Thứ 2, 20/05/2024 05:49:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:59, 17/08/2012 GMT+7

Vị tướng vì dân

Thứ 6, 17/08/2012 | 15:59:00 164 lượt xem

Trần Khánh Dư vì sử sách không ghi chép đầy đủ nên cho đến bây giờ không ai biết được ông sinh vào năm nào, mà chỉ biết ông mất vào năm 1340. Trần Khánh Dư là người huyện Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông là võ tướng thời nhà Trần và được thừa hưởng tước hầu từ người cha là Thượng tướng Nhân huệ hầu Trần Phó Duyệt. Sau khi được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi ông mới được hưởng tước Nhân huệ vương.

Ông nổi tiếng về tài cầm quân và đã đóng góp nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà nước Đại Việt. Vì thế, ông đã được nhà vua phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Về sau ông lại được phong làm Tử tước hầu, rồi tăng lên mãi đến tước Tử phục thượng vị hầu. Sau vì có lỗi với gia tộc nên ông bị cách hết quan tước, tịch thu gia sản.

Trong thời gian bị bãi chức, Trần Khánh Dư về đất cũ của cha mình ở Chí Linh và làm nghề buôn bán than để sống. Tác giả các bộ sử cũ, với quan điểm “sĩ, nông, công, thương”, đã coi việc ông buôn than, bán nón là nghề hèn mọn.

Theo sử cũ, vào một ngày tháng 10 giữa năm Nhâm Ngọ - tức năm 1282, Trần Khánh Dư chở thuyền qua bến Bình Than, nhà vua nhìn thấy và đưa tay chỉ vào thuyền mà nói với viên quan thị thần rằng:

- Người kia có phải là Nhân huệ vương không.

Nói rồi nhà vua lập tức sai người chở thuyền nhỏ đuổi theo. Khi đến gần, người lính quân hiệu cất tiếng gọi: Ông lái kia, vua sai đòi nhà ngươi.

Nghe vậy, Trần Khánh Dư đáp lại: Ông già là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến.

Người lính quân hiệu nghe vậy về tâu thực như thế với nhà vua. Nghe xong, nhà vua nói:

- Đúng là Nhân huệ vương rồi, nếu là người thường tất không dám nói thế.

Vua lại sai người đi gọi. Trần Khánh Dư đến nơi, trên mình mặc áo ngắn, đầu đội nón lá. Thấy vậy, nhà vua nói:

- Nam nhi cực khổ đến thế là cùng.

Nói rồi nhà vua xuống chiếu tha tội rồi ban cho áo ngự, vị thứ ngồi dưới các vương, trên các công hầu và được cùng bàn việc đánh giặc. Ông có nhiều kế hay, đúng ý vua. Nhà vua cho phục chức cũ, lại phong làm Phó tướng quân.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1288), ông làm Phó tướng trấn giữ vùng cửa khẩu Vân Đồn. Khi cánh quân thủy của bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đến Vân Đồn, ông đem quân chặn đánh, không cản được giặc. Thượng hoàng nghe tin, sai bắt về kinh xử tội. Ông bảo với sứ giả của Thượng hoàng rằng:

- Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn vài ngày để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn.

Theo dự đoán của ông, quả nhiên mấy ngày sau, Trương Văn Hổ dẫn hơn 100 thuyền chở lương thực kéo đến. Ông kéo quân ra đánh và bắt sống được nhiều tù binh cùng lương thực khí giới không kể xiết. Quân Nguyên nghe tin mất hết lương thực, chỉ lo việc rút về, không còn ý chí chiến đấu nữa.

Năm 1323, Nhân huệ vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam). Một lần, ông đi chơi đến vùng Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, ông bèn sai gia nhân đến khai khẩn, lập thành làng mới. Dần dần, người dân kéo đến làm ăn ngày càng đông. Ông đặt tên là trại An Trung. Sau đó, dân các vùng khác tiếp tục đến và lập thêm trại Động Khê và trại Tịch Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng, huyện Ý Yên (Nam Định).

Ông ở lại những nơi mới khai phá này 10 năm. Sau đó, ông trở về ấp Dưỡng Hòa cũ và giao lại các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc. Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ông còn hướng dẫn dân trại Tịch Nhi trồng cây cói và làm nghề dệt cói. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng lập đền thờ ở An Trung, trên nền nhà cũ của ông.

Lời bàn:

Trong số những quý tộc nhà Trần, Trần Khánh Dư là người không chỉ giỏi võ nghệ, lắm mưu lược, lập công lớn về quân sự mà ông còn có đầu óc thực tiễn, biết kinh doanh thương mại. Không chỉ trong thời gian bị bãi chức ông mới làm nghề buôn than để sống, mà ngay cả trong thời gian làm tướng ông cũng kinh doanh. Đây là điểm đặc biệt ở ông và khác với nhiều quan lại đương thời chỉ biết sống nhờ vào chức tước, bổng lộc của triều đình chu cấp, không quan tâm đến sản xuất và kinh doanh, thậm chí còn khinh thường lao động sản xuất.

Và không chỉ giỏi võ, biết kinh doanh, Trần Khánh Dư còn có tài về văn chương. Ông là người viết lời tựa cho cuốn sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Thân làm thượng tướng có tài lại thuộc dòng dõi nhà vua và đã từng lập nhiều công lao, song Trần Khánh Dư vẫn thích sống với nghề buôn bán, làm ruộng và sống với dân để lo cho dân, quả là đáng quý, đáng kính, đáng để hậu thế noi theo.

Kim Ngọc

  • Từ khóa
109376

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu