Thứ 2, 20/05/2024 05:39:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:33, 12/09/2013 GMT+7

TẤM LONG TRUNG TIẾT

Thứ 5, 12/09/2013 | 15:33:00 127 lượt xem

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Đặng Tảo đỗ thái học sinh (tức tiến sĩ) và ra làm quan dưới triều vua Trần Anh Tông (1293-1314) trị vì. Đặng Tảo là con thứ hai của sứ thần Đặng Hữu Điểm. Ông được vua Trần Anh Tông rất tin dùng và được phép luôn ở bên cạnh nhà vua. Ông là người rất giỏi thơ văn và là một trong năm cao sĩ đời Trần, sống cùng thời với Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài và Phạm Ngũ Lão...

Người thứ hai được vua Trần Anh Tông tin dùng và cũng luôn được ở cạnh nhà vua là Lê Chung. Lê Chung tuy chỉ là gia nhi (tức tôi tớ) nhưng nhờ lòng thành và siêng năng chăm chỉ, nên cũng được vua Trần Anh Tông rất mực thương yêu, tin tưởng.

Năm 1314, vua Trần Anh Tông nhường ngôi cho con để làm Thái thượng hoàng. Khi ấy, Đặng Tảo và Lê Chung cùng được thượng hoàng Trần Anh Tông cho theo hầu. Năm 1320, thượng hoàng Trần Anh Tông lâm bệnh nặng, Đặng Tảo ngày đêm túc trực bên giường để sẵn sàng viết di chiếu, còn Lê Chung thì lo săn sóc thuốc thang và mọi sự cho thượng hoàng. Khi thượng hoàng Trần Anh Tông mất, vua Trần Minh Tông tự mình lo việc khâm liệm. Giúp việc hệ trọng này, ngoài Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn, nhà vua cũng chỉ cậy nhờ thêm Đặng Tảo và Lê Chung mà thôi. Vậy mà an táng xong xuôi, Đặng Tảo và Lê Chung không màng đến ân thưởng. Đặng Tảo còn tình nguyện làm người thắp hương và coi sóc Thái lăng, lăng vua Trần Anh Tông ở núi An Sinh. Ông đã dọn nhà đến gần lăng của vua Trần Anh Tông để tiện việc trông coi lăng và lo việc nhang khói cho người đã khuất.

Hằng năm, vua Trần Minh Tông đều về bái yết lăng tẩm, nhưng lần nào Đặng Tảo cũng lánh mặt, chẳng hề kể công để xin riêng điều gì. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về sự việc này như sau:

Nhà vua thương Đặng Tảo nghèo, ban cho hai mươi mẫu ruộng, rồi sai quan là Trần Thế Hưng mang giấy đến cho. Ruộng này, do trước đã ban cho Thứ phi của vua là bà Thiên Xuân nên bà Thiên Xuân cứ giữ lấy giấy cũ mà cày cấy, vậy mà Tảo cũng không tranh chấp. Trần Thế Hưng hay được việc này, liền tâu thực với nhà vua. Vua lập tức thu giấy của Thiên Xuân, đem ruộng này ban cho Đặng Tảo, vậy mà Đặng Tảo cũng chẳng lấy làm mừng.

Lê Chung cảm kích tấm lòng của Đặng Tảo với chủ cũ nên cũng đã dời hết mồ mả tổ tiên về chôn cất ở Yên Sinh, rồi bán hết gia tài điền sản, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh làm nhà ở đấy. Cả Đặng Tảo và Lê Chung đều ở Yên Sinh và trông coi lăng mộ vua Trần Anh Tông cho đến lúc mất.

Các vua Trần rất kính mến khí tiết của Đặng Tảo và vẫn thường cho người lui tới, thăm viếng và những khi có việc nước quan trọng đều hỏi ý kiến ông. Với vai trò ấy, ông nghiễm nhiên trở thành cố vấn của triều đình và mặc dù nghèo khó, nhưng cương quyết từ chối tất cả bổng lộc của triều đình.

Về sau, vua Trần Nghệ Tông nghĩ thương Đặng Tảo và Lê Chung, bèn cho xây chùa, cấp ruộng để cúng tế, gọi là chùa Trung Tiết. Tiếc rằng, ngôi chùa thờ hai ông ngày nay vẫn còn, nhưng năm sinh và năm mất của cả hai ông đều đã thất truyền. Vì thế hằng năm, người dân trong vùng vẫn thường tổ chức lễ giỗ hai ông sau ngày lễ giỗ của vua Trần Anh Tông.

Lời bàn:

Cứ theo sử sách cũ còn lưu truyền đến ngày nay và nội dung của những sự kiện nổi bật, cũng như giai thoại về những nhân vật anh hùng, những danh nhân thành đạt dưới các triều đại phong kiến cho thấy: Người xưa hay ghép lợi với danh để rồi không ít người cứ luẩn quẩn suốt đời trong vòng danh lợi. Thế nhưng với ông nghè Đặng Tảo cùng gia nhi Lê Chung trong giai thoại trên lại hoàn toàn khác hẳn. Hai người tuy phận có khác nhau mà tấm lòng thành thì chỉ là một.

Thế mới hay rằng, dẫu đã có Trần Thế Hưng nhắc nhở nhưng vua Trần Minh Tông ngày ấy cũng chẳng thoát khỏi tiếng là quá vô tâm với thuộc hạ thân tín của mình. Còn với Đặng Tảo thì quả là người đáng kính, với ông tuy mất ruộng nhưng cũng không hề buồn và khi được ruộng cũng không hề vui, bởi hai chục mẫu ruộng đâu có thể sánh được với tấm lòng bao la của ông. Thật đáng tiếc thay, tấm gương tày liếp là vậy mà hậu thế không mấy ai học được. Chẳng những vậy mà ngày nay còn có người chỉ biết ăn rồi “vạch áo cho người xem lưng” hoặc chỉ biết lấy oán trả ơn. Vâng, người xưa có câu rằng: Thời thế tạo anh hùng, quả là không sai. Nhưng kẻ không biết thời và cũng không hiểu thế sẽ trở thành khùng, thì nay thiên hạ mới hay, mới biết. Vâng, không biết bao giờ mới đến ngày xưa?!                               

 Hòa Bình

  • Từ khóa
109451

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu