Thứ 2, 20/05/2024 19:14:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 06:47, 20/02/2020 GMT+7

Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 2

Tấn Phong
Thứ 5, 20/02/2020 | 06:47:00 145 lượt xem
BPO - Sau 2 đêm 1 ngày vượt hơn 340 hải lý, tàu kiểm ngư 490 đưa đoàn công tác đến vùng biển đảo Song Tử Tây. Đây là hòn đảo tiền tiêu nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa, nơi hội tụ của 2 dòng hải lưu nên sóng biển to, thường xuyên ở cấp 5-6. Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146, trưởng đoàn công tác phía Bắc quần đảo Trường Sa nói: Nếu vào được Song Tử Tây thì nhiệm vụ của đoàn đã hoàn thành khoảng 60-70%. Quả thật, lời nói của vị trưởng đoàn không sai chút nào. Tuy nhiên, trái ngược với cảnh sóng biển gào thét bên ngoài, cuộc sống của quân, dân xã đảo Song Tử Tây rất đỗi bình yên.

SỨC SỐNG MỚI Ở SONG TỬ TÂY

Tối 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra Mật lệnh 990B/TK về việc giải phóng Trường Sa. Sau thời gian chuẩn bị, 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, quân ta nổ súng tấn công quân thù tại Song Tử Tây, đảo đầu tiên trong chiến dịch giải phóng Trường Sa. Sau 30 phút tấn công như vũ bão, cờ cách mạng đã tung bay trên đảo Song Tử Tây, toàn bộ quân ngụy hạ vũ khí đầu hàng... 45 năm sau ngày giải phóng, quân và dân xã đảo đã ra sức xây dựng Song Tử Tây với sức sống mới, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển.

Điểm tựa nơi tiền tiêu

Tàu kiểm ngư 490 to lớn không vào được âu thuyền của Song Tử Tây nên đậu cách đảo khoảng 5 hải lý (9,3km). Trong khi đó, sóng biển cấp 5-6 nên việc chuyên chở bộ đội, đoàn công tác và hàng hóa vào đảo rất khó khăn, nhất là những hộ dân vừa vào thăm người thân trên đất liền trở lại đảo. Thuyền trưởng Lê Văn Chung báo cáo với trưởng đoàn công tác dời thời gian “đổ bộ” vào đảo. Trên đài chỉ huy, Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146, trưởng đoàn công tác phía Bắc quần đảo Trường Sa phát tín hiệu cho tàu kiểm ngư Vạn Hoa (trọng tải 400 tấn) đang tuần tra gần đó đến hỗ trợ. 

Trường tiểu học xã Song Tử Tây được đầu tư xây dựng khang trang

Sau gần một buổi sáng, 50 nhà báo và đoàn công tác được đưa sang tàu Vạn Hoa an toàn để vào đảo, còn hàng hóa cùng bộ đội di chuyển sau. Tàu Vạn Hoa ngụp lặn trong những con sóng “hỗn xược” chở đoàn công tác vào âu thuyền Song Tử Tây. Âu thuyền Song Tử Tây ngoài nhiệm vụ neo đậu, trú bão cho tàu thuyền của ngư dân, còn là vị trí phòng thủ vững chắc cho đảo. Vì vậy, ngoài những bãi cọc chống đổ bộ, quanh âu thuyền còn có đá san hô, những khối bê tông ngầm nên đường vào cũng chông gai không kém. Bởi sóng biển rất dễ đưa tàu lên bãi cọc chống đổ bộ hay va vào bê tông ngầm. Thượng tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: Mùa biển động năm 2017, thuyền cá của ngư dân vào tránh bão nhưng do chủ quan nên nhiều chiếc đã bị mắc cạn, có chiếc bị sóng đánh vỡ làm chết 2 người. Nhiều tàu bị mắc cạn buộc phải phá dỡ chỉ để lấy máy móc, thiết bị chở về đất liền.

Do có kinh nghiệm, tàu Vạn Hoa đã chạy vòng ra biển để dễ dàng vào âu thuyền nên mọi việc diễn ra khá suôn sẻ.

Bình yên trên đảo nhỏ

Từ boong tàu kiểm ngư 490 nhìn vào, đảo Song Tử Tây như một khu rừng nhỏ nổi lên giữa đại dương xanh thẳm. Thấp thoáng giữa rừng cây là ngọn hải đăng cao vút và những tòa nhà cao tầng, tượng đài Trần Hưng Đạo sừng sững giữa bầu trời xanh lộng gió. 2 trạm radar như 2 quả bóng khổng lồ màu trắng nằm một góc đảo, ai cũng nghĩ đây là một thành phố xanh chứ không phải Trường Sa xa xôi.

Đón chúng tôi tại cầu cảng, Thượng tá Đậu Đình Dân: Những năm qua, đảo được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất. Trong đó, hệ thống giao thông được bê tông hóa, điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, gió, hệ thống thu gom nước mưa được đầu tư nên đủ dùng. Nhà cửa của người dân, trụ sở làm việc được xây dựng khang trang diện mạo xã đảo Song Tử Tây đã thay đổi nhanh chóng. Đời sống vật chất, tinh thần của quân, dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, xã đã làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi ngỡ ngàng bởi khung cảnh thanh bình trên đảo. Những con đường bằng bê tông thẳng tắp nép mình dưới tán bàng vuông, cây phong ba mát rượi. Đảo có trạm khí tượng hải văn, bệnh xá, sân bóng đá, bóng chuyền, nhà truyền thống, cung văn hóa, trường tiểu học, vườn rau sạch... Chùa Song Tử Tây được xây dựng sát mép biển ngày đêm trầm mặc trong tiếng cầu kinh của sư trụ trì. Đêm đến, Song Tử Tây lung linh dưới ánh điện của đèn đường, đèn từ các tòa nhà, tiếng trẻ con học bài... càng làm không gian thêm ấm cúng như ở đất liền, không còn cảm giác của đảo nhỏ giữa trùng khơi. Ghé thăm một số nhà dân trên đảo, họ từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa ra lập nghiệp trên đảo. Hằng ngày, chồng đánh bắt hải sản, còn vợ ở nhà nội trợ, trồng rau và chăn nuôi.

Thượng tá Đậu Đình Dân cho biết thêm, chủ động được nước ngọt nên việc tăng gia sản xuất trên đảo ngày càng hiệu quả từ nhà lưới, rau sạch, nhờ đó bữa ăn của bộ đội và người dân trên đảo đã cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, trên đảo còn nuôi được bò, heo, gà, vịt nên đảm bảo một phần nhu cầu thực phẩm.

Nghĩa tình Song Tử Tây

Năm 2011, chị Nguyễn Thị Lan (SN1987, quê huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vào Bình Dương làm công nhân và nên duyên cùng anh Ngô Thành Được (SN1987, quê huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Cuộc sống vất vả, anh Được bàn với vợ về Cam Ranh thuê mặt nước làm đìa nuôi tôm. Thế rồi như duyên định, vợ chồng anh Được quyết định bán đìa tôm ra Song Tử Tây lập nghiệp. Đến nay, gia đình nhỏ của anh chị đầy ắp tiếng cười với 2 con, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ học lớp 1, Trường tiểu học Song Tử Tây. Chị Lan cho rằng sự lựa chọn của hai vợ chồng ra đảo là hoàn toàn đúng đắn. Với 2 con, sau khi học hết bậc tiểu học, chị sẽ gửi về đất liền học tiếp cấp 2, cấp 3... Mấy tháng nghỉ hè vừa rồi, 2 cháu theo các chú bộ đội về thăm ông bà nội và trở lại đảo để đi học.

Rất khó diễn tả hết cảnh khó khăn khi đưa người, hàng hóa từ tàu kiểm ngư 490 sang tàu Vạn Hoa để vào đảo. Bởi tàu kiểm ngư 490 to như một con voi đang lồng lộn và phải “né tránh móng vuốt của con mèo rừng là tàu Vạn Hoa cào cấu”. 2 chiếc tàu (một to, một nhỏ) cứ va vào nhau, lúc trồi lên, khi sụp xuống không theo một quy luật nào vì sóng biển, chỉ sơ suất nhỏ là hậu quả lớn sẽ xảy ra. Thiếu tá Đoàn Văn Duân (SN1983), Chính trị viên tàu kiểm ngư 490 nói như thét “Chờ thời cơ. Bước dứt khoát” át cả tiếng gió biển...

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (SN1982, quê Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tình nguyện ra đảo dạy học đã gần 3 năm nay. Vì còn độc thân nên ngoài giờ dạy, thầy dành thời gian sinh hoạt văn nghệ, dạy múa cho học sinh. Thầy Phú cho hay, học sinh ở đây có đầy đủ phương tiện học tập. Các em rất ngoan, lễ phép, chăm học và hiếu khách. Nói về sự lựa chọn của mình, thầy Phú bày tỏ ý định muốn ở lại cống hiến lâu dài hơn tại xã đảo. Cùng tình nguyện ra đảo có anh Mấu Quốc Thịnh (dân tộc Rắc Lây, SN1992, quê huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), Chủ tịch UBMTTQVN xã đảo Song Tử Tây được 2 năm và chưa có dịp về đất liền. Anh Thịnh cho hay: Tuy sống ở đây chưa lâu nhưng tôi cảm nhận rất rõ dấu ấn nghĩa tình của quân, dân trên đảo. Những ngày mưa bão, chúng tôi cùng bộ đội sẵn sàng trực chiến để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Những năm qua, quân và dân xã đảo Song Tử Tây đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân, là nơi trú ẩn tàu thuyền, tiếp tế nước ngọt, dầu diesel, sửa chữa tàu thuyền và khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân khi gặp sự cố. Quân, dân trên đảo sống đoàn kết, thường xuyên giúp đỡ nhau. Chúng tôi cùng với Ban chỉ huy đảo luôn duy trì họp dân hằng tháng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để kịp thời giải quyết nên người dân luôn tin tưởng.

Thời gian lưu lại trên đảo không nhiều nhưng những câu chuyện ngày tết, ngày thường về cuộc sống, sinh hoạt của quân, dân xã đảo Song Tử Tây thêm thấm đẫm nghĩa tình. Chính điều đó đã làm Song Tử Tây không còn xa cách với đất liền mà trở nên gần gũi, thân thiết đối với hàng triệu trái tim Việt Nam cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.

  • Từ khóa
111456

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu