Thứ 2, 20/05/2024 04:30:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:30, 18/02/2014 GMT+7

Chở bao nhiêu đạo...

Thứ 3, 18/02/2014 | 08:30:00 180 lượt xem

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (tức 1-7-1822), tại quê mẹ ở làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Cha ông là cụ Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 1820, Nguyễn Đình Huy đi theo Tả quân Lê Văn Duyệt và làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn.


Chân dung Nguyễn Đình Chiểu tại đền thờ ông ở Ba Tri, Bến Tre

Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 7 tuổi, ông theo học một thầy đồ ở làng. Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Năm sau (1833), con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi, vì bất mãn đã làm cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi chiếm cả Nam Kỳ. Trong cơn binh biến, cha của Nguyễn Đình Chiểu đã bỏ trốn ra Huế, nên bị cách hết chức tước. Vì thương con, cha ông đã trở vào đem ông ra gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học.

Năm Quý Mão (1843), ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông. Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thân (ngày 10-12-1848), mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ về Nam chịu tang mẹ.

Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng. Trong thời gian nghỉ chữa bệnh ở nhà một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y, tuy bệnh không hết, nhưng ông cũng đã học được nghề thuốc. Lâm cảnh mù lòa, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút... Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851 thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Gia Định. Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông bắt đầu sáng tác vào thời gian này.

Năm 1859, sau khi thành Gia Định bị quân Pháp chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở Cần Giuộc, tức quê vợ. Đau xót trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào và rất thất vọng về sự hèn yếu, bất lực của triều đình, ông làm bài thơ “Chạy giặc”. Đêm 15-11-1861, những nghĩa sĩ vốn là nông dân đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt làm tay sai cho Pháp. Trong trận đánh này, có mười lăm người hy sinh và Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất về tay Pháp, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Cần Giuộc về Ba Tri (Bến Tre). Ở Ba Tri, ông tiếp tục dạy học, làm thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ suốt hơn 20 năm, dù đã mù lòa. Tháng 8 năm 1864, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công là Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết ở Ao Dinh; Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn để điếu ông. Ngày 4 tháng 8 năm 1867, Phan Thanh Giản tuẫn tiết vì không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu có làm hai bài thơ điếu ông.

Năm 1883, tỉnh trưởng Bến Tre là Michel Ponchon đã đến nhà và ngỏ ý trao trả lại ruộng vườn của ông mà họ đã chiếm đoạt, ông khảng khái nói: Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì. Rồi ông khước từ mọi hứa hẹn giúp đỡ của chính quyền thực dân. Ngày 24-5-1888, buồn rầu vì nước mất nhà tan, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng, Nguyễn Đình Chiểu đã qua đời tại Ba Tri, thọ 66 tuổi. Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ ông.

Lời bàn:

Từ một cậu ấm con quan, bỗng chốc trở thành một đứa trẻ thường dân sống trong cảnh chạy loạn, trả thù, chém giết. Lớn lên, bị bệnh rồi mù mắt, bị gia đình giàu  bội ước, công danh dang dở. Và mặc dù cuộc đời gặp nhiều bất hạnh như vậy, song Nguyễn Đình Chiểu lúc nào cũng gắn bó với nhân dân. Tuy sống trong cảnh mù lòa nhưng ông đã tiến thân và thành danh bằng con đường hành đạo của mình. Ông đã mở lớp dạy học, viết văn và hốt thuốc chữa bệnh cho dân. Lúc nào ông cũng quan tâm lo lắng cho chiến sự.

Vâng, Nguyễn Đình Chiểu là người có nghị lực phi thường và khí phách cứng cỏi mới vượt qua những bất hạnh của cá nhân, thời cuộc để đứng vững trước cơn binh lửa hãi hùng của lịch sử mà không sờn lòng, nản chí. Nguyễn Đình Chiểu là hiện thân của nhiều phẩm chất cao đẹp làm người. Trong ứng xử cá nhân, Đồ Chiểu là tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa nhân từ. Ở đâu ông cũng làm cùng một lúc ba nhiệm vụ của ba người tri thức - là nhà giáo, người thầy thuốc và là một nhà tư tưởng để cứu dân, giúp đời. Chính vì thế, cuộc đời cùng với sự nghiệp và câu thơ: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà... của ông luôn sống mãi cùng non sông nước Việt.                  

 K.N

 

 

  • Từ khóa
109502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu