Thứ 2, 20/05/2024 05:41:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:47, 19/07/2013 GMT+7

Câu thơ bỏ lửng

Thứ 6, 19/07/2013 | 08:47:00 869 lượt xem

Nguyễn Du (1766-1820), đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông có tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc có thế lực và có truyền thống văn học vào bậc nhất đương thời. Nguyễn Du là người thông minh, học rộng, nhưng chỉ đỗ đến Tam trường (tú tài), ông ra giúp đời bằng chức quan võ nhỏ biên trấn ở Thái Nguyên và kế nghiệp ông bố nuôi họ Hà. Tuy xuất thân trong một gia đình vọng tộc, nhưng ông không được hưởng phúc ấm của tổ tiên. Những biến cố của đời sống chính trị dồn dập ập đến biến ông thành nhà thơ - người phát ngôn cho quyền sống của những người lao khổ, nhà nhân văn chủ nghĩa lớn nhất của đất nước ta ở đầu thế kỷ XIX.

Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc một giai thoại về cụ Nguyễn Du lúc còn là học trò và được ông thân sinh gọi ra Thăng Long theo học một ông đồ họ Lê ở Gia Lâm, bên kia sông Nhị Hà (sông Hồng). Khi đó, hằng ngày Nguyễn Du cùng các bạn học cũng phải qua sông bằng đò ngang để đến trường. Người chở đò là một cô gái nhà nghèo, nhưng xinh xắn và nói nhỏ nhẹ, cử chỉ dịu dàng, có duyên và rất dễ thương. Một hôm, các nho sinh đến chậm, phải chờ đò mãi. Trống trường bên kia đã điểm hối thúc. Nguyễn Du chờ sốt ruột nên làm một bài thơ nhờ bạn đưa cô lái đò để tỏ lòng mình và cũng là để thử lòng cô gái. Bài thơ có nội dung như sau:

Ai ơi, chèo chống tôi sang.

Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại, lại qua

Giúp nhau rồi nữa để mà....

Câu thơ cuối, tác giả bỏ lửng có ý để chờ cô gái điền vào. Nhận được bài thơ, cô gái bẽn lẽn và từ chối, nhưng về sau nể lời bạn, cô cũng thêm vào hai chữ... “quen nhau”. Rồi ngày tháng dần qua, bến đợi sông chờ, một ngọn lửa thầm kín bùng lên giữa hai người, sợi dây tình khăng khít buộc chàng trai quý tộc và cô gái bình dân. Thế rồi hai người yêu nhau. Nhà thơ thổ lộ tâm tình ra bốn câu lục bát rằng:  

Xưa quen nay đã nên thương,

Cùng nhau chắp mối tơ vương chữ tình.

Cảnh xinh xinh, người xinh xinh,

Trên trời, dưới nước, giữa mình với ta.

Họ yêu nhau tha thiết, quyết chí lấy nhau, nhưng gia đình Nguyễn Du không đồng ý. Bởi lẽ đơn giản, Nguyễn Du là cậu con trai quý tộc mà cô gái là một người bình dân. Nguyễn Du bị gửi về học một ông đồ khác ở Thái Bình. Nguyễn Du buồn rầu từ giã người yêu, mối tình đầu trong trắng của mình, dằn lòng chấp nhận gia pháp khắc nghiệt của họ Nguyễn Tiên Điền.

Hơn 10 năm sau, Nguyễn Du có dịp trở lại bến cũ đò xưa thì cô gái đi lấy chồng lâu rồi, chỉ còn dòng nước đỏ vẫn lặng lẽ trôi. Bến đò vẫn đông người qua lại nhưng vắng bóng một người. Trông cảnh cũ nhớ người xưa, nhà thơ bùi ngùi ngâm lên bốn câu thơ lục bát để gửi gắm lòng mình:

Yêu nhau những muốn gần nhau,

Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười.

Vì đâu xa cách đôi nơi.

Bến nay còn đó nào người năm xưa?

Lời bàn:

Nguyễn Du đã để lại cho đời hai kiệt tác, đó là “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh) gồm 3.254 câu thơ lục bát và “Văn tế thập loại chúng sinh” gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát. Với hai kiệt tác này, Nguyễn Du đã thể hiện rõ là một nhà thơ nhân đạo lỗi lạc, một tâm hồn cao thượng và một tấm lòng nhân ái sâu sắc, bao dung. Chưa hết, Nguyễn Du còn dùng ngòi bút của mình để phê phán một cách mạnh mẽ và sắc bén cái hiện thực của xã hội phong kiến đương thời. Chỉ riêng với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tổng hợp được tinh hoa của nhiều thể loại văn học và cũng chính ông đã có công lớn trong việc đưa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên trình độ điêu luyện, cổ điển. Ông xứng đáng được suy tôn là Đại thi hào của dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

Cũng chính vì sự vĩ đại ấy của ông mà cuộc tìm kiếm về cuộc đời và những sáng tác của Nguyễn Du sẽ mãi còn là sự gắng công của nhiều thế hệ hôm nay cũng như mai sau. Và từ xưa đến nay, chưa một ai đặt câu hỏi rằng, nếu cuộc đời này thiếu thơ và tình người của Nguyễn Du thì sẽ như thế nào? Tiếc rằng với đời, Nguyễn Du đã cống hiến hết mình bằng tấm lòng rộng lớn và ngòi bút thần kỳ, nhưng với bản thân ông thì lại là nỗi sầu mênh mông, vì chính ông cũng không thoát khỏi cái lễ giáo phong kiến “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” để quyết định hạnh phúc cho cá nhân mình. Bởi thế trước khi từ giã cõi đời, Nguyễn Du vẫn còn day dứt rằng:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?       

N.N

  • Từ khóa
109431

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu