Thứ 2, 20/05/2024 04:53:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 06:54, 08/09/2013 GMT+7

Một nhân cách đáng kính

Chủ nhật, 08/09/2013 | 06:54:00 104 lượt xem

Theo gia phả của dòng họ Thiều ở Thọ Sơn, Đông Sơn, Thanh Hóa, Thiều Thốn sinh ngày 3-3-1326, đời vua Trần Minh Tông. Ông là đời thứ ba của dòng họ Thiều. Thiều Thốn là vị tướng tài ba của nhà Trần. Ông đã có công lớn trong cuộc chiến đấu chống quân Chiêm Thành năm 1357 và trấn ải biên thùy ở phía Bắc năm 1365.

Khi được vua Trần ra chiếu chỉ đi trấn ải Lạng Giang, Thiều Thốn đã tạm biệt người vợ yêu dấu để hoàn thành sứ mệnh vua ban. Khi ông đến Lạng Giang đã thực thi chính sách an dân, khuyên dân nên chăm lo cày cấy, làm nghề nông để lấy lương thực lo cho cuộc sống, dạy dân luyện võ để giữ gìn sức khỏe và bảo vệ biên cương, giúp dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải để tự lo cái ăn cái mặc. Nhờ vậy mà cuộc sống của dân vùng biên cương ngày càng ấm no, thịnh vượng. Dân rất tin và yêu mến Thiều Thốn.

Đối với quân sĩ dưới quyền ông luôn thương yêu, chăm sóc hết lòng, nhờ vậy mà quân kỷ nghiêm minh, binh hùng, tướng mạnh. Khi đến Lạng Giang, vì tin yêu Thiều Thốn, dân ở đây đã cho ông biết trước đó quan Tri Châu Trần Đoản thường hay ức hiếp dân lành, bắt dân phải cống nạp nhiều sản vật quý để làm của riêng. Thiều Thốn biết được việc ấy bèn đưa ra trị tội và cách hết mọi chức vụ của Trần Đoản. Trần Đoản vốn thuộc dòng dõi vương thất nhà Trần nên không chịu hình phạt, mà liên hệ với quan hành khiển ở cạnh nhà vua là Trần Thoái và nhờ Trần Thoái lo chạy tội.

Trần Thoái vốn trước đây đem lòng yêu mến công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu, nhưng công chúa lại được gả cho Thiều Thốn. Do không lấy được công chúa nên Trần Thoái đã đem lòng ghen ghét Thiều Thốn và cùng với Trần Đoản lập mưu để hãm hại Thiều Thốn.

Trần Thoái dâng sớ kết tội Thiều Thốn có âm mưu làm phản tụ tập dân chúng luyện võ, may sắm quần áo, chuẩn bị lương thực để chờ thời cơ và xin vua cho chém đầu Thiều Thốn. Biết được tin này, công chúa Ngọc Chiêu không tin bèn xin vua xem xét lại, nếu không xin được đến Lạng Giang để chết cùng chồng. Vua Trần nghe theo và cùng tùy tùng đến tận Lạng Giang để xem xét và được dân ở đây cho biết Thiều Thốn là vị quan thanh liêm hết lòng vì giang sơn xã tắc. Biết vậy, vua Trần đã khôi phục lại chức quan cho Thiều Thốn. 

Có thể nói, đây là một hiện tượng rất hiếm có trong lịch sử, bởi trước đó và sau này không có một quan chức cao cấp nào bị triều đình xử tội mà quân lính và dân chúng lại kêu oan, lại đứng ra bảo vệ một cách mạnh mẽ và đã được nhà vua chấp thuận xóa tội. Thiều Thốn quả là một vị tướng tài, một nhân cách lớn. Ngô Thì Sĩ - nhà sử học nổi tiếng đương thời ghi vào chính sử về ông với những lời như sau:

- Thiều Thốn là một viên tướng ở biên trấn, ông mất quan, mất chức cho đến khi được quan, trong quân ban đầu thì tiếc, tiếp đó thì nhớ rồi lại mừng. Được lòng người sao mà lâu thế. Là viên tướng nhỏ mà còn như thế, nếu thống lĩnh ba quân mà làm đại tướng thì như thế nào? Nếu được trấn giữ các thành mà chăn dắt dân thì sẽ ra sao? Thế mới biết không gì mạnh hơn lòng người. Người quân tử xem việc Thiều Thốn thì biết được cái đạo nuôi dân.

Lời bàn:

Thiều Thốn không chỉ là vị tướng tài ba trên chiến trận mà ông còn là nhà quân sự, nhà chiến lược, một nhân cách lớn được quân sĩ và dân chúng hết lòng yêu mến, ca ngợi... Với hậu thế hôm nay và mãi mãi về sau, đạo đức và nhân cách của ông là tấm gương sáng về lòng trung thành, không tham danh vọng, sống trong sạch, thanh cao, thương yêu quân sĩ, gần gũi dân chúng, luôn chăm lo cho cuộc sống của dân. Với nhân cách đó, người đời sau ca ngợi ông là bậc công thần mở nước, bậc trụ lớn cứu nước, cứu đời, yêu dân, nhân đạo hết mực, đức lớn dũng cảm treo cao cùng vầng nhật nguyệt.

Thế mới hay rằng, đã là phúc thì không phải là họa, mà phúc thì chẳng phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ dưới đất sinh ra, lại càng không phải do thánh thần ban cho mà có. Vậy, muốn có phúc thì phải tự mình làm ra và như người xưa đã từng nói: Có phúc, có đức thì mặc sức mà ăn. Tất nhiên là hiểu theo nghĩa đen thì quả là người xưa có nói quá ra. Bởi vì cũng người xưa bảo rằng: Miệng ăn núi sập. Nhưng ý của người xưa trong câu này không phải là vậy, mà muốn nhắc nhở hậu thế rằng để có cái mà ăn, mà để thì phải biết sống có phúc, có đức. Đừng như ai đó lấy oán trả ân và đừng bao giờ sống theo kiểu vừa được ăn, vừa được nói, lại vừa được gói mang về nhưng vẫn không chịu, mà còn đòi bắt chước Tề Thiên đại thánh nói với ngọc hoàng rằng: ...Ngày mai đến lượt lão Tôn rồi đấy...

N.V

  • Từ khóa
109449

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu