Thứ 3, 21/05/2024 04:15:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:48, 11/11/2021 GMT+7

Không có vùng cấm

Thứ 5, 11/11/2021 | 07:48:00 389 lượt xem
BPO - “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đó là phát biểu nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào ngày 15-9-2021. Điều này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt hơn, không có vùng cấm, kể cả tướng lĩnh. Việc xử lý kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cán bộ, đảng viên cảnh sát biển liên quan là việc làm thể hiện rõ quyết tâm đó.

Từ ngày 28 đến 30-9-2021, kỳ họp thứ 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cán bộ, đảng viên liên quan. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật đối với cá nhân liên quan, thể hiện tính nghiêm minh trong việc xử lý sai phạm của Đảng.

Ngay lập tức, những “điều tra viên, người phán xử online” trên Việt Tân, RFA, Chân trời Media... đã lên bài xuyên tạc, kích động. Đơn cử như bài viết “Sống mà nhớ lấy!” của Lê Huyền Ái My, “Lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện nhưng chưa bao giờ chịu trách nhiệm với bất cứ việc gì” của Phạm Minh Vũ, hay “Bạn có biết” của Lê Ánh… Các bài viết này đa số quy chụp đây là dấu hiệu của một cuộc thanh trừng lợi ích nhóm, đánh đồng sai phạm các cá nhân với bản chất của quân đội. Đồng thời, các bài viết này cũng đặt ra những câu hỏi đậm màu kích động như: Tại sao một loạt tướng tá, chỉ huy lực lượng cảnh sát biển bị đề nghị kỷ luật do những sai phạm thời gian dài nhưng giờ mới xử lý? Tại sao cũng chỉ bị kỷ luật chứ chưa bị khởi tố?... Từ đó chúng đổ lỗi cho hệ thống chính trị, cổ xúy cho việc phi chính trị hóa quân đội. Đây là những luận điệu vô cùng nguy hiểm, làm sai lệch bản chất vấn đề và rất dễ gây hiểu lầm, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và quân đội. 

Kể từ khi thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, giữ vững vị trí, vai trò, năng lực cầm quyền, Người luôn quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, xem nó như việc “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày. Tại khoản 1, Điều 2, Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 về quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị, xác định: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất kỳ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh”. Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm là việc làm thông thường. Mục đích cao nhất là ngăn ngừa đảng viên vi phạm chứ không phải thanh trừng, phe phái hay thay máu giống như chúng xuyên tạc.

Ông bà ta có câu “biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe” để ám chỉ những kẻ không biết gì mà nói nhiều, thích thể hiện. Không biết mà nói nhiều, nói sai thì cái “sự thiếu hiểu biết” nó sẽ lòi ra. Muốn khởi tố bị can thì phải xem xét đối tượng có dấu hiệu tội phạm hay không. Quá trình đó phải tuân thủ đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục theo quy định trong Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự. Chưa gì các “điều tra viên, người phán xử online” đã đòi bắt bớ, khởi tố. Nếu với tốc độ “cào phím”, xuyên tạc, vu khống như thế này thì chưa biết ai bị khởi tố, bị bắt trước. 

Thực tiễn đã chứng minh, trong suốt hơn 91 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Đảng ta luôn nhất quán duy trì nghiêm kỷ luật. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật về Đảng, nếu nhận thấy có dấu hiệu phạm tội sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân phải nhận những bản án nghiêm minh của pháp luật. Ví dụ như: Tử hình Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham ô (năm 1950); tử hình Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai vì tội tham nhũng; vụ án PMU-18 năm 2007, Bùi Tiến Dũng (nguyên Tổng giám đốc) và 7 người khác có liên quan đã bị kết án tù; 30 năm tù cho ông Đinh La Thăng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh), nhiều năm tù cho các cá nhân có liên quan đến vụ án tại Bộ Giao thông vận tải và các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2018…

Điều đó cho thấy, không phải đến bây giờ Đảng mới siết chặt kỷ luật. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài lần lượt được phơi bày ra ánh sáng, xử lý đúng người, đúng tội. Đã có hàng loạt cán bộ cấp cao như: bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh trong công an, quân đội, đến cả Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh. Ở tất cả cấp, ngành, việc thi hành kỷ luật cán bộ được thực hiện công khai, đúng pháp luật. Đã không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “vùng cấm, ngoại lệ”, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Các vụ việc vi phạm trong quân đội được xử lý kiên quyết, nghiêm túc, kịp thời. Việc xử lý bảo đảm chặt chẽ, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thông tin kịp thời, không bao che, bưng bít, nương nhẹ. Điều đó đã tạo ra sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước; thể hiện quyết tâm vào cuộc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong quân đội. Qua đó cho thấy, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quân đội không có “vùng cấm”, kể cả đối với lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh, cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu. 

Có thể khẳng định một số sai phạm nêu trên chỉ là hiện tượng cá biệt “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể đánh đồng với bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thông qua việc xử lý đã góp phần làm trong sạch bộ máy, loại bỏ khỏi Đảng, quân đội những cán bộ thoái hóa, biến chất, góp phần củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; làm cho quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, luôn xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đỗ Thành

  • Từ khóa
132489

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu