Thứ 7, 27/04/2024 12:34:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:03, 21/06/2020 GMT+7

Tác nghiệp ở Trường Sa

Tấn Phong
Chủ nhật, 21/06/2020 | 09:03:00 512 lượt xem
BPO - Là người làm báo ở Bình Phước, với tôi chuyến hải trình vô cùng đặc biệt này là một trải nghiệm thú vị. Trường Sa hôm nay đúng như lời của một bài hát “không xa đâu Trường Sa ơi”…

Kỷ niệm khó quên

Đúng hẹn theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh hải quân, 140 nhà báo khắp mọi miền đất nước, từ các tỉnh cực Bắc của Tổ quốc đến miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long hội tụ về Vùng 4 hải quân để theo tàu ra Trường Sa tác nghiệp. Khách sạn Trường Sa, thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) trong những ngày này rộn ràng bước chân của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Bữa cơm đầu tiên tại khách sạn, mọi người đã nhanh chóng xua tan sự e ngại ban đầu để vồn vã làm quen. Bởi ai cũng biết rằng, sẽ có những ngày dài gắn bó với nhau trên biển cả nên tất cả mọi người đều phải xóa tan khoảng cách để cùng phối hợp tác nghiệp. Theo kế hoạch, chuyến đi kéo dài 20 ngày nếu biển êm sóng lặng, nếu thời tiết xấu, biển động thì sẽ lên tới 25 ngày hoặc lâu hơn nữa...

Tác giả (bìa phải) đang tác nghiệp tại đảo Nam Yết

Sau ba hồi còi tạm biệt đất liền, 3 chiếc tàu hiện đại nhất Việt Nam chở 140 phóng viên và các đoàn công tác của Lữ đoàn 146 cùng hàng ngàn chiến sĩ chia làm ba hướng tiến ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Đoàn tàu 3 chiếc gồm: kiểm ngư 490 đi ra hướng Bắc, kiểm ngư 491 về phía Nam và tàu Hải quân 461 đi vùng giữa quần đảo Trường Sa. Trong 3 chiếc này thì hai tàu kiểm ngư 490 và 491 được xếp vào loại hiện đại nhất nước hiện nay. Mỗi tàu có trọng tải 2.400 tấn, dài 90,05m, rộng 14m và 5 tầng sử dụng. Toàn tàu có 199 giường ngủ nhưng khi cần có thể chuyên chở 400 người. Tàu do Công ty đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) sản xuất và hạ thủy vào tháng 7-2014, theo công nghệ của Tập đoàn Damen (Hà Lan).

Đại úy Lê Văn Chung (SN 1987), thuyền trưởng tàu kiểm ngư 490 cho biết: Nhờ thiết kế hiện đại nên tàu có thể hoạt động 40 ngày trên biển và chịu được bão biển trên cấp 10. Theo đại úy Chung, tàu kiểm ngư 490 thường xuyên chuyên chở hàng hóa, cán bộ, chiến sĩ và các đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ. Đại úy Chung không thể nhớ hết số lần mình cùng tàu 490 ra đảo, nhưng ấn tượng nhất là thời điểm sóng to gió lớn, nhiều thành viên trong đoàn bị say sóng đến gần như kiệt sức. Nhưng khi đặt chân lên mỗi hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì mọi người như được tiếp thêm sức mạnh nên ai cũng có một nghị lực phi thường. “Kiều bào ta ở nước ngoài khi đến Trường Sa ai cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự bình yên của biển đảo. Bà con yêu mến, tin tưởng, sẻ chia với khó khăn của cán bộ chiến sĩ trên từng điểm tựa giữa trùng khơi... Nét mặt ai cũng rạng ngời và càng vững tin hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí chiến đấu của bộ đội Trường Sa trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”,  Đại úy Lê Văn Chung nói.

Bồng bềnh trên ngọn sóng

Đoàn tàu rời quân cảng vào một buổi chiều tà, mặt vịnh Cam Ranh lặng sóng, khung cảnh rất nên thơ. Thế nhưng, khi vừa ra khỏi ngoài cửa vịnh, hàng ngàn con sóng bắt đầu bủa vây, xô đẩy, con tàu bắt đầu chòng chành. Càng ra xa, tàu càng chao đảo, mọi người trên tàu bắt đầu chuếnh choáng, tìm cách bám vào bất cứ vật gì có thể bám được để di chuyển, biểu hiện say sóng dường như đến nhanh hơn.

Ca nô đưa đoàn phóng viên từ tàu kiểm ngư 490 vào đảo tác nghiệp

Sau một hồi bị sóng dồi, các nữ phóng viên Lan Phương (Báo Điện Biên Phủ); Mộc Miên (Đài PT-HT Bình Dương); Khánh Chi (Báo Tuổi trẻ), Ngọc Ánh (Đài PT-TH Khánh Hòa)... và nhiều đồng nghiệp nam đã bỏ luôn bữa cơm chiều. Người đi lại chao đảo, bồng bềnh như đang bay lượn trên ngọn sóng biển.

Đêm, càng ra xa đất liền, biển một màu đen kịt, sóng và gió vẫn gào thét. Con tàu kiểm ngư 490 vẫn đè sóng lướt tới. Nhiều con sóng hỗn xược tràn lên mũi tàu. Những chú cá chuồn thấy động, phóng mình lên cao cả chục mét rơi ngay vào sàn tàu. Nhiều chiến sĩ ôm đàn lên boong ngồi hát. Nhiều người lính trẻ háo hức “đàm đạo” chuyện Trường Sa, chuyện quê hương, làng xóm. Cánh phóng viên bắt đầu tác nghiệp. Xuân Hùng, phóng viên quay phim của Đài PT-TH Thái Nguyên được cử ghi hình trên tàu. Thế nhưng, do “sóng dập gió dồi” nên mỗi thước phim quay được là những kỳ tích. Để tác nghiệp, Xuân Hùng phải ngoéo chặt chân vào những nơi có thể bám trụ hoặc là phải có hai người giữ.

Nguyễn Hồng Quang, Biên tập viên Đài PT-TH Hà Giang tâm tình: “Quê tôi tận cực Bắc của Tổ quốc, nay được ra tác nghiệp tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc, tôi sẽ dành hết thời gian để ghi lại những hình ảnh sinh động nhất tuyên truyền cho nhân dân Hà Giang hiểu và cảm phục được ý chí, nghị lực của bộ đội trên đảo”.

Khánh Phúc, phóng viên Báo Lâm Đồng chia sẻ: Đây là lần thứ 2 tôi ra với Trường Sa. Rút kinh nghiệm lần đi trước tôi cố gắng ăn hết phần cơm của mình để có sức chống chọi với sóng biển.

Một nhóm phóng viên tác nghiệp trên đảo Sơn Ca

Để tác nghiệp, ngoài chiếc máy ảnh Canon chuyên dụng, Phúc còn mang theo hai chiếc Iphone 7 để chụp ảnh bộ đội Trường Sa. Phúc kể: “Thủ trưởng của tôi căn dặn ra được Trường Sa là phải có tác phẩm thể hiện được tình cảm với biển đảo quê hương, với cán bộ chiến sĩ đang ở đầu sóng ngọn gió”…

Đêm đầu tiên trên tàu kiểm ngư 490, trừ những người say sóng, còn lại chúng tôi hầu như kể cho nhau nghe những dự định của mình sẽ làm những gì sau mấy mươi ngày thăm đảo. Hết chuyện thì ngắm biển trời thân yêu của Tổ quốc, ngắm những dàn đèn câu mực, những con tàu của ngư dân ta tự do đánh cá trên biển.

Lên đảo say đất

Sau hai đêm một ngày bồng bềnh trên ngọn sóng, mọi người đã dần quen với hoàn cảnh. Vì vậy, khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, ai cũng có cảm giác cây cối, nhà cửa gần như bị nghiêng ngả. Cảm giác vừa đi vừa tìm kiếm lan can, vật cản để vịn vào là có thật.

Dưới gốc cây bàng vuông, bộ đội Song Tử Tây đặt mấy bình trà cho cánh phóng viên lên giải khát. Phóng viên Khánh Chi, Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cầm ly nước trên đất liền mà cảm giác như chao đảo trên tàu, làm ly nước đổ ướt hết áo. Alê Khăm, Biên tập viên Đài PT-TH KonTum không hiểu chuyện gì đang diễn ra khi anh tắm, vòi nước hoa sen đang mở mà chỉ vài giọt dính vào người, cả buổi mới ướt được thân mình. Khăm cảm nhận, phòng tắm đang quay cuồng như lúc bị sóng dồn. Trong bữa cơm tối, mọi người mang chuyện ra kể, Thượng tá Đậu Đình Dân, chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây nói: Đó là hiện tượng say đất. Khi trên tàu mọi người phải nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh gió dập, sóng dồi, tàu chao lượn nên khi vào đảo hay đất liền thì cảm giác này sẽ đi theo một vài ngày.

Trên các đảo, cánh phóng viên chúng tôi chia nhau tác nghiệp. Người phỏng vấn bộ đội, người ghi hình cảnh chăn nuôi, người thì đến vườn rau, giếng nước.... Tối về tàu, tất cả dồn lên boong trao đổi thêm cho nhau về những thông tin vừa nắm bắt được. Biên tập viên Mộc Miên, Đài PT-TH Bình Dương kể: “Ông xã tôi công tác tại đài và đã ra Trường Sa một lần. Về, anh ấy kể những điều về cuộc sống, chiến đấu và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo rất thú vị nên tôi xin đi”. Nay tận mắt chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Mộc Miên cho biết cô rất cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của những người lính Trường Sa trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. “Trở về đất liền, tôi sẽ viết nhiều tác phẩm báo chí hơn nữa để tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể xã hội ủng hộ vật chất và tinh thần hướng về Trường Sa, để người lính biển vững chắc thêm tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thân yêu”, Mộc Miên nói.

Phóng viên Ngọc Ánh, Đài PT-TH Khánh Hòa tác nghiệp trên đảo Nam Yết

Phóng viên của Đài PT-TH và Báo Bình Phước đang phỏng vấn bộ đội Trường Sa

Trường Sa hôm nay đã thay đổi rất nhiều, nhất là các đảo ở phía Bắc không còn khó khăn thiếu thốn như trước nữa. Các đảo đều có điện năng lượng mặt trời, điện gió. Nước ngọt, rau xanh trên đảo đủ dùng quanh năm, gà vịt, heo và cả bò được nuôi để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ngày mưa bão hay lúc biển động, các đảo không còn cảnh phải chằng néo nhà cửa như trước nữa. Bởi những năm qua, cả nước đã hướng về biển đảo, cùng chung tay góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở kiên cố trên các đảo. Các địa phương như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Phước, các Tập đoàn kinh tế như Viettin bank, Agribank... đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình trên đảo như nhà ở, trung tâm văn hóa, hội trường, thư viện... Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện các dự án năng lượng mặt trời, điện gió; Viettel phủ sóng điện thoại...

Hướng về biển đảo Tổ quốc là những tình cảm chân thành và thiêng liêng của nhân dân cả nước. Đất liền luôn hướng về đảo xa, luôn vững tin bộ đội Trường Sa trong việc vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền từng tấc đất, từng điểm đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Niềm tin ấy luôn được thể hiện qua những chuyến tàu nối liền Trường Sa với đất liền, qua những lá thư của các em học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc, những cành đào, chậu quất đến từ đồng bằng Bắc Bộ. Những túi đất đỏ bazan của cao nguyên lộng gió, những giò phong lan đến từ Lâm Đồng, cây lá giang của Bình Định... đã làm cho khoảng cách giữa đất liền với Trường Sa đã trở nên gần gũi hơn.

Chiến sĩ Trường Sa đọc thư của các em học sinh Thái Nguyên gửi đến

Người lính trên đảo luôn được ngư dân vào thăm, được nói chuyện với người thân qua điện thoại của đơn vị;  xem truyền hình các tỉnh, thành; nghe thời sự qua đài Tiếng nói Việt Nam; bữa ăn có đầy đủ rau, thịt... có cảm giác như Trường sa đang ở rất gần.

Bỗng dưng trong số chúng tôi, nhiều người đồng thanh cất cao tiếng hát

“Trường Sa ơi bên đảo quê hương
Vẫn đứng hiên ngang giữa sóng cồn bảo dạt
…Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi
Không xa đâu Trường Sa ơi
Không xa đâu Trường Sa ơi…

  • Từ khóa
111482

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu