Thứ 2, 20/05/2024 19:26:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:36, 09/09/2015 GMT+7

Những vọng gác nơi đầu sóng ngọn gió

Thứ 4, 09/09/2015 | 07:36:00 240 lượt xem
BP - Nhà giàn trên biển (viết tắt là DK), là ký hiệu cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa của Việt Nam. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật, là công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. DK1 là những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất; phía gần đất liền hơn là hệ thống nhà giàn DK2. Giữa trùng khơi sóng gió, nhà giàn sừng sững, chân cắm sâu vào lòng biển được xem là vọng gác, những “con mắt thần” trên biển Đông.

Nhà giàn thế hệ thứ 3 và thứ 2 - Ảnh Tư liệu

Xây dựng trên nền san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét, những nhà giàn được đánh giá là công trình phi thường, chưa từng có trên thế giới. Đây là cột mốc sống, tạo thành phên giậu, khẳng định chủ quyền của đất nước trên biển Đông. Công trình nhà giàn là kết quả tổng hợp từ sức mạnh của các nhà khoa học, các trung tâm tính toán công trình biển cả nước. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển thông báo cho tàu thuyền đánh cá, vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú, tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà giàn là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc; bảo vệ bình yên cho ngư dân khai thác tài nguyên trên biển.

Ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần trụ giữa biển Đông được hoàn thành. Tiếp sau đó, công trình DK1/1 được thi công tại bãi Tư Chính ngày 27-6-1989. Hai công trình DK1/3, 4 do Bộ Giao thông - Vận tải thiết kế, xây dựng năm 1989 với phần hạ tầng bằng phương án trọng lực. Nối tiếp thành công của những nhà giàn đầu tiên, đơn vị thiết kế và thi công rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng thành công các nhà giàn tiếp theo. Công trình DK1 sau được thiết kế thấp hơn để tránh bị rung lắc khi sóng to và có bãi đáp máy bay trên nóc nhà. Các nhà giàn từ chỗ không có điện đến có điện bằng năng lượng mặt trời và có thiết bị thu sóng vô tuyến... DK1/5 và 6 tiếp tục được xây dựng ở đảo ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên. Khi thi công hai nhà giàn này, bộ đội ta đã phải đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, các nhà giàn tiếp nối từ DK1/7 đến DK1/21 được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường đến Cà Mau. Là công trình xây dựng trên bãi đá ngầm ở biển nên ngoài việc chống ăn mòn, nhóm thiết kế và thi công phải luôn luôn kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ. Mới đây, nhà giàn Phúc Nguyên DK1/15 mới được xây dựng bên cạnh nhà giàn cũ. Đây là nhà giàn thế hệ thứ ba, kết cấu vững chắc, liên hoàn, có diện tích khoảng 250m2. Sự vượt trội của nhà giàn mới so với nhà giàn xây dựng trước đó là hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nhiều gấp 3 lần. Mùa mưa bão không có ánh mặt trời hoặc sương mù, các chiến sĩ vẫn có điện để dùng. (*)

Ngày 5-7-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra chỉ thị về việc xây dựng cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nhằm nghiên cứu điều kiện hải văn, đồng thời xác định chủ quyền Việt Nam đối với thềm lục địa gần khu vực quần đảo Trường Sa. Đến nay sau 26 năm đã có 20 nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam. Hiện có 15 nhà giàn đang sử dụng, trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, 4 nhà giàn có hải đăng, 1 nhà giàn có trạm quan sát khí tượng. DK1 hiện đã có 15 nhà giàn hiện diện vững chắc trên các bãi ngầm Tư Chính, Huyền Trân, Phúc Nguyên... Có 14 nhà giàn ở khu vực giáp với vùng biển Trường Sa và 1 nhà giàn (DK1/10) ở bãi cạn Cà Mau trên vùng biển Tây Nam.

(Theo Nghiên cứu biển Đông)

Sừng sững giữa biển khơi với nhiều chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, những nhà giàn của Việt Nam đang hiên ngang giữa sóng gió. Sau 26 năm thành lập, trải qua nhiều trận cuồng phong của thiên nhiên nhưng các nhà giàn DK1 vẫn đứng vững trên thềm lục địa của Tổ quốc. Luôn có mặt trên các nhà giàn là những người lính hải quân, bám trụ trên biển từ 8-12 tháng, có khi do yêu cầu nhiệm vụ phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển khơi thời gian dài, lại đương đầu với bao khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính hải quân đã vượt qua mọi trở ngại, sống lạc quan, yêu đời và luôn vững vàng hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió.                                                             

 Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo tài liệu “Nghiên cứu biển Đông”

  • Từ khóa
111223

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu