Thứ 2, 20/05/2024 21:20:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:33, 07/08/2018 GMT+7

Để mọi người hiểu về chủ quyền biển, đảo

Thứ 3, 07/08/2018 | 14:33:00 116 lượt xem

BP - Ngày 28-7-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 930/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu của đề án nhằm giúp người dân được cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng về biển, đảo Việt Nam. Đồng thời, đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho nhân dân các địa phương ven biển trong việc khai thác, sử dụng và gìn giữ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Đây là đề án rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

PHÁP LUẬT VỀ BIỂN, ĐẢO

Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài 3.260km, với các vùng biển và thềm lục địa khoảng 1 triệu kilômét vuông, gần 3.000 đảo nằm rải rác trên biển Đông trải từ Bắc vào Nam, gồm các đảo ven bờ và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm giữa biển. Biển và đảo Việt Nam có vai trò quan trọng về kinh tế, quân sự, chính trị... Vì vậy, lịch sử phát triển của nước ta luôn gắn chặt với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền. Theo luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các tuyên bố, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được ban hành trong mấy chục năm gần đây, Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển và hải đảo của mình với các chế độ pháp lý khác nhau. Nếu tính từ đất liền của quốc gia ven biển hướng ra biển khơi, tuần tự có các vùng biển: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển quốc tế và đáy biển, lòng đất dưới đáy biển quốc tế. Rải rác ven bờ hay ngoài biển khơi có các đảo, quần đảo nhô lên trên mặt nước. Về nguyên tắc, nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là 3 vùng biển thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Còn lại vùng biển cả ngoài phạm vi ấy là biển tự do, không một quốc gia nào có quyền xác lập chủ quyền đối với bất cứ bộ phận nào của biển.

Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức quản lý biển, đảo có hiệu quả; đồng thời xác định chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của đất nước. Các văn bản ấy về cơ bản phù hợp với những quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Đặc biệt, ngày 21-6-2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối. Những văn bản pháp luật về biển, đảo đã góp phần xây dựng quy chế pháp lý thể hiện quyền lợi chính đáng của nước ta; mở ra triển vọng thúc đẩy sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, thịnh vượng.

NHỮNG ĐIỂM NHẤN CỦA ĐỀ ÁN

Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt lần này tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo; các văn bản pháp luật quốc tế, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan đến biển, đảo. Những chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam. Tuyên truyền về phát triển kinh tế biển, đảo, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế đảo, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; bảo vệ môi trường; giáo dục cho ngư dân về các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản... Theo đề án, tuyên truyền về biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và trong từng bối cảnh cụ thể. Các giải pháp thực hiện đề án đều được triển khai định kỳ hằng năm, nhằm làm cho mọi người dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Phấn đấu 90% giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, Địa lý trong các trường THPT, THCS; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản Trung ương và địa phương; cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo Việt Nam. 100% học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT, THCS được cung cấp thông tin, kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111344

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu