Thứ 2, 20/05/2024 05:41:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:39, 30/07/2012 GMT+7

Vua sáng gặp tôi hiền

Thứ 2, 30/07/2012 | 09:39:00 500 lượt xem

Theo cuốn sách lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc, Tề Thái Công có tên thật là Khương Thượng, tự là Tử Nha và người đương thời vẫn thường gọi ông là Khương Tử Nha. Ông là bậc khai quốc công thần của nhà Chu ở thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN) và là vị vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu cho đến thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Khương Tử Nha được biết đến như một vị tướng tài vĩ đại và là người góp phần lập nên sự nghiệp nhà Chu kéo dài hơn 800 năm và đây cũng là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến ở Trung Quốc thời cổ đại.

Theo các tài liệu cổ còn lưu truyền đến ngày nay, Khương Thượng là người ở vùng Đông Hải, tổ tiên của ông từng làm chức Tứ nhạc giúp vua Hạ Vũ trị thủy và lập được nhiều công lao to lớn. Sử ký đã xác định tổ tiên ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy tên địa danh Lã làm họ. Ông còn được dân gian và các nhà nghiên cứu lịch sử gọi bằng nhiều tên khác như: Khương Thái Công, Thái Công Vọng.

Vào thời nhà Thương, vì Lã Thượng là con cháu thuộc dòng chi thứ nên dần dần trở thành dân thường. Vì nhà nghèo, nên mặc dù tuổi đã già, nhưng Khương Thượng vẫn thường ngày phải đi câu cá ở sông Vị. Có giai thoại cho rằng, Khương Thượng ngồi câu cá chỉ là cái lý, mà thực chất là ông ngồi suy tính việc cứu dân chúng ra khỏi bàn tay tàn ác của vua Trụ. Chính vì thế mà cần câu của ông không có lưỡi câu và cũng chẳng có mồi nhử cá.

Vào một hôm, thủ lĩnh của bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn và đã gặp Khương Thượng đang câu cá phía bắc sông Vị. Cơ Xương đã đến bên nói chuyện với ông và thấy rất hài lòng, ngưỡng mộ tài năng của ông. Lúc đó, Cơ Xương nhớ lời tổ tiên là Thái Công dặn rằng sẽ có vị thánh đến giúp nước Chu hưng thịnh và điều này cũng ứng với quẻ bói trước khi đi săn. Do đó Cơ Xương quả quyết Khương Thượng chính là người Thái Công mong đợi trước đây và tôn ông làm Thái Công Vọng (nghĩa là người mà Chu Thái Công mong đợi, rồi đón lên xe về cung và tôn ông làm thầy.

Trước đó, Khương Thượng đã từng đi làm quan cho vua Trụ của nhà Thương, nhưng về sau thấy vua Trụ vô đạo nên ông bỏ nhà Thương, rồi đi du thuyết ở khắp các chư hầu nhưng cũng không thành công. Cuối cùng ông sang nước Chu với Tây Bá và giúp Cơ Xương chấn chỉnh nội trị, xây dựng lực lượng để mưu đánh đổ nhà Thương tàn bạo đang trên đà suy vi vì mất lòng dân.

Năm 1124 TCN, thấy chính sự nhà Thương đã rất suy đồi, Cơ Xương cùng Khương Thượng bàn tính xuất quân diệt trừ bạo chúa. Mặc dù trước khi ra trận có xem bói song lại rút phải quẻ xấu, thế nhưng Khương Thượng đã nói dối và khuyên Cơ Xương rằng đó là quẻ lành và cứ ra quân. Cơ Phát tin lời Khương Thượng và nghe theo. Khương Thượng cầm đầu quân đội và hội quân với các nước chư hầu ở bến Mạnh Tân.

Được lòng dân lại được các nước chư hầu đồng tâm hiệp lực theo nhà Chu đánh vua Trụ, đến tháng 2 âm lịch năm 1123 TCN, quân Chu đánh bại quân Thương ở Mục Dã. Dù lực lượng quân Thương đông hơn nhưng do vua Trụ tàn bạo nên quân lính oán ghét, ngả theo bên Chu. Khi Trụ vương thấy toàn quân tan rã, bèn chạy đến Lộc Đài và tự thiêu mà chết.

Lời bàn:

Cứ theo sử cũ thì Khương Tử Nha từ khi mới sinh ra đã là người thông minh lanh lợi, lớn lên ông là người học rộng, biết nhiều và hiểu được thuật an bang trị quốc. Thế nhưng ông lại sinh ra trong thời loạn thế của triều đại nhà Thương. Lẽ ra, ông phải là bậc đại thần của nhà Thương, dưới trướng của vua Trụ Vương. Nhưng vì Trụ Vương hoang dâm vô độ, đam mê tửu sắc, bạo tàn độc ác. Thời ấy, những đại thần tài giỏi nhưng trái ý đều bị Trụ Vương băm thịt, dân sống trong cảnh vô cùng lầm than, triều thần thì hủ bại, chính sự nhiễu nhương... Vì thế, Khương Tử Nha đã chọn cho mình một lối đi riêng là về quê ở ẩn chờ thời phò minh chúa.

Với Chu Công, Khương Tử Nha được trọng dụng và ông đã trở thành khai quốc công thần vào bậc nhất của nhà Chu. Và cũng chính nhờ tài năng của ông mà con cháu nhà Chu nối nghiệp cha ông được hơn 800 năm. Thế mới biết câu nói của người xưa rằng “thần thiêng nhờ bộ hạ” quả là không sai. Và quả đúng là vậy, một ông vua tài mà không có những viên quan tài giỏi ở dưới trướng thì cơ nghiệp khó mà vững bền; một viên quan mẫn tiệp, tài ba nhưng không có người tin dùng thì cũng không có đất để mà thi thố tài năng. Và suy cho cùng, vua nếu không có quan thì cũng chẳng biết làm vua với ai và quan nếu không có dân thì cũng còn biết lấy ai để mà được làm quan. Vì thế, ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu không biết mình là ai và chẳng bao giờ quan tâm tới người khác thì thiên hạ khó có người phục. Mong rằng hậu thế ngày nay không có ai như vậy.

K.C

  • Từ khóa
109372

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu