Thứ 2, 20/05/2024 06:26:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:39, 16/01/2014 GMT+7

Hiếu nghĩa xưa và nay

Thứ 5, 16/01/2014 | 14:39:00 136 lượt xem

Nhà Mạc sau khi thất thủ ở Thăng Long đã rút về cố thủ ở Cao Bằng trong 85 năm (1592-1677). Do vậy tại đây vẫn còn lưu hành nhiều truyền thuyết liên quan đến vương triều nhà Mạc. Đặc biệt câu chuyện công chúa Mạc Thị Tuyết Lan được in đậm trong ký ức dân gian, để lại nhiều dấu tích trên đất Cao Bằng.

Năm Đinh Tỵ (1677), vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Tạc cử tướng Đinh Văn Tả cầm quân mở cuộc tổng tiến công vào đại bản doanh nhà Mạc ở Nà Lữ - Cao Bình. Mạc Kính Vũ (1638-1677) cùng quần thần chạy lên vùng núi đá Lũng Phầy - Phúc Tăng cố thủ để chống lại nhà Lê. Khi quân của Đinh Văn Tả vây kín vùng này, hoàng hậu và hai công chúa không chịu hàng nhà Lê nên gieo mình xuống sông Dẻ Rào tự vẫn. Còn Mạc Kính Vũ thoát khỏi vòng vây chạy về thành Phục Hòa. Khi ấy, công chúa Mạc Thị Tuyết Lan mới 13 tuổi, mải chơi, giả làm trai trốn qua sông sang trường quốc học Bản Thành chơi với cô bạn gái xinh đẹp cũng 13 tuổi đang học ở trường này. Khi quân nhà Lê chiếm được bản Phủ Cao Bình, công chúa Tiên Giao chạy trốn về vùng hồ Ba Bể.

Năm 17 tuổi, công chúa nghe tin cha Mạc Kính Vũ chưa chết đã chạy về Phục Hòa, sửa lại thành củng cố lực lượng, mở chợ tỉnh gọi là Háng Seéng (chợ sảnh tỉnh đường). Hai chị em rủ nhau trốn về Phục Hòa, sau nhiều ngày lặn lội, đói rét mới đến được bờ sông Bằng ở Phiêng Lâu, bị quân nhà Lê bắt được. Một buổi trời mưa, trời nắng gay gắt, quan chưởng độ Đinh Văn Tả đang thị sát ở đồn tiền tiêu, nghe tiếng ồn ào ra xem thấy đám lính đang vây quanh hai cô gái trẻ. Một cô mặt tái mét, mắt nhắm nghiền nằm sõng soài trên vệ cỏ. Còn cô kia hoảng hốt lay gọi kêu cứu. Quan chưởng đô ra lệnh khiêng cô này vào trong lán, đắp nước lạnh trên trán. Đến chiều cô gái tỉnh lại trình bày với quan Đinh Văn Tả, hai cô là hai chị em, bố mẹ đã mất, ở với người họ hàng. Họ định gả bán hai cô. Không ưng nên hai cô bỏ trốn, đi đường bị đói nhiều bữa, một cô say vì ăn lộc quả vả. Nay cả hai chưa biết về đâu.

Động lòng thương, quan Tả nhận hai cô làm thị nữ. Hai cô lạy tạ ơn cứu mạng, hầu quan Tả rất tận tụy, làm đẹp lòng chủ nhân. Quan chưởng đô cũng bớt nỗi buồn cô đơn xa quê hương, xa vợ con ở Hải Dương. Có lần, tướng Tả giãi bày tâm sự cùng cô cả: Quân Mạc đã đến nước đường cùng, nên lấy khoan dung tạo lối thoát. Nếu tiến công nhau thì “cùng quá hóa liều, đôi bên đều tổn thất”. Tướng Tả bàn với hai cô, muốn kéo dài cuộc vây hãm thì phải tổ chức sản xuất tự túc lương thực để nuôi quân và để yên lòng binh sĩ, vì họ muốn đánh nhanh, thắng nhanh để mau chóng được về với gia đình, vợ con nên phải tổ chức vui chơi giải trí giữa binh lính với nhân dân cùng cày cấy, cùng vui chơi múa hát. Hai cô được giao tổ chức múa hát trong những đêm trăng sáng. 

Vua Lê ở kinh thành nghi ngờ tướng Tả cứ nấn ná, trù trừ chưa đánh thành Phục Hòa, bèn ra lệnh phải hạ thành Phục Hòa dứt điểm trong mùa gặt 1685. Tướng Tả chỉnh đốn quân cơ, định ngày xuất quân công thành. Bất ngờ đêm hôm trước hai cô tì nữ của tướng Tả nhảy xuống sông tự vẫn. Cô cả để lại bức thư tự thú là công chúa cả của vua Mạc, cô thứ là bạn kết nghĩa. Hai cô vì chịu ơn cứu mạng của Tả tướng, được Tả tướng ưu ái, nặng tình, tâm sự trong những đêm năm canh nay lại không ủng hộ chủ đánh thành Phục Hòa là bất nghĩa, mà ủng hộ để chống lại cha mình là bất hiếu, bất trung. Trước tình cảnh bế tắc không lối thoát, hai cô bèn kết liễu đời mình để giãi bày tấm lòng với trời đất.

Tướng Tả thương tiếc nên đã lùi thời gian tiến công 100 ngày, rồi tổ chức lễ tang trọng thể cho hai cô. Sau đó, Đinh Văn Tả cử sứ giả bí mật sang thành Phục Hòa thuyết phục nhà Mạc tự giải giáp. Ông cam kết tạo mọi điều kiện để tôn thất của vua Mạc tìm nơi ẩn tích, hàng binh được đối xử tử tế, cấp tiền gạo cho về quê làm ăn bình thường. Cuối năm 1685, tướng Tả vào thành Phục Hòa, cửa thành mở toang, bỏ ngỏ, quân Mạc án binh bất động, hạ vũ khí xin hàng. Việc thu hồi mảnh đất cuối cùng không đổ máu.

Lời bàn:

Theo nhiều tài liệu cho biết, ngày nay ở thị trấn Phục Hòa, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, người dân đã lấy ngày 18-2 hằng năm là ngày mất của tướng Đinh Văn Tả để tổ chức ngày hội pháo hoa nhằm suy tôn và tưởng nhớ công ơn của ông. Vì nhờ ông thuyết phục mà nhà Mạc quy hàng, không xảy ra chiến tranh nên nhân dân được sống hòa bình. Vâng, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, thời nào, ở đâu truyền thống ấy cũng được giữ gìn và phát huy.

Tuy nhiên, người xưa ghi chép lại giai thoại trên không phải chỉ để ca ngợi truyền thống ấy, mà còn muốn lưu truyền cho hậu thế biết về cuộc đời bất hạnh của công chúa Mạc Thị Tuyết Lan, một thiếu nữ nặng tình hiếu trung đến mức sẵn sàng buông mình xuống sông để bảo toàn hiếu nghĩa. Thế mới hay rằng, những gì người xưa muốn để lại chẳng có gì là thừa, là không có ích. Bởi vì ngày nay có không ít phụ nữ đọc được giai thoại này giật mình vì xấu hổ với người xưa.               

                    N.V

  • Từ khóa
109494

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu