Chủ nhật, 28/04/2024 17:19:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:00, 27/01/2024 GMT+7

Không thể chấp nhận

Anh Tú
Thứ 7, 27/01/2024 | 09:00:48 2,314 lượt xem
BPO - Đại đoàn kết dân tộc là đường lối nhất quán và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lịch sử nước ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết, thì bị nước ngoài xâm chiếm”. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, bên cạnh những tác động tích cực thì cũng có không ít người đã lợi dụng để lan truyền các thông tin, đánh giá mang tính kích động, kỳ thị, gây chia rẽ vùng miền, dân tộc, tôn giáo…

Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, Twitter…, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa mọi người trong cộng đồng đã trở nên vô cùng dễ dàng. Với độ “mở” cao, người dùng mạng xã hội có thể tương tác với nhau thông qua các hoạt động như trò chuyện, bình luận, thể hiện cảm xúc. Điều này đã tạo cơ hội cho mọi người có thể giao lưu, kết bạn mà không cần gặp mặt trực tiếp. Vậy nhưng ở chiều ngược lại, có không ít người lại sử dụng mạng xã hội để phát tán những thông tin kích động hận thù, kỳ thị, chia rẽ vùng miền, dân tộc, tôn giáo… Đơn cử, trên nền tảng mạng xã hội TikTok, việc làm video ngắn chia sẻ về cuộc sống, phong tục, thói quen sinh hoạt hằng ngày đã trở thành xu hướng và được nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, lợi dụng những khác biệt trong văn hóa, không ít người dùng mạng xã hội đã chế giễu, chê bai, nhạo báng người khác. Một số người tự cho mình là văn minh, hiện đại, sang chảnh và chê bai người khác là quê mùa, lạc hậu. Thậm chí, một số người đã dùng các cụm từ lóng như “parky” (Bắc kỳ) hay “namkki” (Nam kỳ) để công kích vùng miền. Một ví dụ khác, khi các TikToker người Mông chia sẻ về mèn mén (một món ăn truyền thống của dân tộc mình), có người đã bình luận chê bai và gọi đây là “cám lợn”. Không biết vô tình hay cố ý nhưng những sự miệt thị, thiếu tôn trọng truyền thống, lịch sử, văn hóa này đã xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc, cũng như tâm tư, cảm xúc của không ít người. Tương tự như TikTok, trên nền tảng mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện không ít trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để kích động mâu thuẫn, mất đoàn kết. Không chỉ dừng lại ở việc thể hiện cảm xúc cá nhân đơn thuần, nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội và lập ra các tài khoản ảo để tuyên truyền các thông tin sai trái, độc hại, dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Thực tế, không ít cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã lập, điều hành, sử dụng tài khoản mạng xã hội làm phương tiện thực hiện “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền các thông tin xuyên tạc, sai trái nhằm mục đích chống phá chính quyền.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xa xưa, cha ông ta vẫn luôn răn dạy về bài học đoàn kết, gắn bó lẫn nhau. Nhìn vào kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc, chúng ta phần nào cũng thấy rõ tinh thần này. Đó là bài học: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đó là lời nhắc nhở: “Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông/ Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em”. Đó là tình cảnh: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Đúc kết truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Lịch sử nước ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết, thì bị nước ngoài xâm chiếm”. Trong Hiến pháp (2013), ngay từ mở đầu, Nhà nước ta cũng khẳng định: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Rõ ràng, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sự mất đoàn kết cũng như loài sâu mọt, nếu không kịp thời xử lý thì nó sẽ từ từ đục khoét, cắn phá làm mục ruỗng, phá hoại từ bên trong. Bởi vậy, mọi hành vi kích động sự thù hằn, mâu thuẫn, gây mất đoàn kết dân tộc đều không thể chấp nhận được.

Ngày 24-11-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong nghị quyết này, một lần nữa Đảng ta khẳng định quan điểm: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta tiếp tục được củng cố, tăng cường, phát huy và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước ta cũng không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với việc biểu dương, khen ngợi các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thì những hành vi kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc cũng bị xử phạt một cách nghiêm khắc theo đúng tính chất, mức độ sai phạm. Liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, điểm c khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng cũng đã nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc”.

Muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà dân tộc đã lựa chọn; muốn hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không còn cách nào khác là chúng ta phải tiếp tục đoàn kết, nhất trí một lòng để đủ sức đương đầu với những khó khăn, thách thức. Mọi hành vi phân biệt vùng miền, kích động mâu thuẫn, hoài nghi, mất đoàn kết dù là nhỏ nhất cũng không thể chấp nhận.

  • Từ khóa
188099

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu