Thứ 2, 20/05/2024 19:39:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:50, 05/04/2022 GMT+7

Việt Tân lại nói liều

Nhật Minh
Thứ 3, 05/04/2022 | 09:50:43 1,056 lượt xem
BPO - Với tham vọng ngông cuồng, đồng thời để lừa mị một bộ phận kiều bào, ngày 10-9-1982, tại căn cứ ở Thái Lan, Hoàng Cơ Minh lập ra tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” - gọi tắt là “Việt Tân”. Từ đó, “Đảng Việt Tân” trở thành cơ quan đầu não cực kỳ phản động, nơi tập hợp lực lượng và chỉ huy toàn bộ hoạt động của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”, cùng một số tổ chức phản động khác với mục đích tiến hành các hoạt động chống phá, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam. Bằng chứng là từ khi thành lập năm 1981 đến nay, tổ chức này đã có nhiều hoạt động khủng bố bằng mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Việt Nam là căn bệnh kinh niên của tổ chức Việt Tân. Cụ thể là trên trang Facebook của Việt Tân ngày 25-1-2022 có đăng bài viết với tựa đề: Tin thế giới đáng chú ý trong năm 2021: Facebook đồng lõa với Cộng sản Việt Nam và tạo nguy cơ cho nền dân chủ khi không ngăn chặn Fake News. Nội dung bài viết này có đoạn: Tờ Nhật Báo The Washington Post số ra ngày 25-10-2021, đã cho rằng Tổng giám đốc (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook đã đích thân ký cam kết với chính phủ độc tài Cộng sản Việt Nam để hạn chế những bài viết bị gọi là “chống nhà nước”.

Chưa hết, trong bài viết này, Việt Tân còn tự bịa ra thông tin rằng: chính Mark Zuckerberg là người đã quyết định Facebook phải nhượng bộ trước các áp lực của Bộ Thông tin và Truyền thông của Cộng sản Việt Nam để kiểm duyệt những tiếng nói bất đồng chính kiến. Cuối năm 2020, Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố một báo cáo trong đó cáo buộc Facebook trở thành “những công cụ của các quan chức Việt Nam” trong việc “kiểm duyệt và trấn áp trên quy mô công nghiệp”. Bản báo cáo dài 78 trang đã ghi lại những hành động “trấn áp có hệ thống” lên sự biểu đạt ôn hòa trên mạng xã hội ở Việt Nam đến từ Facebook. Và để lừa độc giả, Việt Tân tiếp tục với giọng điệu bịp bợm rằng: Năm 2020, Facebook đã chấp hành theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam để ngăn chặn các nội dung được cho là “xấu, độc”. Chỉ trong năm 2020, Facebook đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết và xóa hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin mà họ vu cáo rằng “chống Nhà nước”, “chống Đảng”, theo yêu cầu của bộ này.

Quả là Việt Tân đã cố tình nhắm mắt nói liều. Bởi tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng có quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… Cũng theo quy định của luật này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nói tóm lại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam và lợi ích của người sử dụng, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam...

Không chỉ có Việt Nam, năm 2020, Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố dự luật chống lạm dụng người trưởng thành trên mạng, theo đó các nền tảng truyền thông xã hội phải gỡ bỏ các thông tin có nội dung độc hại trong vòng 24 giờ. Trước đó, Anh cũng đã ban hành đạo luật áp đặt ràng buộc về mặt pháp lý để các nền tảng truyền thông xã hội đảm bảo xử lý kỹ những nội dung độc hại lan truyền trên internet... Nga đề xuất dự luật cho phép hạn chế một số nền tảng mạng xã hội nước ngoài được xác định là vi phạm quyền lợi của người Nga. Trung Quốc thiết lập chế độ giám sát trên các nền tảng xã hội của nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội ở nước này... Cuối năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Đạo luật thị trường kỹ thuật số, trong đó có những quy định yêu cầu các tập đoàn công nghệ phải có biện pháp để đối phó với các nội dung độc hại, bất hợp pháp, với mức phạt 10% doanh thu hằng năm nếu sai phạm. Riêng Mỹ có tới 3 đạo luật về an ninh mạng, được ban hành từ năm 2014.

Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao Việt Nam cùng với nhiều quốc gia đã yêu cầu Facebook phải kiểm soát thông tin và gỡ bỏ những thông tin xấu, độc? Câu trả lời là vì, trong cuộc điều trần trước Tiểu ban bảo vệ người tiêu dùng thuộc Thượng viện Mỹ diễn ra ngày 5-10-2020, bà Frances Haugen, cựu quản lý tại Facebook cho biết, mạng xã hội lớn nhất thế giới - Facebook, luôn chọn cách tối đa hóa lợi nhuận và kiểm soát lỏng lẻo các thông tin sai lệch. Đặc biệt, mạng xã hội này đã và đang gây chia rẽ trong cộng đồng, gây hại cho trẻ em và cần có những quy định chỉnh đốn khẩn cấp. Còn ở Việt Nam, cuối năm 2020, cử tri tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông về tình trạng lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube để đăng tải, chia sẻ các bài viết chống Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những người nhẹ dạ, tin theo các “tà đạo”, “đạo lạ”, các hội nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đang rất phức tạp.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên, ngày 8-2-2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có thể khẳng định rằng tin giả (fake news), thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật Việt Nam chủ yếu xuất hiện, tồn tại trên các trang mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam (phổ biến là Facebook và YouTube)… Đã có tình trạng lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube để đăng tải, chia sẻ các bài viết chống Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những người nhẹ dạ, tin theo các “tà đạo”, “đạo lạ”, các hội, nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Hiện có khoảng 120.000 kênh tiếng Việt trên YouTube, trong đó khoảng trên 350 kênh có hơn 1 triệu người theo dõi, 15.000 kênh kiếm tiền. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên.

Như vậy, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất quy định về vấn đề an ninh mạng. Hiện hầu hết các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đã ban hành đạo luật riêng về an ninh mạng. Bởi lẽ, tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền cơ bản của công dân nhưng ở bất cứ quốc gia nào thì việc thực thi quyền này đều phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội. Đây là nguyên tắc cơ bản để thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà ai cũng hiểu, chỉ có Việt Tân và những kẻ cùng hội cùng thuyền thì không hiểu.

  • Từ khóa
139554

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu