Thứ 2, 20/05/2024 05:19:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:28, 13/07/2013 GMT+7

Bài học nhớ đời

Thứ 7, 13/07/2013 | 08:28:00 557 lượt xem

Nhiêu Tâm có tên thật là Đỗ Như Tâm và hiệu là Như Tâm, Minh Tâm, biệt hiệu là Minh Giám. Ông là một nhà thơ sống vào thời thực dân Pháp chiếm đóng Nam bộ. Nhiêu Tâm vì có chân trong nhiêu học (học trò giỏi, được hưởng học bổng của Nhà nước phong kiến), nên được mọi người gọi bằng cái tên như thế. Thế nhưng không hiểu vì sao cuộc đời ông vô cùng lận đận với trường thi, vì ông thi mãi mà vẫn không đỗ.

Về nguyên quán, cho đến nay không ai biết ông quê gốc ở đâu. Có tài liệu cho rằng ông là người ở miền Trung di cư vào Nam, rồi lưu lạc tới Vĩnh Long từ nhỏ. Khi đến làng Sơn Đông (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Nhiêu Tâm sống bằng nghề dạy chữ Hán và làm nghề bốc thuốc. Buổi đầu, ông cư ngụ tại nhà học trò tên Trần Văn Kỷ. Mấy năm sau, ông Kỷ mất, Nhiêu Tâm dời sang nhà một học trò khác là Trần Minh Chuẩn và ở đấy cho đến hết đời.

Người dân làng Sơn Đông còn nhớ nhà thơ Nhiêu Tâm có vóc dáng hơi cao gầy, đôi mắt bị lòa nên đi đâu cũng phải chống gậy. Khi ông mất (1911), không thấy vợ con hay thân nhân đến, chỉ có học trò chịu tang và bạn thơ đến viếng. Mộ ông nằm giữa cánh đồng, thuộc làng Sơn Đông, xã Thanh Đức. Và cho đến bây giờ, người dân ở Vĩnh Long vẫn còn lưu truyền về ông qua những giai thoại và mẩu chuyện dưới đây là một minh chứng.

Chuyện kể lại rằng, khi đó ở vùng Sơn Đông có một ông bá hộ mời thầy giáo về dạy trẻ trong nhà. Thầy giáo này rất ngạo mạn, khinh người. Nghe tiếng vậy nên thầy Nhiêu Tâm tìm đến chơi, với chủ tâm là cho thầy giáo kia một bài học để mất thói hợm mình.

Thầy đồ tiếp chuyện Nhiêu Tâm mà mặt cứ vênh vang, vì không biết Nhiêu Tâm là ai, nên ông ta cứ quen thói ngạo mạn như ở nhiều trường hợp khác. Đã thế, Nhiêu Tâm lại càng tỏ ra khép nép nhún nhường. Ông lễ phép xin thầy bày vẽ cho cách làm thơ. Ngay lúc đó, ông thầy đồ kia phán rằng:

- Làm thơ có dễ đâu. Các người học kém, làm thế nào được.

- Dạ, tôi cũng đang tập, muốn xin thầy ra cho một đầu đề để vọc vạch vài câu, rồi thầy sửa chữa cho. Nhiêu Tâm nói.

- Ồ, đề ra cho hợp sức các ông thì ngại tìm lắm. Các ông viết lách kém làm người ta mất thì giờ.

Nhiêu Tâm vẫn cứ khiêm tốn van nài và ông thầy đồ đâm cáu: Lôi thôi quá! Kèo nèo mãi. Thơ cái cục c...ứt! ... Đầu đề đó, làm đi.

Nhiêu Tâm lễ phép: Dạ, thế thầy ra cho đầu đề cục cứt. Vâng, tôi xin làm thử. Và không chậm trễ, Nhiêu Tâm đằng hắng một tiếng rồi ứng khẩu ngay: Bao tử là cha mẹ ruột dồi.

Nghe vậy, lão thầy đồ ra bộ khuyến khích: Nghe cũng được đấy, cố mà nghĩ câu hai đi.

Nhiêu Tâm đọc tiếp, vừa đọc vừa nhìn thẳng vào mặt lão thầy đồ:

Đẻ không nên chỗ để mày trôi. Chặt chân chẳng nỡ thây nhằm đạp; Bịt mũi mà qua đã gớm rồi. Chẳng chó bắt mèo ngồi ngứa mắt; Có tong cũng chốt rước trầm môi.

Nhiêu Tâm đọc đến đây thì mặt lão thầy đồ tái hẳn đi. Nhưng ngay lúc đó, Nhiêu Tâm quay lại chỗ ông bá hộ chủ nhà, chỉ tay đọc tiếp: Lẫn thay cho lão ngồi câu quẹt; Chấp chứa làm chi những giống hôi.

Nhiêu Tâm vừa đọc xong cũng là lúc lão thầy đồ hợm mình kia đứng dậy vào trong nhà lấy đồ nghề của mình và xin gia chủ cho nghỉ dạy. Cũng từ đó, người dân trong vùng không còn ai thấy lão thầy đồ kia đâu nữa.

Lời bàn:

Cổ nhân đã từng dạy: Thiên hạ nhân, thiên hạ tài. Và trong dân gian người ta vẫn thường hay nói: Xấu thì che, tốt mới khoe. Còn đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng dạy rằng: Có tài mà cậy chi tài... vậy mà không hiểu vì sao lão thầy đồ trong giai thoại trên lại không hề hay biết gì về những điều này. Ở đây có hai trường hợp xảy ra. Một là lão không biết vì kiến thức quá nông cạn. Hai là lão biết nhưng lại cố tình hợm đời. Và dù là không biết hay cố tình thì cái giá mà lão phải trả là bài học mà ông Nhiêu Tâm dạy cho là xứng đáng.

Vì người xưa không kể tiếp về đoạn sau, nên cho tới ngày nay chẳng ai rõ ông thầy đồ dở khóc dở cười trong giai thoại trên làm thế nào để che được cái mặt vừa xấu hổ, vừa nhục nhã của mình trước khi cáo thoái với chủ nhà. Và vẫn biết người xưa lưu truyền lại giai thoại trên đây không phải để cho hậu thế mua vui trong tiếng cười, nhưng tiếc rằng thời nay không phải ai cũng hiểu được ý của người xưa. Vì thế cho nên ở đâu đó vẫn còn có không ít người khi nào cũng cứ tự cho mình là hay, là đẹp, là tốt, là nhất... mà không biết rằng thiên hạ đang bịt miệng cười.

K.N

  • Từ khóa
109429

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu