Thứ 2, 20/05/2024 19:40:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 12:43, 31/12/2022 GMT+7

Lại những luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộ

Anh Tú
Thứ 7, 31/12/2022 | 12:43:07 2,940 lượt xem
BPO - Chiều 30-12-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp phiên bất thường để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, lệch lạc nhằm chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước ta.

Vấn đề nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ lâu vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này cũng dễ hiểu bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Đặc biệt, với những vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, việc ai được bổ nhiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, vận mệnh của dân tộc. Như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ bộ máy cũng tê liệt”. Do vậy, mọi sự thay đổi trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước đều nhanh chóng nhận được sự theo dõi của cộng đồng.

Liên quan đến việc Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết, thống nhất để đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, không ít thông tin xấu, độc đã được các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đưa ra. Một mặt, chúng vẫn tái diễn luận điệu vu khống cho rằng đây là kết quả của việc “tranh giành quyền lực”, “đấu đá phe phái”. Mặt khác, những kẻ này cũng tích cực lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, quy chụp, gán ghép các sai phạm đối với đồng chí Phạm Bình Minh và đồng chí Vũ Đức Đam. Dĩ nhiên, căn cứ, cơ sở được các “nhà dân chủ” đưa ra chỉ ở dạng phỏng đoán, vô thưởng vô phạt theo kiểu “một cán bộ giấu tên cho biết”, “theo giới thạo tin”, “nguồn tin bên lề”… 

Có thể thấy, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã rất quyết liệt trong công tác cán bộ cũng như đấu tranh chống tham nhũng. Trước đó, đã có 7 ủy viên khác bị loại hoặc cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm: ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Xuân Thăng – cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và ông Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Vì vậy, việc đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII cũng không phải là điều quá bất ngờ. 

Cần nói rõ, mọi quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi được đưa ra đều đã được nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và hết sức cẩn trọng. Mục tiêu cao nhất ở đây là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi vậy, thay vì đồn đoán vô căn cứ về lý do của sự việc thì mọi người hãy theo dõi, nắm bắt những nguồn tin chính thống để có cái nhìn chuẩn xác, không bị mắc bẫy bởi những luận điệu xuyên tạc, chống phá.

Hiện nay, công tác cán bộ không phải bất biến, cố định, đợi hết nhiệm kỳ mà đã có sự “động” và “mở”. Việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ đang dần trở thành bình thường. Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng khẳng định quan điểm chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, Đảng cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ; hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu…

Và cũng phải thấy, không phải khi nào một cán bộ được cho thôi giữ chức vụ cũng là do cá nhân người đó có sai phạm. Bởi bên cạnh trách nhiệm trực tiếp, cán bộ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm liên đới. Trong Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Đảng đã quy định rõ: Miễn nhiệm hoặc cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Rõ ràng, chức vụ càng cao, nắm giữ quyền lực càng lớn thì trách nhiệm cũng phải hết sức nặng nề.

Cán bộ được Đảng ta xác định là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bởi vậy, mọi vấn đề liên quan đến công tác cán bộ đều phải được thực hiện một cách thận trọng, khoa học, chặt chẽ. Một cán bộ tốt phải có cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ, nhất là những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải có uy tín. Vì vậy, với cán bộ uy tín giảm sút thì việc “ra”, “xuống” là điều hết sức bình thường.

  • Từ khóa
158168

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu