Thứ 2, 20/05/2024 04:53:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:44, 16/02/2014 GMT+7

Chuyện Đỗ tiết phụ

Chủ nhật, 16/02/2014 | 10:44:00 194 lượt xem

Bộ sách “Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Đây là bộ sách lịch sử còn được lưu giữ đến ngày nay. Sách này do Cao Xuân Dục, một vị đại thần của triều Nguyễn làm tổng tài và được in xong vào năm 1889, dưới thời vua Khải Định. Bộ sách này gồm 33 quyển.

Quyển thứ 29 trong bộ sách này là Hạnh nghĩa liệt truyện (nội dung ghi lại tiểu sử một số người có đức hạnh, tiết nghĩa) và Liệt nữ liệt truyện (những người phụ nữ tiết liệt). Trong quyển này có ghi lại chuyện về Đỗ tiết phụ, có nghĩa là một người đàn bà tiết hạnh, mang họ Đỗ, còn như tên bà là gì thì cho đến nay chưa ai được rõ.

Theo nội dung trong sách thì bà là vợ người nông dân quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tên là Lê Đình Dũng. Gia đình của Lê Đình Dũng kể cũng khá đặc biệt: Bà nội góa chồng năm hai mươi tuổi, mẹ góa chồng năm hai mươi lăm tuổi và Lê Đình Dũng cũng mất sớm, để lại người vợ góa là Đỗ tiết phụ nói trên. Lúc chồng mất, bà mới hai mươi tuổi. Chuyện Đỗ tiết phụ được sách “Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập” chép lại như sau:

Đỗ thị là người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vợ của nhà nông tên là Lê Đình Dũng. Năm mười chín tuổi, bà về nhà chồng và chỉ sau hơn một năm thì sinh hạ một người con gái. Thế rồi chồng bà mất, con gái của bà cũng mất khi còn ở tuổi vị thành niên. Gia đình của Lê Đình Dũng nghèo, ít anh em, bà mẹ lại già yếu, mù lòa. Đỗ thị lo tang chồng, tang con và nuôi dưỡng mẹ chồng, xóm giềng ai ai cũng cho là có hiếu.

Vì Đỗ thị là một phụ nữ có nhan sắc, nên đã không ít người muốn nhờ mai mối để xin hỏi, nhưng bà kiên quyết chối từ. Năm Bính Tuất - 1886, do có việc phải dấy binh (chỉ việc thực dân Pháp đàn áp cuộc Khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước chỉ huy), nên đêm đêm mọi người dân trong thôn thường vì sợ hãi mà cùng rủ nhau chạy trốn vào các bụi rậm. Hôm ấy, trong thôn có người cùng chạy trốn với Đỗ thị, nhân đó người kia muốn làm chuyện dâm loạn. Đỗ thị liền lấy con dao nhọn giấu sẵn trong người ra rồi chỉ vào mặt người kia mà mắng rằng:

- Chuột nhắt không sợ cọp ư?

Bà cứng rắn, tiết liệt đại để là như thế. Nhưng người mẹ chồng của bà vẫn thương và lo cho hoàn cảnh của bà về sau, nên có lần đã nói với Đỗ tiết phụ rằng:

- Con còn trẻ, muốn yên phận nghèo với ta cũng được mà nếu không cũng chẳng sao. Ta già rồi ắt phải chết, đừng quyến luyến mà làm gì nữa.

Nghe mẹ chồng nói vậy, Đỗ thị liền thưa lại:

- Nếu con mà đi bước nữa thì lão mẫu trông cậy vào ai. Nhà ta trinh bạch hai đời nay (ý chỉ việc mẹ và bà nội của Lê Đình Dũng đều là người góa bụa từ khi còn trẻ), nếu để thẹn cho đạo làm vợ (ý nói nếu Đỗ phụ đi tái giá, tức là không giữ tiết đến cùng) thì lập tức sẽ làm ô nhục danh giá của gia đình.

Từ đó bà thề như con én một mình, hơn hai mươi năm chịu kham chịu khó, nhà nghèo nhưng mẹ chồng nàng dâu vẫn yên phận nương tựa nhau. Chính vì vậy mà người đương thời đã đặt cho bà cái tên là Đỗ tiết phụ.

Lời bàn:

Dưới thời phong kiến, người phụ nữ xưa phải luôn tuân theo tam tòng, tứ đức. Tam tòng là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” - khi còn ở nhà thì theo cha, khi đi lấy chồng thì theo chồng và chẳng may chồng chết thì theo con. Tức là, nếu người phụ nữ nào đó chẳng may người chồng mất sớm, thì phải chịu cảnh góa bụa lúc còn phơi phới tuổi xuân, phải thủ tiết thờ chồng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay mới được người đời công nhận là hiếu hạnh, tiết nghĩa. Vì đó là chuẩn mực đạo đức của thời ấy. Có lẽ cũng chỉ có thời ấy mới có được một người đàn bà vừa hết mực yêu chồng, kính mẹ chồng, kính gia phong tốt đẹp của nhà chồng và muốn được góp phần giữ gìn gia phong tốt đẹp ấy.

Thân gái góa bụa mà nuôi dưỡng mẹ chồng mù lòa trong điều kiện nghèo khó, thật đáng phục lắm thay. Hơn nữa, giữa thời loạn mà giữ được thân đã khó, người có sắc đẹp mà sống trong cảnh nghèo nàn, giữ được sự đoan chính lại còn khó vạn lần hơn. Bởi thế cho nên thời nay có mấy ai dám làm được như người đàn bà họ Đỗ trong giai thoại trên. Có lẽ sử cũ chép lại chuyện này không phải để mua vui cho hậu thế.                

Đ.T

  • Từ khóa
109501

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu