manh, cho nên mới sớm bị gậy ông đập lưng ông mà chẳng kịp nhận ra vì sao lại như vậy.

Tuy nhiên, người xưa lưu truyền lại giai thoại này không phải để hậu thế nhận rõ kẻ gian xảo, mà là để người đời sau mãi mãi ngưỡng mộ người vợ của tướng quân Trương Trà, một tấm gương quả là đáng phục. Chỉ một lần xông trận, nhưng bà đã trả được thù nhà, khiến cho đối phương phải một phen khiếp đảm. Bà cải trang làm đàn ông, ắt là muốn cho quân sĩ tin cậy, nhưng bà đã làm được việc mà đường đường là tướng quân như chồng bà là Trương Trà không làm được. Vâng, với nhân vật Trần Thị trong giai thoại này, nếu ai đó bảo rằng đàn bà là phái yếu thì thật là lầm to.                                      

K.N

  • Từ khóa
109505

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu