Thứ 3, 21/05/2024 01:37:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:48, 10/11/2021 GMT+7

“Ưu thế trên biển”

Thứ 4, 10/11/2021 | 07:48:47 471 lượt xem
BPO - Nhằm lấy lại vị thế bá chủ toàn cầu của mình, các đời Tổng thống Mỹ rất quan tâm xây dựng chính sách biển Đông và liên tục có những điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn. Kế thừa chính sách của các nhiệm kỳ trước, Chính phủ thời Tổng thống Joe Biden đã triển khai chiến lược “Ưu thế trên biển” với nhiều điểm mới, trực tiếp tác động mạnh mẽ tới khu vực và Việt Nam.

Các mục tiêu chiến lược của Mỹ tại biển Đông

Trong khoảng 5.300 tỷ USD thương mại song phương hằng năm đi qua biển Đông, thì có đến 1.200 tỷ USD thuộc về thương mại song phương với Mỹ. Có 90% hàng hóa của Mỹ và hàng hóa đồng minh chuyên chở qua biển Đông. Mặt khác, thông qua chính sách biển Đông, Mỹ muốn kiềm chế chiến lược “Đại Biển Đông” của Trung Quốc. Do đó, Mỹ phải can dự, kiềm chế Trung Quốc để bảo vệ ưu thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương và bảo vệ cho các đồng minh quân sự của mình, cũng như bảo vệ những mối quan hệ chiến lược mới trong khu vực. Về cơ bản, lâu dài nhằm làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, Việt Nam và Lào; đưa các nước đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu; khôi phục vị thế bá quyền của Mỹ. Vì thế, chính phủ của Tổng thống Joe Biden tiếp tục các chính sách của ông Donald Trump nhưng bằng cách tiếp cận mềm dẻo hơn, có thể khái quát trên một số phương diện như sau: 

Không thừa nhận cơ sở pháp lý chủ quyền của bất kỳ nước nào. Vì nếu một nước nào đó làm chủ biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý về chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc - một điều cấm kỵ đối với Mỹ.

Tăng cường xây dựng lực lượng và sức mạnh trên biển. Mỹ đã và đang triển khai chiến lược “Ưu thế trên biển”, gấp rút xây dựng lực lượng chung, gồm: hải quân, hải quân đánh bộ và tuần duyên, nhằm tạo sức mạnh tổng lực trong mọi môi trường. Mỹ đầu tư mạnh mẽ vào việc đóng mới nhiều loại tàu hiện đại như: tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay, được trang bị nhiều loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; chú trọng hoạt động tình báo, trinh sát, cảnh giới, phân tích, chia sẻ thông tin; huấn luyện, đào tạo, tuyển dụng, cũng như hợp tác với các đồng minh và đối tác. Triển khai hoạt động ở mọi vùng biển, nhất là khu vực có cạnh tranh, xác định Trung Quốc là đối thủ duy nhất có tiềm lực thách thức toàn diện và lâu dài đối với Mỹ. 

Đẩy mạnh hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - khu vực có vị trí ngày càng quan trọng trong quan hệ với Đông Nam Á. Mỹ xác định cụ thể 3 nhóm quốc gia chính ở khu vực “cần thiết phải tiếp tục nuôi dưỡng các quan hệ về quốc phòng” gồm: Đồng minh chính thức (Thái Lan, Philippines), Đối tác chiến lược (Singapore) và Đối tác chiến lược tiềm năng (Malaysia, Indonesia, Việt Nam). Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, đồng thời là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, với tổng vốn hơn 330 tỷ USD. Về chính trị và an ninh, Mỹ tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN - Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh - quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này.

 Thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác an ninh với các nước lớn (nhóm “Bộ tứ” và Hiệp ước AUKUS). Nhóm “Bộ tứ” là cơ chế Đối thoại Tứ giác An ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm thảo luận các biện pháp để Mỹ ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Australia và Ấn Độ tham gia tập trận với Mỹ ở biển Đông là bước đi mới và quan trọng, cho thấy “Bộ tứ” tự tin, quyết đoán hơn khi hiện diện trực tiếp ở biển Đông. Còn AUKUS là Hiệp ước giữa Mỹ, Anh và Australia nhằm đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, chuyển giao công nghệ động cơ hạt nhân nhạy cảm cho Australia. 

Vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc. Trong quan hệ này, Mỹ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, khi cả hai đều cần đến nhau. Trung Quốc cần công nghệ, đầu tư, thị trường và sự ủng hộ của Mỹ trên trường quốc tế; còn Mỹ thì cần thị trường Trung Quốc, những thỏa thuận hay sự hỗ trợ của nước này trong giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Những lợi ích song trùng đó có thể là động lực mạnh mẽ giúp 2 nước giảm bớt một số bất đồng. Vì vậy, trong vấn đề biển Đông, Mỹ đặt ra mục tiêu 2 mặt: Vừa đòi hỏi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, không gây ra mối đe dọa cho khu vực vừa không để vấn đề biển Đông trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tác động đến Việt Nam

Chính sách biển Đông của chính quyền Tổng thống Joe Biden không đề cập đến vấn đề chạy đua vũ trang nhưng trong thực tế, chiến lược này đã tác động trực tiếp đến khu vực Đông Nam Á, làm cho việc bảo đảm trang bị vũ khí của các quốc gia khu vực ngày càng nóng lên.

Mặc dù ít khả năng xảy ra xung đột khu vực trên diện rộng, song việc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh các nguy cơ xung đột, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề trong khu vực vẫn tiềm tàng, đang là thách thức an ninh đối với Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, có nguy cơ Mỹ và các nước lớn đấu tranh và thỏa hiệp trên lưng Việt Nam, làm ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam. 

Tạo ra môi trường quốc tế để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước lớn nhằm giải quyết các thách thức an ninh chung. Đồng thời mở ra tiềm năng để Việt Nam phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Chính sách biển Đông của Mỹ xác định ASEAN và Việt Nam giữ vai trò trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tác động gây sức ép trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Đối với Việt Nam, Mỹ và các nước lớn tăng cường quan hệ với Việt Nam, mở ra những điều kiện để Việt Nam phát triển, song cũng sẽ tạo sức ép trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác khác.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sự tác động giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau làm cho tính định hướng xã hội chủ nghĩa luôn bị thách thức; xuất hiện nguy cơ lợi dụng mở cửa, đổi mới để thâm nhập, truyền bá văn hóa, giá trị tư bản, vấn đề dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.

Tóm lại, mặc dù có sự điều chỉnh, song các chính sách biển Đông dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn không nằm ngoài mục đích khôi phục lại vị thế siêu cường số 1 thế giới của mình; dù có những tác động tích cực nhưng chưa hẳn đó là “sự quan tâm thiện chí” đối với Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác, linh hoạt để không bị rơi vào thế bí trong giải quyết mối quan hệ giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc.                                                

H.L

  • Từ khóa
132437

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu