Thứ 2, 20/05/2024 19:40:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:02, 31/03/2022 GMT+7

Phụ nữ “dũng cảm” quốc tế

Nhật Minh
Thứ 5, 31/03/2022 | 10:02:13 897 lượt xem
BPO - Đó là tên của một giải thưởng nghe rất kêu và rất mĩ miều này do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice lập ra từ tháng 3-2007 nhân Ngày quốc tế phụ nữ. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, giải thưởng này dành để trao tặng các phụ nữ trên khắp thế giới tỏ ra có tài lãnh đạo, can đảm, tháo vát và sẵn sàng hy sinh vì những người khác, đặc biệt là để thúc đẩy gia tăng các quyền của phụ nữ. Và các tòa đại sứ Mỹ trên khắp thế giới có quyền đề cử một phụ nữ làm ứng viên. Từ khi xuất hiện đến nay, giải này đã được trao cho hơn 170 phụ nữ ở 80 quốc gia. Phạm Thị Đoan Trang là người thứ 3 ở Việt Nam được trao giải này, sau Tạ Phong Tần (năm 2013) và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (năm 2017).

Với những phụ nữ ở các quốc gia khác đã được trao giải thưởng này thì không phải ai cũng biết, nhưng với 3 cái tên là Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thị Đoan Trang thì không người Việt Nam nào lại không rõ. Bởi lẽ, cả 3 người đàn bà được “vinh danh” này có điểm chung là đều bị tòa án các cấp xét xử theo Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999. 

Trước hết xin điểm lại thành tích bất hảo của Tạ Phong Tần. Theo báo Công an điện tử ngày 5-7-2010, y sinh năm 1968 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trong thời gian công tác tại Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Bạc Liêu, do bất mãn cá nhân, Tạ Phong Tần viết bài gửi cho Đài BBC, RFA, RFI, VOA. Nội dung các bài viết này hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, gây bất an trong xã hội. Và y cũng đã thừa nhận: Tính đến tháng 5-2009, tôi đã viết 864 bài trên blog Công lý - Sự thật. Viết và trả lời cho các đài BBC, RFI, RFA trên 100 bài. Cứ mỗi bài, BBC trả tôi 28 bảng Anh (khoảng 40 USD). Tổng cộng từ năm 2007 đến nay, tôi đã nhận được gần 15.000 USD từ nhiều báo, đài trên... Với “thành tích” này, ngày 29-4-2012, Tạ Phong Tần đã bị tuyên phạt 10 năm tù.

Về Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, báo Tuổi trẻ điện tử ngày 30-11-2017 cho biết: Cùng ngày, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (SN 1979, thường trú phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 10-2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, xuyên tạc, đả kích, phê phán đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Các bài viết này đã gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm và hội đồng xét xử đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, phạt bị cáo 10 năm tù.

Đối với Phạm Thị Đoan Trang, theo báo Quân đội nhân dân điện tử ngày 17-12-2021, vào ngày 14-12-2021, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang, SN 1978, trú quận Đống Đa, Hà Nội về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Theo cáo trạng, từ ngày 16-11-2017 đến 5-12-2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành nhiều tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cụ thể, Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu như: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”... Đây là những tài liệu có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không khai báo thành khẩn, phạm tội nhiều lần. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 9 năm tù theo quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Không chỉ nhận giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế”, cả 3 người đàn bà này cũng đã nhận các giải thưởng hào nhoáng như “Giải thưởng tự do báo chí quốc tế”, “Giải thưởng nhân quyền” của Mỹ, Canada và một số tổ chức phi chính phủ khác ở phương Tây. Việc Bộ Ngoại giao của Canada, Vương quốc Anh và Mỹ tôn vinh, trao giải cho 3 người đàn bà vi phạm pháp luật Việt Nam là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam. Sau sự việc đáng xấu hổ này, không ít người dân trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng quốc tế đã đặt câu hỏi, tại sao Bộ Ngoại giao các nước nêu trên lại quan tâm quá mức đối với một số đối tượng mà cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đã có đủ tài liệu, căn cứ để kết tội? Là cơ quan ngoại giao của những quốc gia phát triển, văn minh là thế, sao lại có những việc làm trái đạo lý, ngược nhân tâm đến vậy?

Nghĩ lại, nước Mỹ hay Anh, hoặc Canada có tôn vinh thì hãy trao giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” cho bà Susan Schnall, 76 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Mỹ tại New York. Cách đây 54 năm, vào ngày 12-10-1968, bà Susan Schnall đã tổ chức một đợt rải truyền đơn từ trên máy bay của một người bạn ở khu vùng vịnh San Francisco. Nội dung truyền đơn thông báo về một cuộc tuần hành vì hòa bình của các cựu chiến binh và lính Mỹ tại các căn cứ quân sự trong vùng vịnh này và Bệnh viện Hải quân Oak Knoll nơi bà làm việc. Trong trang phục quân nhân, bà luôn hô vang khẩu hiệu “Hãy đưa những người con trai nước Mỹ còn sống trở về” và tích cực tham gia biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Vì những hành động đó, tháng 2-1969, bà đã bị bắt, đưa ra tòa án binh, bị kết án 6 tháng tù giam và sa thải khỏi lực lượng vũ trang. Mục đích của giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” là tôn vinh những người “can đảm, tháo vát và sẵn sàng hy sinh vì những người khác”, thì việc làm của bà Susan Schnall không những đủ, mà còn quá thừa tiêu chuẩn mà Bộ Ngoại giao Mỹ đề ra.

Như vậy, việc trao những cái gọi là “giải thưởng” với cái tên mĩ miều như “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” hay “đấu tranh cho tự do báo chí”, hoặc “phụ nữ can đảm quốc tế”… cho những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam và đã bị truy tố, xét xử, kết án là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nhà nước pháp quyền với mưu đồ xấu xa. Vì thế, ngày 30-3-2017, nhân sự việc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trao giải của Bộ Ngoại giao Mỹ, trên status của người có tên Teo viết rằng: Bộ Ngoại giao Mỹ cũng rảnh việc quá nhỉ, lại đi tặng giải thưởng cho người đàn bà lăng loàn, thuộc hàng cặn bã của xã hội ở Việt Nam xa xôi. Như thế cũng là quá đủ để chúng ta hiểu rõ hơn “thiên đường” ở phương Tây là thế nào?!

  • Từ khóa
139259

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu