Thứ 2, 20/05/2024 05:41:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 05:26, 10/11/2013 GMT+7

Tự lực tự cường

Chủ nhật, 10/11/2013 | 05:26:00 130 lượt xem

Dân tộc Do Thái là một trong những dân tộc có nền văn hóa và lịch sử lâu đời nhất của nhân loại, ra đời cùng với thời kỳ văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà và văn minh Hy Lạp - La Mã thời cổ đại. Nhưng lịch sử bắt họ phải chịu một số phận không may mắn, bị các bộ tộc và các lãnh chúa khác xâm chiếm đất đai và xua đuổi dưới những lý do tôn giáo. Từ đó họ phải sống tha hương, từng nhóm kéo nhau đi khắp mọi nơi trên thế giới để duy trì sự sinh tồn, vượt qua những định mệnh nghiệt ngã của lịch sử.

Trên 2.000 năm qua, đi đến đâu họ cũng tỏ ra là một dân tộc có sức sống dẻo dai, không bị đồng hóa và ý thức vươn lên mãnh liệt. Trong công việc họ cần cù, kiên trì và quyết tâm đạt những mục đích mình theo đuổi. Bởi vậy, gần như sống ở đâu họ cũng thành công.

Không những thế, dân tộc Do Thái nổi tiếng thế giới về tinh thần tự lực tự cường. Sau hàng ngàn năm mất nước phải đi lưu lạc khắp nơi, tới năm 1948, họ mới lập nên nước Israel ở Tây châu Á, ven bờ phía Đông Địa Trung Hải và chỉ chiếm diện tích rộng trên 20.000km2. Đất nước này thành lập muộn, quốc thổ hẹp, đất đai cằn cỗi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, 80% lãnh thổ là sa mạc và hoang mạc. Tài nguyên trong nước thiếu thốn, nguồn nước sạch quý hiếm, điều kiện thiên thời, địa lợi đều rất khắt khe.

Sống trong tình hình khó khăn như vậy, người Do Thái đã biết phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường và truyền thống bất khuất của mình. Trải qua trên 40 năm vật lộn, họ đã đạt được những thành tích nổi bật, biến quốc thổ cằn cỗi thành một vùng giàu có, mùa màng phát triển. Nông nghiệp Israel có sức cung cấp đủ lương thực cho nước mình, ngoài ra còn là một nguồn xuất khẩu kiếm ngoại tệ. Họ đã cải tạo sa mạc và hoang mạc thành đất trồng trọt. Từ năm 1949 đến 1984, nhân dân Israel đã tạo ra 27 vạn héc ta đất trồng trọt.

Để khắc phục nạn thiếu nước, họ đã khai thác nước ở lớp đất sâu và dẫn nước từ nơi xa về. Năm 1949, họ chỉ có khoảng 0,26 tỷ mét khối nước nhưng đến năm 1984 số nước đó đã tăng lên đến 1,3 tỷ mét khối nước. Họ áp dụng các biện pháp khoa học để điều tiết khí hậu làm cho nông nghiệp phát triển thuận lợi. Công nghiệp và các ngành sản xuất khác của Israel cũng có bước phát triển đáng kể. Tổng sản phẩm quốc dân Israel đã đạt mức trên 10 ngàn đô la tính theo đầu người. Họ đã trở thành một nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

Một ví dụ điển hình về người Do Thái là Palani. Palani xuất thân trong một gia đình Do Thái, từ nhỏ đã mắc bệnh viêm khớp rất nặng. Gia đình nghèo không đủ tiền thuốc cứu chữa nên khớp gối của em đã bị xơ cứng vĩnh viễn, rất khó đi lại.

Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Palani đã không hề nản chí, trái lại càng có thêm quyết tâm lập nghiệp, bất chấp khó khăn, vất vả. Em đã hăng hái học nghề y, cuối cùng đã thành tài. Một thời gian sau, Palani đã có nhiều thành công trong nghiên cứu y học, đặc biệt là về bệnh điếc tai.

Cả đời mình Palani đã viết được 184 bản luận văn nghiên cứu y học. Thành tựu lớn về y học của ông đã được chính phủ Áo coi trọng và phong ông danh hiệu Hầu tước. Năm 1914, ông được nhận giải Nobel về sinh lý học và y học.

Lời bàn:

Lịch sử của nhân loại đã chứng minh, yếu tố quyết định thành công của một dân tộc bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của dân tộc ấy. Vậy, với người Do Thái thì truyền thống ấy là gì? Đó là truyền thống coi kiến thức, trí tuệ là thứ quý nhất của con người. Bởi thế trong Kinh Talmud (đạo của người Do Thái) đã viết: Tài sản có thể bị mất, chỉ có tri thức và trí tuệ thì mãi mãi không mất đi đâu. Có lẽ vì thế các ông bố, bà mẹ Do Thái thường dạy con: Của cải, tiền bạc của chúng ta đều có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi.

Với phương châm đó, người Do Thái đặc biệt coi trọng việc giáo dục con cái, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành đến nơi đến chốn. Và chính sự giáo dục ấy đã mang lại sự thành công của người Do Thái trong lĩnh vực khoa học. Cụ thể là trong các giải Nobel qua hơn một thế kỷ, tỷ lệ người Do Thái chiếm lĩnh các giải Nobel trong các lĩnh vực như sau: Hóa học 32 người, chiếm tỷ lệ 21%; kinh tế 28 người, chiếm tỷ lệ 42%; văn chương 13 người, chiếm tỷ lệ 12%; vật lý 49 người, chiếm tỷ lệ 27%; hòa bình 9 người, chiếm tỷ lệ 8%. Đó là một thành tích đáng tự hào, đáng nể trọng của người Do Thái. Và “trông người lại ngẫm đến ta”, có tinh thần tự lực tự cường cao, lại cần cù, sáng tạo và hiếu học... nhưng vì sao chúng ta chưa có giải Nobel? Câu trả lời là chúng ta vẫn chưa phát huy được sức mạnh từ truyền thống văn hóa của dân tộc.

N.N

 

  • Từ khóa
109470

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu