Thứ 2, 20/05/2024 21:20:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:22, 20/11/2018 GMT+7

Khai thác và sử dụng tài nguyên biển

Thứ 3, 20/11/2018 | 14:22:00 84 lượt xem

BP - Khai thác và sử dụng tài nguyên biển hiệu quả là vấn đề đã được Nhà nước ta đặt ra từ nhiều năm qua. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) nêu rõ quan điểm: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển...”. Nghị quyết đề ra chủ trương, nhiệm vụ xây dựng phát triển 4 vùng biển và ven biển trọng tâm nhằm “bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển”.

Bài viết này đề cập vài nét về việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển thời gian qua.

HIỆU QUẢ KHAI THÁC BIỂN

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác biển, vùng ven biển bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô, hiệu quả kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề thay đổi với sự xuất hiện các ngành kinh tế, dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Vùng biển và ven biển đóng góp lớn vào xuất khẩu, chủ yếu là sản phẩm dầu khí và thủy sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển,... bước đầu đã có sự đóng góp cho nền kinh tế. Đến nay, cả nước đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển, vận tải, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học. Tại một số đảo, kinh tế - xã hội đã có bước phát triển rõ nét. Hiện nay, trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống, với gần 200 ngàn người có đời sống bảo đảm tốt. Kết cấu hạ tầng trên các đảo được đầu tư, hình thành hệ thống giao thông thuận lợi. Với sự nỗ lực lớn của Nhà nước, nhiều đảo đã có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Một số đảo đang phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý...

Tàu đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)Tàu đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

 Hệ thống quản lý nhà nước thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương đã được thiết lập. Các chính sách, pháp luật về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế về biển và ký một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực.

VÀ NHỮNG HẠN CHẾ

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển kinh tế và bảo tồn tính bền vững của biển vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng chỉ rõ: “Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn nhiều bất cập...”.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển chưa đầy đủ. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hạ tầng cơ sở các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp. Các cảng biển thiếu hệ thống đường bộ cao tốc nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp và sân bay. Tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững do khai thác tự phát. Phương thức khai thác biển của ngư dân chủ yếu vẫn là đầu tư sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Khai thác chỉ chú trọng đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của tài nguyên biển. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền loại nhỏ và đánh bắt tận diệt. Đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo kiểu “điền tư, ngư chung” nên dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Cùng với đó, những năm gần đây, môi trường biển đang biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các con sông và vùng ven đổ ra biển. Một số khu vực biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với diện rộng. Sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016 là bài học đắt giá cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường của nước ta.

Từ thực tế những tồn tại hiện nay, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng đề ra các chủ trương lớn và những khâu đột phá cùng 7 giải pháp chủ yếu để phấn đấu đến năm 2030 “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển...”. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của các tỉnh, thành có biển mà là của toàn dân ta. (*) 

Đức Hồng

(*) Nguồn Nghị quyết số 36-NQ/TW và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

  • Từ khóa
111356

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu