Thứ 3, 14/05/2024 01:28:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:10, 16/01/2024 GMT+7

Tư duy thiển cận

Thanh Tuấn
Thứ 3, 16/01/2024 | 10:10:24 1,817 lượt xem
BPO - Ngày 1-1-2024, trên trang blog Tiếng Dân, đối tượng Huy Đức tán phát bài: “Năm 2023 vẫn là năm của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Trong bài viết, Huy Đức đã đưa ra rất nhiều luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2023, những quy định trong quản lý các dịch vụ cung cấp phim và chương trình phát thanh, truyền hình trên mạng internet theo Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1-10-2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình” (Nghị định 71) và công tác quản lý của Nhà nước đối với báo chí; dẫn chứng những chỉ số thiếu kiểm chứng về “Tự do báo chí năm 2023” của tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RFS) nhằm vu cáo chính quyền Việt Nam “vi phạm” quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Sự thật về tổ chức “Phóng viên không biên giới”

Phóng viên không biên giới hay Ký giả không biên giới (tiếng Pháp: Reporters sans frontiers - RSF) là một tổ chức phi chính phủ với phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Mục đích của họ được cho là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Hiện tổ chức này có trụ sở tại quận 2, Paris. Ngoài ra, tổ chức này còn mở văn phòng ở một số nước và có hoạt động chung với 150 thông tin viên, phóng viên trên khắp các châu lục. Nhìn bề ngoài thì nhiều người nghĩ RSF là tổ chức hoạt động minh bạch, nhưng thực chất RSF được “nuôi dưỡng” dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số nước phương Tây. Thế nên không có gì lạ, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình hình báo chí, không sử dụng bất kỳ báo cáo nào của Chính phủ Việt Nam để đưa ra đánh giá. Ngược lại, RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam lại thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó đã đánh giá không chính xác, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Thế nên, việc Huy Đức dựa vào bảng xếp hạng tự do báo chí của một tổ chức không thân thiện với Việt Nam như RFS để đánh giá thì làm sao khách quan và có sức thuyết phục.

Phù hợp xu hướng thế giới

Năm 2018, tại Việt Nam, dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet bắt đầu phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong những năm qua, nhu cầu xem phim trên internet ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, số lượng nền tảng ứng dụng xem phim trực tuyến, ngoại tuyến, website phổ biến phim trên internet làm bùng nổ thị trường phổ biến phim trực tuyến. Nhiều người xem phim trực tuyến trong nước biết đến các nhà cung cấp phim ngoài nước như Netflix, iQiYi, WeTV, Amazon Prime Video, Apple TV, MangoTV… Trong đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung, nhiều bộ phim vi phạm các điều cấm, như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mặc dù những bộ phim này đã được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu các nhà cung cấp phải gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, nó sẽ tiếp tục tán phát gây ra những tác động tiêu cực và hệ lụy không dễ dàng định lượng được trên nhiều phương diện.

Từ những vấn đề thực tế đặt ra, ngày 1-10-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71. Qua một năm thực hiện, nghị định đã góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình nói chung, trên các nền tảng, ứng dụng internet nói riêng còn tồn tại. Ngoài ra, Nghị định 71 đã đảm bảo sự quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển và tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Nghị định 71 khẳng định sự chủ động của Việt Nam trong quá trình hội nhập, cho thấy uy tín, vị thế của chúng ta với các đối tác, đưa các hoạt động cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên internet của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam vào khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho hàng triệu người dân Việt Nam khi sử dụng các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet.

Dù ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận, tự do báo chí, các hoạt động trên internet không phải là quyền tự do vô giới hạn, tự do tuyệt đối mà phải gắn với chế độ chính trị, điều kiện xã hội, nền tảng đạo đức và pháp lý cụ thể. Cho nên những luận điệu xuyên tạc về Nghị định 71 cũng như các hoạt động tự do báo chí ở Việt Nam của Huy Đức chỉ là kiểu “tư duy thiển cận”, nhằm cổ xúy cho những hành vi lợi dụng báo chí, tự do ngôn luận, lợi dụng sự phát triển của internet… để gieo rắc sự hoài nghi, chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Những luận điệu đó phải kiên quyết vạch trần và đấu tranh loại bỏ.

  • Từ khóa
187157

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu