Thứ 7, 11/05/2024 04:58:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:51, 12/06/2023 GMT+7

“Nhóm lợi ích” - góp ý hay quấy phá?

Thảo Linh
Thứ 2, 12/06/2023 | 08:51:05 2,334 lượt xem
BPO - Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khái niệm “nhóm lợi ích” không chỉ được báo chí, người dân nhắc tới mà trong các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đã đề cập. Việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong tất cả lĩnh vực hoạt động đã được Đảng quan tâm với nhiều quy định mới ban hành. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, sẵn sàng tiếp nhận để giải quyết thấu đáo những vấn đề cuộc sống đặt ra và đang khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, mỗi khi có vụ việc tham nhũng, tiêu cực hoặc cả khi không có thì khái niệm “nhóm lợi ích” vẫn luôn được các phần tử cơ hội, chống phá mổ xẻ, xuyên tạc.

Ngày 10-6 vừa qua, trang tin Chân trời mới Media và trang RFA đăng lại bài viết trên trang blog DongPhungViet từ ngày 29-5-2023 với tiêu đề: “Nhóm lợi ích” lớn nhất và nguy hiểm nhất. Sẽ đáng hoan nghênh nếu bài viết phân tích thấu đáo về tình trạng “nhóm lợi ích” và tham mưu với Đảng, Nhà nước để giải quyết vấn nạn này. Thế nhưng việc đặt vấn đề “nhóm lợi ích” của DongPhungViet lại mang mục đích khác. 

Lợi dụng tình trạng nắng nóng cao độ và kéo dài dịp đầu hè gây mất điện cục bộ ở một số địa phương khiến người dân bức xúc, bài viết chọn vấn đề “cắt lỗ cho EVN” để mở đầu bằng cách nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất dùng 130.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa sử dụng năm 2022 giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt lỗ. Dù đó chỉ là ý kiến cá nhân nhưng bằng giọng suy diễn và quy kết, tác giả đã xuyên tạc: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội như hiện nay, đại biểu Quốc hội thản nhiên phô bày nỗ lực vận động cho lợi ích “của EVN, do EVN, vì EVN”, còn dân sinh thế nào thì thuộc loại chuyện “sống chết mặc bay”! Nghĩa là khẳng định, ông Nguyễn Thiện Nhân vì “lợi ích nhóm” nên mới đề nghị Chính phủ dùng 130.000 tỷ đồng cắt lỗ cho EVN. Bài viết còn xoáy sâu việc Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội “Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân” và cho rằng, mục tiêu chính của dự luật là cho phép công an phong thêm năm cá nhân thành... tướng và nếu có cá nhân nào trong ngành công an được biệt phái làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thì phải được trao cấp Thượng tướng. Vẫn giọng điệu quy kết xỏ xiên, tác giả viết: Vào lúc này, quốc gia không còn chuyện gì đáng bận tâm hơn nên có thể dành thời gian, trí lực, sức lực vào việc xét xem ngành công an nên có bao nhiêu tướng! Khá khen cho DongPhungViet đã biết “chọn vấn đề” và thả những câu bình luận xiên xéo để kích động người đọc. Và rồi mục đích của tác giả bài viết cũng như các trang tin đăng lại đã bộc lộ ở ngay cuối bài, khi tác giả kết luận: Bất kể các “nhóm lợi ích” hành xử trắng trợn đến thế nào thì tất cả vẫn vô can, bởi ngoài lợi ích riêng tư, các “nhóm lợi ích” này đều tận tình bảo vệ quyền lực - “lợi ích” nền tảng của “nhóm lợi ích” lớn nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Quả là sự xuyên tạc trắng trợn và quá quắt!

Không thể phủ nhận trong quá trình lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước ta, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường đã hình thành các “nhóm lợi ích” ở một số ngành, lĩnh vực và len lỏi từ Trung ương đến cấp cơ sở. Bản chất của “nhóm lợi ích” chính là sự câu kết của những người có quyền lực với nhau hoặc người có quyền lực với doanh nghiệp bất liêm nhằm trục lợi, tham nhũng. Phương thức cơ bản, phổ biến và mang lại lợi ích lớn nhất cho “nhóm lợi ích” là tác động bằng kinh tế. Họ sẽ mua chuộc, hối lộ quan chức, người có quyền ra quyết định hoạch định, thực thi chính sách. Thứ hai là phương thức tác động bằng chính trị. “Nhóm lợi ích” có người trong bộ máy sẽ tác động, chỉ đạo, chi phối quá trình hoạch định, thực thi chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhóm mình. Cách thứ ba là sử dụng báo chí - truyền thông để hướng lái dư luận theo ý đồ của nhóm. Phương thức này rất khó nhận biết và dễ đánh lừa dư luận nên thường được các “nhóm lợi ích” sử dụng triệt để. Hậu quả của các phương thức hoạt động lợi ích nhóm trong các vụ án đã gây tổn hại nghiêm trọng uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tha hóa cán bộ, đảng viên và làm đảo lộn những chuẩn mực, các giá trị đạo đức xã hội. 

Cũng cần khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có đấu tranh với hình thức “nhóm lợi ích” luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực và đã được đề cập trong nhiều văn bản của Đảng. Từ khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XI quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 10 năm qua, nhiều tổ chức đảng và hơn 7.000 đảng viên đã bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó có cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị kỷ luật. Những vụ tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn được lôi ra ánh sáng thời gian qua - đương nhiên có lợi ích nhóm, là kết quả của sự đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần không có “vùng cấm”, không có “hạ cánh an toàn” mà các đối tượng cơ hội, phản động vẫn hò, réo. Việc điều tra, xét xử được công khai trên các kênh thông tin, báo chí để toàn dân theo dõi và kết quả chống tham nhũng đã góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Hoàn toàn không có chuyện bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng chống tham nhũng để đấu đá như luận điệu xuyên tạc của DongPhungViet mà các trang RFA, Chân trời mới Media đăng tải. 

Vì thế, cùng với tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan thuộc ngành tuyên giáo, truyền thông, báo chí cần kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng việc chống tham nhũng của Đảng ta để xuyên tạc, quấy phá, gây hoài nghi trong dư luận, làm mất niềm tin của nhân dân vào cuộc chiến chống tham nhũng. Sự công khai, minh bạch trong các cuộc điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật chính là vũ khí hữu dụng nhất xua tan các luận điệu xuyên tạc, kích động của thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

  • Từ khóa
170049

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu