Thứ 6, 10/05/2024 23:33:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:08, 30/09/2023 GMT+7

Đừng có nhận vơ

Thứ 7, 30/09/2023 | 09:08:33 1,533 lượt xem

Đỗ Thành

BPO - Theo từ điển tiếng Việt nghĩa của từ “nhận vơ” tức là nhận về cái biết rõ không phải của mình. Nếu là trẻ con thì chúng sẽ ngang ngược nhận là của mình bất chấp đúng, sai. Chỉ cần phân tích, nói rõ, chúng hiểu vấn đề thì không nhận nhầm nữa, có thể cảm thông được. Nhưng đối với người lớn thì không thể nhầm, ngoại trừ vì một mục đích nào đó mà cố tình nhầm. Và Nguyễn Huy Cường, tác giả bài viết “Không thể xử phạt người im lặng” trên facebook Tiếng Dân News là người nhận vơ như thế.

Bài viết được Nguyễn Huy Cường đăng ngày 9-9-2023, với nội dung khoe trang facebook cá nhân có hơn 38 ngàn người theo dõi. Tuy nhiên, khi đăng một bài viết lên sau 2 giờ, chỉ có khoảng 600-700 người tương tác - con số này chỉ chiếm khoảng 2% số người theo dõi. Rồi Cường nói khi gặp số người theo dõi mình thì họ hiểu khá sâu, nhất trí cao nhưng chọn cách im lặng, không bình luận, không thích, không chia sẻ nhiều vô cùng. Từ đó, Nguyễn Huy Cường kết luận rằng họ không muốn biểu đạt chính kiến cá nhân của mình vì sợ các hình phạt do Nhà nước Việt Nam đặt ra… Qua bài viết của Nguyễn Huy Cường cho thấy tác giả vừa “nổ” lại vừa “nhận vơ”. “Nổ” ở chỗ không biết Cường lấy đâu ra thời gian gặp gần 38 ngàn người để biết đa số họ hiểu, nhất trí cao, nhưng chọn cách im lặng như tác giả viết. “Nhận vơ” ở chỗ cũng chưa chắc im lặng là đồng ý như tác giả. Với Nguyễn Huy Cường thì đúng là họ “không thèm chấp” vì tư tưởng (ý đồ) của tác giả và họ không giống nhau. Họ cũng chính là tảng băng ngầm lật đổ ý đồ của tác giả chứ không phải giúp tác giả thực hiện được ý đồ của mình. Còn tư tưởng hay ý đồ của Cường trong trang facebook chống cộng này là gì thì mọi người ai cũng biết.

Hiện nay, một trong những phương thức hoạt động “diễn biến hòa bình” phổ biến nhất được các thế lực thù địch tiến hành đối với Việt Nam là tận dụng mạng xã hội. Cách thức chủ yếu là truyền bá quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. Các đối tượng cộm cán, tự gắn mác nhà dân chủ, đấu tranh cho tự do nhân quyền đang sinh sống tại nước ngoài như: Hội Anh em dân chủ, Đỗ Dũng, Nguyễn Văn Đài… thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội của mình để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước ta trên mọi phương diện. Bất kỳ sự kiện nào diễn ra trên đất nước ta cũng có thể trở thành đề tài nóng để chúng xuyên tạc, bóp méo.

Ở trong nước, các “nhà dân chủ” cũng ra sức thực hiện hoạt động chống phá. Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã lần lượt thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam Dương Tuấn Ngọc và Nguyễn Hoàng Nam. Cả hai cá nhân này đều bị cáo buộc vi phạm tội danh liên quan đến việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 117. Dù hành vi phạm tội của Dương Tuấn Ngọc và Nguyễn Hoàng Nam diễn ra trên hai địa bàn khác nhau nhưng tính chất tội phạm có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để phát tán nhiều nội dung sai sự thật. Mặc dù đã được các cấp chính quyền, lực lượng công an tuyên truyền, thuyết phục nhiều lần nhưng các đối tượng không nghe, mà còn chống phá ngày càng quyết liệt hơn. Điểm mặt các fanpage cá nhân, tài khoản YouTube của các đối tượng nêu trên, không khó để nhận ra toàn bộ nội dung đăng tải được viết bằng ngôn từ thiếu thiện chí, tục tĩu, xuyên tạc trắng trợn các sự kiện liên quan đến chính trị - xã hội của đất nước... Với lượng người theo dõi lên đến cả trăm ngàn đủ thấy tác hại khủng khiếp mà các đối tượng này hằng ngày gieo rắc, đầu độc người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, người thiếu thông tin về lịch sử và tình hình đất nước.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng mạng internet cao trên thế giới, với hơn 72 triệu người sử dụng (hơn 73% dân số). Các thông tin trên mạng xã hội luôn có tính thời sự, cập nhật liên tục giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận. Tuy nhiên, internet, mạng xã hội phát triển cũng đặt ra cho thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát. Nhận thức rõ mặt trái của mạng xã hội, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp, chính sách phù hợp nhằm quản lý hoạt động này, ngăn chặn việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố và điều tra hơn 570 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng hơn 140% so với cùng kỳ. Và dường như cũng đã thành quy luật, mỗi khi tòa án nhân dân ở Việt Nam xét xử, tuyên án một hoặc nhóm người có hành vi vi phạm pháp luật với các tội danh liên quan đến hoạt động chính trị, chống phá Nhà nước thì hàng loạt tổ chức như: Nhà báo không biên giới (RSF), Ân xá quốc tế (AI), Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) lại đưa ra cái gọi là tù nhân lương tâm. Họ yêu cầu Việt Nam cần bãi bỏ Điều 117, Bộ luật Hình sự; lên tiếng đòi phải trả tự do vô điều kiện, ngay lập tức cho số người này. Kèm theo đó là hàng loạt vu khống Nhà nước Việt Nam lạm quyền.

Tự do ngôn luận không thể được tuyệt đối trong bất kỳ chế độ chính trị nào. Mỗi quốc gia đều có quy định để xử lý những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận. Việc đề cao tự do ngôn luận phải dựa trên lợi ích chung, không tuyệt đối hóa tự do cá nhân. Để tạo điều kiện cho công dân thụ hưởng quyền tự do ngôn luận, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào việc đầu tư và phát triển lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đồng thời, chúng ta cũng đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tránh bị xâm phạm. Chỉ có những kẻ “nhận vơ” mới không biết mình là ai, đang làm gì để rồi ảo tưởng sức mạnh và phải nhận các hình phạt thích đáng của pháp luật.

  • Từ khóa
178602

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu