Thứ 2, 20/05/2024 06:54:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:41, 10/10/2013 GMT+7

Một kết thúc bi thảm

Thứ 5, 10/10/2013 | 13:41:00 801 lượt xem

Đại tư đồ Đinh Điền (924-979), là người làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cùng làng với vua Đinh Tiên Hoàng. Ông là một trong số những công thần khai quốc Đại Cồ Việt và là người tận trung với nhà Đinh. Theo thần phả tại đền thờ Đinh Điền ở Yên Mô, Ninh Bình và theo cuốn “Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê” thì cha ông là Đinh Thân, mẹ là Dương Thị Liễu. Quê mẹ ở Yên Bạc (nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Khi mới sinh, Đinh Điền có tên gọi là Đinh Trào. Đinh Điền là tên chữ của ông và người đương thời quen gọi bằng tên này.

Ông với vua Đinh cùng tuổi (sinh năm Giáp Thân - 924). Khi còn trẻ nhỏ, đi chăn trâu ở Thung Lau (Gia Viễn), Đinh Điền đã cùng bạn lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn và rước Đinh Bộ Lĩnh làm chúa. Về sau, ông là một trong số những công thần khai quốc và là người tận trung với nhà Đinh.

Khi trưởng thành, Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư chống lại nhà Ngô, trong đó ông cùng Nguyễn Bặc làm tướng võ, còn Lưu Cơ và Trịnh Tú làm tướng văn. Năm 965, nhà Ngô mất, ông cùng các chiến hữu giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn 12 sứ quân trong 3 năm, thống nhất giang sơn về một mối.

Theo sử sách, Đinh Điền được vua Đinh cử giữ chức Ngoại giáp, nghĩa là coi việc bên ngoài, theo thần phả thì ông giữ chức Nhập nội kiểm giáo Đại tư đồ, Bình chương trọng sự.

Vào năm Kỷ Mão - 979, Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, triều đình tôn người con còn lại của Tiên Hoàng là Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế vị. Lê Hoàn làm nhiếp chính đại thần, thường ra vào cung cấm và có tin đồn rằng Lê Hoàn đã tư thông với thái hậu Dương Thị là mẹ của ấu chúa. Sau đó, Lê Hoàn lại tự xưng là Phó vương và từ đó mọi việc trọng sự trong triều đều do tay Lê Hoàn sắp đặt.

Đinh Điền cho rằng Lê Hoàn có ý đồ chiếm ngôi báu của nhà Đinh. Vì vậy, ông đã bàn với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cùng một số trung thần khác bỏ quan về ở ẩn để mưu tính đại sự. Ông tập kết các anh hào, tướng sĩ trung thành với nhà Đinh để chuẩn bị đánh Lê Hoàn.

Đinh Điền hợp quân với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đem hai đạo quân thủy, bộ từ Ái Châu (Thanh Hóa) tiến về kinh thành Hoa Lư mưu giết Lê Hoàn, thu giang sơn lại cho nhà Đinh. Nhưng Lê Hoàn lợi dụng gió Đông Nam thổi mạnh, đánh một trận hỏa công, đốt sạch thuyền bè, quân sĩ của Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Đạo thủy quân tan rã, Đinh Điền bị tử trận.

Về thời gian diễn ra trận chiến và cái chết của Đinh Điền, các nguồn tài liệu ghi khác nhau. Sử sách thống nhất ghi việc này diễn ra vào cuối năm 979, nhưng theo thần phả ở Ninh Bình thì việc này diễn ra ngày 20 tháng 4 năm Canh Thìn (tức ngày 5 tháng 6 năm 980). Một số thần phả khác, được sách “Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam” dẫn lại thì cho rằng ông cùng vợ là Phan Môi Nương bị thua trận, quân tan nát hết nên cùng nhau tự vẫn ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Mão (tức ngày 12 tháng 12 năm 979) chứ không phải ông bị tử trận.

Sau đó không lâu, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cũng bị Lê Hoàn đánh bại và cả hai cùng bị bắt, bị xử tử. Cái chết của Đinh Điền được nhân dân trong vùng vô cùng thương xót, vì họ coi ông là bậc trung thần, vì nghĩa cả quên mình nên đã thu nhặt hài cốt ông đem về chùa Trúc Lâm, nơi ông tu hành trước đây để an táng. Ngày nay ở nhiều làng tại Gia Viễn, Hoa Lư có đền thờ ông và Nguyễn Bặc.

Lời bàn:

Dưới thời phong kiến, những ai phạm vào tội mưu phản, mưu đại nghịch hay đại bất kính... đều bị chém đầu ngay. Và với triều đình phong kiến thời ấy, vì Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Đinh Điền phạm vào tội đó nên triều đình không thể dung tha được. Suy cho cùng thì thời nào cũng vậy, phản bội Tổ quốc bao giờ cũng là tội nặng nhất. Điều 341 trong Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta có quy định cụ thể như sau: Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một nước khác, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Thật đáng tiếc thay, bậc dũng tướng như Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Đinh Điền lại có lúc thiếu sáng suốt để lâm vào cảnh trung quân một cách mù quáng. Cái giá mà các ông phải trả là chính mạng sống của mình. Vẫn biết là sai lầm, nhưng người đương thời vẫn ghi nhận ở các ông một tấm lòng trung. Thế mới hay rằng, muốn trung không phải là dễ, trung cho đúng đạo lý lại càng khó hơn. Vì nếu ai đó yếu về bản lĩnh, không nhận biết được thực và hư thì sẽ dẫn đến hành động tiêu cực, vì cho rằng thời thế, thế thời, thời phải thế... như Đại tư đồ Đinh Điền trong giai thoại trên.                                                              

K.N

  • Từ khóa
109461

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu