Thứ 2, 20/05/2024 04:53:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:53, 21/12/2013 GMT+7

Chuyện về vua Thành Thái

Thứ 7, 21/12/2013 | 14:53:00 1,732 lượt xem

Thành Thái là một ông vua trẻ nên có nhiều tính cách khá đặc biệt. Những ngày đầu tiên ngồi trên ngai vàng, tuy đã là vua nhưng vì còn bé nên ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm nhưng cũng sớm tỏ rõ thái độ của mình đối với bọn thực dân cướp nước và các quan lại làm tay sai cho thực dân.

Vua Thành Thái được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người này trên tinh thần chống Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái canô, xe hơi, làm quen với văn minh phương Tây.

Không những thế, Thành Thái còn là vị vua gần gũi với dân chúng. Ông thường xuyên đi vi hành. Thành Thái cũng cho phép hoàng phi (thường bị cấm cung) đi cùng với mình bằng xe. Và lần đầu tiên dân chúng được phép nhìn mặt vua mà không bị khép vào tội phạm tất.

Càng lớn vua Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Một viên quan lớn là Nguyễn Thân đã tiến con gái cho vua (là đệ nhất giai phi của Thành Thái) cũng không được ông trân trọng. Có lần, cầu Long Biên ở Hà Nội được lấy tên Toàn quyền Pháp Doumer vừa xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công, Thành Thái đã cười nhạt mà trả lời: Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu.

Trong cuốn Hồi ký của nhà văn Đặng Thai Mai có ghi lại mẩu chuyện về vua Thành Thái với viên Khâm sứ người Pháp như sau:

Ngày cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương được khởi công lần thứ nhất thì viên Khâm sứ đến dự lễ động thổ. Khi bắt đầu đặt hòn đá móng đầu tiên cho công trình, viên Khâm sứ đã nói với vua Thành Thái rằng:

- Khi nào cây cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ.

Khi ấy, viên Khâm sứ tưởng nói đùa chơi vậy thôi, nào ngờ vào năm Giáp Thìn (1904) sau một trận bão lớn đã xô ngã nhịp đầu tiên của cầu Tràng Tiền xuống sông Hương. Thế là mấy hôm sau, khi gặp lại viên Khâm sứ trong một buổi lễ, vua Thành Thái hỏi ngay viên Khâm sứ rằng:

- Thế nào ngài Khâm sứ? Cái cầu gãy rồi đó?

Trước câu hỏi “móc họng” của nhà vua, Khâm sứ Pháp chỉ còn biết cười nghệt, đánh trống lảng nói sang chuyện khác.

Trong lúc sự giao thiệp giữa vua Thành Thái và viên Khâm sứ Pháp Levéque ngày càng căng thẳng thì xảy ra một việc nhỏ nhưng đã gây xích mích trầm trọng giữa hai người. Việc này chẳng khác nào lửa cháy lại đổ thêm dầu.

Vào một ngày đẹp trời, viên Khâm sứ Levéque đang tản bộ dạo mát trên cầu Thành Thái (Huế) thì xe song mã của vua chạy qua cầu. Không hiểu vô tình hay hữu ý, Levéque không cất mũ chào vua. Trên chiếc xe song mã, Uy Vệ Thừa kỵ là người đánh xe, thấy trái mắt, bèn đưa cao roi quần ngựa đánh “bép” một tiếng nghe đến chát tai ngang qua đầu viên Khâm sứ nhưng không trúng, việc ấy khiến cho y tái cả mặt. Có lẽ vì thế mà sau này, vị đại diện cao cấp của Pháp quyết tâm tìm đủ mọi cách để hạ bệ vua Thành Thái cho kỳ được.

Lời bàn:

Vua Thành Thái được các sử gia đương thời cũng như ngày nay đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và có tinh thần chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Những việc làm này của vua Thành Thái không ngoài ý định là học chữ Pháp nhằm có thể giao tiếp với những người cấp tiến và hiểu Pháp để chống Pháp. Nhưng cuối cùng ông vẫn bị thực dân Pháp truất quyền và bí mật đưa ông đi quản thúc tại đảo Réunion (châu Phi). Và điều mà thực dân Pháp cũng không thể ngờ là vị vua Duy Tân (Vĩnh San Thái tử) còn quyết tâm kháng Pháp hơn cả vua cha. Nhưng rồi vua Duy Tân cũng chịu chung số phận giống cha, bị thực dân Pháp đưa đi đày ở Angiêri (châu Phi). 

Yêu nước, thương dân và có tinh thần chống ngoại xâm, nhưng từ vua Hàm Nghi đến Thành Thái và Duy Tân đều thất bại ngay trong trứng nước. Lý do duy nhất là vì nhà Nguyễn đã không làm tròn được trọng trách mà lịch sử trao cho. Đã vướng vào hai sai lầm lớn: Không tin dân, không biết dựa vào dân và không muốn thực hiện cải cách, mà cứ khư khư giữ đặc quyền của mình. Và chỉ riêng với việc không tin dân, không biết dựa vào dân cũng đã quá đủ để triều đình nhà Nguyễn là tội nhân thiên cổ. Mong rằng bài học giữ nước ấy hậu thế đừng ai quên.

K.N

  • Từ khóa
109485

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu