Thứ 2, 20/05/2024 17:11:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:04, 26/12/2017 GMT+7

BIỂN ĐẢO CÁT BÀ - khu dự trữ sinh quyển thế giới

Thứ 3, 26/12/2017 | 13:04:00 396 lượt xem

BP - Ngày 26-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển (KBTB) Việt Nam đến năm 2020. Hiện nay, trên các vùng biển đảo nước ta đã có nhiều KBTB được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, trong đó có KBTB Cát Bà. Biển đảo Cát Bà là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới có giá trị toàn cầu, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. Với những giá trị to lớn về đa dạng sinh học, Cát Bà đã được Chính phủ ra quyết định lập Vườn quốc gia năm 1984; thành lập KBTB quốc gia năm 2010; danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2012 và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004.

Cát Bà thuộc thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; là một quần đảo có tới 366 đảo lớn, nhỏ. Đảo chính là Cát Bà rộng khoảng 100km², cách cảng Hải Phòng 30 hải lý, tiếp nối với vịnh Hạ Long, tạo nên một quần thể đảo và hang động trên biển rất đẹp. Diện tích Vườn quốc gia Cát Bà được quy hoạch 15.200 ha, trong đó có 9.800 ha rừng và 4.200 ha biển. Thống kê cho thấy, tại đây có tới 130 loài được xác định là các loài quý hiếm, được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có 76 loài trong danh mục quý hiếm của IUCN, 21 loài đặc hữu. Đặc biệt loài voọc Cát Bà hiện nay chỉ còn một quần thể với 63 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà. Ngoài các loài thú, còn có nhiều nhóm động vật độc đáo và nguy cấp khác cư trú trên đảo. Hệ sinh vật biển của quần đảo Cát Bà cũng hết sức phong phú, đến nay đã phân loại được 177 loài san hô, trong đó có 166 loài san hô cứng và 11 loài còn lại thuộc nhóm các bộ san hô bò, san hô mềm, san hô sừng. Bên cạnh đó, vùng biển Cát Bà còn là nơi sinh sống và phát triển của 196 loài cá biển, 102 loài rong biển, 131 loài động vật phù du, 400 loài thực vật phù du và 658 loài động vật đáy.

 

Một góc khu bảo tồn biển Cát Bà - Ảnh TLMột góc khu bảo tồn biển Cát Bà - Ảnh TL

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tại khu vực Cát Bà, các nguồn lợi quan trọng đang trong tình trạng giảm sút nghiêm trọng, nhất là một số loài phổ biến như tu hài, vẹm xanh... trở nên khan hiếm, cũng như các rạn san hô phát triển nghèo nàn. Nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này là do quá trình lắng đọng trầm tích, bởi đảo Cát Bà gần cửa các con sông lớn. Môi trường nước thuộc khu vực này chịu tác động mạnh mẽ của khối nước lục địa, các rạn san hô và vùng đảo xung quanh đảo bị phù sa bồi lắng, bao phủ. Thêm vào đó là số lồng bè nuôi cá ở Cát Bà đã tăng lên nhanh chóng, hiện đã vượt xa dự kiến trong quy hoạch đến năm 2020. Với mật độ các lồng bè dày đặc như hiện nay, rác thải sinh hoạt hằng ngày từ nuôi trồng thủy sản đã làm ô nhiễm nguồn nước.

Từ thực trạng đó, các nhà khoa học cho rằng để khắc phục tình trạng xâm hại nguồn lợi hải sản và phát huy những lợi thế về đa dạng sinh học biển trong sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đảo Cát Bà, cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ cấp bách. Theo đó, tăng cường sự quản lý KBTB, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các chế tài quản lý, bảo vệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi rạn san hô, cũng như phát triển các loại sinh vật quý hiếm đang bị đe dọa. Chính quyền cùng Ban quản lý KBTB, Vườn quốc gia Cát Bà cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, cải thiện năng lực người dân địa phương đối với bảo tồn và phát triển các nguồn lợi hải sản. Ngành chức năng thiết lập kế hoạch, thực hiện giám sát, sử dụng bền vững nguồn lợi từ biển và ven bờ, khuyến khích cư dân ven biển tham gia quản lý nguồn lợi mà họ đang thụ hưởng. Đồng thời, triển khai các chương trình thả, nuôi san hô nhân tạo, trồng phục hồi san hô cứng tại các vùng suy thoái; bảo tồn và khôi phục những loài có giá trị kinh tế cao, quý hiếm trong tự nhiên. Qua đó tiếp tục xây dựng Cát Bà thành điểm sáng về “thương hiệu” biển đảo của Việt Nam.  

Đức Hồng

  • Từ khóa
111308

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu