Thứ 2, 20/05/2024 04:54:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:59, 17/07/2012 GMT+7

Công Cẩn và Khổng Minh

Thứ 3, 17/07/2012 | 14:59:00 1,087 lượt xem

Theo tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”, trong trận Xích Bích, Khổng Minh đến Giang Đông giúp đỡ đại đô đốc của Đông Ngô là Chu Du - Công Cẩn, chống lại mấy chục vạn quân Tào Tháo đang chuẩn bị đánh chiếm Đông Ngô. Chu Du từ lâu biết Khổng Minh là bậc “thiên hạ kỳ tài”, nên từ lâu trong lòng đã nảy sinh ý định rằng nếu để người như vậy sống về sau sẽ là họa cho Đông Ngô và cho chính Chu Du nữa. Vì vậy, Chu Du muốn tìm cách hại ông.

Đầu tiên Chu Du sai Khổng Minh dẫn quân đi cướp trại Tào Tháo nhưng ông đã khéo léo từ chối. Sau đó, Chu Du đã sai Khổng Minh trong 10 ngày phải làm xong 10 vạn mũi tên để Đông Ngô chống quân Tào, nhưng Chu Du lại cố tình dặn thợ vót tên làm chậm nhằm hại Khổng Minh. Nhưng lần này Khổng Minh chẳng những không từ chối mà còn hẹn trong 3 ngày sẽ làm xong. Chu Du thấy thế mừng quá bảo Khổng Minh viết tờ quân lệnh trạng với nội dung: Nếu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử theo quân pháp - tức là chém đầu.

Sau khi ký quân lệnh trạng với Chu Du, Khổng Minh đến tìm mưu sĩ Lỗ Túc của Đông Ngô để mượn 20 chiếc thuyền, mỗi chiếc có chừng ba mươi quân sĩ. Trên mỗi chiến thuyền đều dùng vải xanh làm màn che xung quanh, đồng thời bó thật nhiều cỏ với rơm khô. Được Lỗ Túc nhận lời nên trong hai ngày đầu Khổng Minh không ra khỏi dịch quán mà ở trong cùng Lỗ Túc đánh cờ, uống rượu. Đến ngày thứ ba, vào đầu canh tư, Khổng Minh bỗng bí mật cho mời Lỗ Túc lên thuyền uống rượu rồi lại sai người lấy dây dài buộc hai mươi chiếc thuyền liền lại với nhau, rồi bảo quân nhắm bờ phía Bắc thẳng tới.

Hôm ấy, sương mù rất nhiều và đến đầu canh năm, Khổng Minh tiến sát đến thủy trại của Tào Tháo, rồi sai thủy thủ đánh trống, hò reo ầm ĩ. Sái Mạo và Trương Doãn là tướng của quân Tào thấy sương mù dày đặc sợ có phục binh nên hạ lệnh cho quân sĩ bắn tên ra loạn xạ. Đợi đến gần sáng, Khổng Minh dẫn quân trở về, trên 20 chiến thuyền đã cắm đầy tên của quân Tào, tính ra hơn 10 vạn chiếc. Chu Du trông thấy vô cùng kinh hãi và từ đó tự thấy tài kém Khổng Minh rất nhiều.

Chu Du muốn dùng hỏa công để đánh quân Tào nhưng lại muốn một lần nữa thử tài Khổng Minh nên đã bày ra kế hai người viết chữ ra tay xem có trùng hợp nhau không. Khi cả hai cùng đọ chữ trên tay thì một lần nữa Chu Du phải phục tài Khổng Minh vì có kế sách chống quân Tào giống mình. Tay Khổng Minh khi đó viết chữ “hỏa”, tức là dùng hỏa công để đánh quân Tào.

Kế sách đã có, nhưng mùa Đông ở Đông Ngô khi đó chỉ có gió Tây Bắc thổi ngược về phía quân Ngô mà không có gió Đông Nam thổi về phía quân Tào nên Chu Du lo lắng mà lâm thành bệnh. Khổng Minh biết rõ sự lo lắng của Chu Du đã đến và xin đi cầu gió Đông cho Chu Du nổi lửa đốt trại Tào.

Khổng Minh bảo Chu Du hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân núi Nam Bình, ông sẽ đến đó cầu gió Đông trong ba ngày ba đêm để giúp Chu Du. Lập tức Chu Du sai cất đài như lời Khổng Minh dặn. Khổng Minh lên đàn thắp nhang, làm phép cầu suốt hai ngày mà vẫn chưa có gió. Đến canh hai của ngày thứ ba, gió Đông Nam thổi tới rất mạnh, quân Ngô nhân cơ hội đó châm lửa phóng hỏa đốt sạch chiến thuyền của quân Tào. Sau trận đại bại này, căn bệnh đau đầu của Tào Tháo ngày một nặng thêm.

Lời bàn:

Việc lập đài cầu gió Đông Nam chẳng qua chỉ là hành động phụ thêm của Khổng Minh nhằm qua mắt Công Cẩn, tiện thoát thân, thể hiện sự tinh thông thiên văn, thời tiết... của Gia Cát Lượng. Nhờ “gió Đông Nam của Khổng Minh” mà quân Ngô đại thắng quân Ngụy, Chu Du không bị nỗi nhục mất nước, mất vợ. Theo “Tam quốc diễn nghĩa”, ở Đông Ngô thời đó có hai mỹ nữ nghiêng nước nghiêng thành là hai chị em ruột. Người chị lấy Tôn Quyền, vua của Đông Ngô và người em lấy Chu Du. Trước khi cất quân đánh Đông Ngô, Tào Tháo đã cho xây đài Đồng Tước và thề rằng dẹp tan Đông Ngô và bắt hai người đẹp của Đông Ngô về làm thiếp. Sau này, thi sĩ đại tài của đời Đường là Đỗ Phủ có hai câu thơ rằng: “Gió Đông nếu chẳng vì Công Cẩn; Đồng Tước đêm xuân khóa Nhị Kiều”.

Tuy nhiên, điều đọng lại ở giai thoại này mà người xưa muốn lưu lại cho hậu thế là tấm lòng trung trinh của Gia Cát Lượng đối với Lưu Bị và độ lượng, vị tha đối với Chu Du - một người có tài nhưng ích kỷ, hẹp hòi. Thế mới hay rằng, người có tài mà không có đức thì không làm nên nghiệp lớn và ngược lại có đức mà không có tài thì cũng như không, thậm chí lại còn rước họa vào thân. Vì như Chu Du trong giai thoại này, chỉ vì sự đố kỵ với Khổng Minh rồi tức mà chết và đến khi chết vẫn còn chưa hết ghen tức nên ông đã thốt thành lời rằng: “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng?”. Và chỉ riêng câu này cũng đã quá đủ để hậu thế phải suy ngẫm.

Gia Bảo

  • Từ khóa
109371

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu