Thứ 2, 20/05/2024 06:03:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:42, 28/11/2013 GMT+7

Chính danh

Thứ 5, 28/11/2013 | 10:42:00 139 lượt xem

Khi nước Vệ đang trong tình trạng suy đồi. Một hôm, thầy Tử Lộ hỏi đức Khổng Tử: Nếu vua nước Vệ mời thầy làm chính trị, thì thầy làm điều gì trước nhất?

Trước câu hỏi của thầy Tử Lộ, đức Khổng Tử trả lời: Trước hết là phải chính danh chăng? Và sau đó, Khổng Tử giải thích thêm: Vì nếu danh không chính thì lời nói sẽ không thuận, mà lời nói không thuận thì việc làm ắt sẽ không thành.

Nhưng chính danh là gì? Thầy Tử Lộ hỏi lại.

Danh là một cái tên mà người dùng để gọi một vật hay một hạng người nào đó. Danh thường đi liền với phận, tức là bổn phận, nhiệm vụ. Chúng ta dùng danh xưng ông vua để gọi cái người có bổn phận phải cai trị dân chúng, lo cho dân chúng được no cơm ấm áo, dạy dỗ dân chúng để dân chúng tiến bộ, sống xứng đáng với địa thế con người... Chính danh luôn luôn gắn liền với định phận, để cho mọi người, với cái danh xưng đúng, có một vị trí đúng, có những bổn phận rõ gắn liền với danh xưng đó.

Khi Tề Cảnh Công hỏi đức Khổng Tử về chính sách cai trị, đức Khổng Tử trả lời: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Câu này có nghĩa là “Vua phải ra vua” tức là làm đúng bổn phận hay đúng vai trò của ông vua. Quan phải ra quan tức phải làm đúng bổn phận của ông quan. Cha phải ra cha tức là khi làm cha phải đóng đúng vai trò của người cha. Và con phải cho ra con tức phải làm hết bổn phận của một người ở địa vị làm con.

Tề Cảnh Công nghe Khổng Tử nói xong vội khen: Phải lắm. Nếu vua mà không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, thì cương thường đổ nát, trật tự xáo trộn, thiên hạ đâu có thanh bình, dù có lúa thóc người ta cũng không ngồi yên mà ăn được. Vì thế cho nên đối với Khổng Tử, muốn cho xã hội có trật tự, mọi việc đâu ra đó, mọi người đều phải giữ đúng vai trò của mình, làm tròn bổn phận tương xứng với danh xưng của mình. Chính danh định phận là như vậy.

Về sau có người đặt vấn đề với thầy Mạnh Tử. Người đó nói: Châu Văn vương vốn là bề tôi của Trụ vương. Châu Văn vương đã nổi lên đánh giết Trụ vương để lập nên nhà Châu. Bề tôi mà giết vua thì có đáng tội hay không? Tại sao nhà nho đã không kết tội Châu Văn vương mà còn tôn sùng Châu Văn vương xem như bậc thánh nhân?

Áp dụng thuyết chính danh định phận của Khổng Tử, thầy Mạnh Tử trả lời người đó rằng: Ta nghe nói Châu Văn vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ ta chưa hề nghe nói có giết vua bao giờ.

Theo thầy Mạnh Tử, Trụ vương không đáng được gọi là vua, ông ta chỉ là một kẻ thất phu. Gọi ông ta là vua là danh không chính rồi. Tại sao? Vì Trụ vương, khi ở ngôi vị ông vua, đã không làm trọn đạo một người làm vua. Làm vua, theo Nho giáo, là người thay trời để trị dân. Trời thương dân như con đẻ, thì người làm vua, người thay trời để lo cho dân, cũng phải thương dân như con đẻ. Thương dân, lo cho dân, đem bình an trật tự lại cho xã hội, làm cho người dân được thái bình, no cơm ấm áo, đó là bổn phận của nhà vua đối với thần dân. Khi lên ngôi, vua Trụ đã không làm tròn sứ mạng cao quý đó. Ông ta chỉ là một kẻ tàn ác, bạo ngược, ngồi trên ngai vàng để hà hiếp, áp bức, làm khổ, giết hại dân lành mà thôi chớ không hề làm được một việc tốt đẹp nào đáng được xem là thay trời để lo cho dân.

Và một khi đã không giữ đúng vai trò của một nhà vua, lẽ tất nhiên là đối với người đương thời thì Trụ vương chỉ được coi như một kẻ thất phu, tàn bạo. Ông ta sẽ bị truất phế, sẽ bị trừng trị xứng đáng với những tội lỗi mà ông ta đã gây ra, sẽ bị thay thế bởi một người xứng đáng hơn. Người đó là Châu Văn vương, một người đã được trời lựa chọn để thay trời lo cho dân. Và đối với các nhà nho thời xưa, trời không phải ở đâu xa, mà ngược lại trời rất gần dân. Nhà nho bảo lòng trời là lòng dân, cái gì người dân muốn là trời muốn. Chính vì thế mà với những nhà Nho thì trời với dân là một. Dân là trời và trời là dân.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên, Khổng Tử đặt ra bổn phận, nhưng bổn phận cho tất cả mọi người, chớ không riêng cho những kẻ yếu kém. Có bổn phận của bề tôi nhưng cũng có bổn phận cho vua. Có bổn phận cho kẻ làm con thì cũng có bổn phận cho người làm cha. Vì thế Khổng Tử mới nói: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, nghĩa là khi vua bảo mình chết thì mình phải tuân theo lệnh vua mà chết, nếu không thì sẽ mang tội bất trung. Nhưng vua phải thế nào thì bề tôi mới phải giữ được lòng trung. Và Khổng Tử cũng đã dạy “quân chánh” thì thần mới trung, cũng như “phụ” phải “từ” thì “tử” mới “hiếu”.

Vâng, phải là ông vua có đạo đức, ngay thẳng, công bằng, biết thương biết lo cho dân, biết làm hết bổn phận của nhà vua, thì mới mong có bề tôi làm tròn bổn phận của bề tôi đối với vua được. Người làm cha cũng vậy, cũng phải trọn đạo làm cha thì mới mong con mình đóng trọn địa vị làm con hiếu thảo. Đã hơn 2.500 năm trôi qua, nhưng những tư tưởng, triết lý nhân sinh của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị. Tiếc rằng thời nay không mấy ai hiểu và làm theo ông.               

K.N

  • Từ khóa
109476

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu