Thứ 2, 20/05/2024 06:25:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:35, 31/10/2013 GMT+7

Cỏ dại

Thứ 5, 31/10/2013 | 14:35:00 139 lượt xem

Tôn Vũ có tên chữ là Trưởng Khanh. Ông là người Lạc An nước Tề (nay là vùng Sơn Đông ở Trung Quốc. Cho đến ngày nay, ông sinh năm nào và mất năm nào đều không xác định được, mà các sử gia chỉ khẳng định được rằng ông sống vào thời Xuân Thu. Và chính nhờ cuốn binh thư của mình mà ông được người đương thời tôn là Tôn Tử. Mặt khác, vì phần lớn ông sống và hoạt động chủ yếu ở nước Ngô, nên được gọi là Ngô Tôn Tử để phân biệt với Tôn Tẫn (Tề Tôn Tử là người nước Tề ở thời Chiến Quốc).

Trong cuốn Binh pháp của mình, Tôn Tử đã dạy rằng: Khi hòn đá lăn xuống đồi, người chiến binh giỏi sẽ vận dụng được đà lăn, người yếu đuối sẽ trốn chạy và người không biết sẽ bị đè bẹp.

Như đã nói ở trên, Tôn Tử là người sinh ra vào thời Xuân Thu ở nước Trung Hoa thời cổ đại. Mặc dù về địa lý thì đất nước Trung Hoa cách xa vùng Địa Trung Hải và đất nước Do Thái, thế nhưng nhà hiền triết của đất nước Do Thái thời cổ đại cũng có tư tưởng mang tính triết lý sâu sắc. Không những thế, giữa Tôn Tử và nhà hiền triết người Do Thái trong câu chuyện dưới đây có điểm tương đồng về triết lý nhân sinh.

Chuyện xưa kể lại rằng, vào một ngày kia, nhà hiền triết Do Thái cảm thấy mình không còn sống lâu nữa nên đã triệu tập đông đảo đệ tử đến nghe bài giảng cuối cùng. Ông hỏi đám học trò:

- Các con xem, ngoài cánh đồng kia có mọc những cái gì tốt không?

- Cỏ dại ạ. Các đệ tử đều đồng thanh trả lời.

- Vậy, ta phải làm thế nào để diệt trừ hết cỏ dại?

Đám học trò xì xào với nhau, chuyện này dễ ợt, ai cũng có thể làm được. Một lát sau, anh học trò trưởng tràng trả lời trước tiên:

- Xin cho con một cái cuốc là đủ.

Anh học trò thứ hai nói:

- Xin cứ cho một mồi lửa là xong.

Anh học trò thứ ba bác lại lời của hai học trò trước rằng:

- Phải đào bới sâu mới làm sạch cỏ được.

Đợi cho các đệ tử trả lời xong xuôi, nhà hiền triết mới mỉm cười nói:

- Buổi học đến đây là hết. Các con hãy về và tìm cách dọn sạch cỏ theo cách riêng của mình, một năm sau lại đến tụ họp đông đủ tại đây.

12 tháng thấm thoát thoi đưa đã qua đi. Đúng một năm sau, các học trò lại về tụ tập tại nhà vị hiền triết. Khi ấy, tất thảy các học trò đều tỏ vẻ đau khổ vì các biện pháp làm sạch cỏ dại của họ đều không có hiệu quả một cách triệt để. Họ đã làm đủ mọi cách mà cỏ dại vẫn không thể nào sạch hết được. Vì thế, tất cả đều chờ đợi sự chỉ bảo của thầy. Nhưng đáng tiếc, lúc đó nhà hiền triết đã qua đời và trước khi chết, nhà hiền triết đã không quên để lại cho đám học trò của mình một cuốn sách. Sau đó, tất cả các học trò cùng đến bên cuốn sách rồi họ mở ra xem và thấy trong sách chỉ ghi có một câu nói như sau:

Cỏ dại có muôn loài và chúng luôn có sức sống vô cùng dai dẳng, thế nhưng biện pháp diệt trừ cỏ dại của các con tất thảy đều thiếu hiệu quả. Muốn làm sạch chúng thì chỉ có một cách là các con hãy cày xới và gieo trồng trên mảnh đất có nhiều cỏ dại ấy những hạt giống tốt. Tâm linh của con người cũng giống như những cánh đồng đầy cỏ dại...

Lời bàn:

Với lời dạy của Tôn Tử cho chúng ta hay rằng, cuộc đời luôn luôn biến đổi, mọi vật luôn vận động và không có gì là tuyệt đối. Luật pháp cũng vậy, nhưng khi pháp luật có sự thay đổi, nếu ai đó biết vận dụng sự thay đổi của pháp luật thì người đó sẽ tránh được những rủi ro về pháp lý và nắm bắt được cơ hội làm giàu cho gia đình, cho bản thân. Ngược lại, với người không biết về sự thay đổi của pháp luật thì sẽ gánh chịu rủi ro pháp lý, hoặc bỏ lỡ cơ hội làm giàu.

Và với lời dạy của nhà hiền triết người Do Thái trong giai thoại trên đã chỉ cho người đọc khẳng định về một điều mà có thể có nhiều người biết, nhưng không dám nói ra và không dám thừa nhận nói để tìm giải pháp khắc chế nó. Đó là, trong tâm khảm của mỗi con người đều có cỏ dại, tức có những tư tưởng tiêu cực, có cái xấu đang bám vào cái tốt và chờ cơ hội để nảy nở. Vì vậy, mỗi người cần phải biết gieo trồng trên những mảnh đất có cỏ dại hay nói đúng hơn là trong tâm hồn của chính mình bằng những hạt giống là tư tưởng tích cực, những hy vọng đẹp đẽ và những niềm hoan lạc nhân sinh. Có làm như vậy mới diệt hết được “cỏ dại”, mới tránh được mọi sự rủi ro trong cuộc sống. Vâng, chỉ với nhiêu đấy thôi cũng đã là quá đủ để cho hậu thế ngày nay không ai dám nói rằng triết lý của người xưa là lạc hậu?                     

N.N

  • Từ khóa
109467

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu