Thứ 3, 21/05/2024 01:50:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:02, 05/11/2021 GMT+7

Thừa nước đục thả câu

Thứ 6, 05/11/2021 | 08:02:51 4,659 lượt xem
BPO - Trục lợi khi người khác đang gặp khó khăn, hiểm họa thì nôm na gọi là “thừa nước đục thả câu”. Câu tục ngữ này mang tính chất phê phán những kẻ lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để trục lợi. Trong xã hội ngày xưa lẫn nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những thành phần như thế. Chúng lợi dụng một hoặc nhiều vấn đề để xuyên tạc, thổi phồng, từ đó lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối. Chúng biến mâu thuẫn của một cá nhân, nhóm nhỏ thành mâu thuẫn giai cấp, dân tộc, tôn giáo nhằm thay đổi thể chế chính trị. Đó là một trong những kiểu cách mạng màu, nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch thường sử dụng.

Điểm lại các cuộc cách mạng màu thời gian gần đây đã khiến một số quốc gia rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng. Đầu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, một loạt các cuộc cách mạng đường phố diễn ra tại các nước Trung Đông, Bắc Phi, nổi bật là “Cách mạng hoa nhài” tại Tunisia năm 2011. Cuộc cách mạng này bắt đầu từ việc Mohamed Bouazizi, một thanh niên bán rau tự thiêu sau khi bị cảnh sát tịch thu gánh hàng. Tiếp đó, một loạt các cuộc biểu tình tạo thành làn sóng mạnh mẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Các cuộc biểu tình lên tới đỉnh điểm bằng sự lật đổ Tổng thống Ben Ali, khiến ông phải từ chức và chạy khỏi đất nước. Cuộc bạo động tại Tunisia cùng một loạt các cuộc cách mạng đường phố tại Libya, Ai Cập và Syria đã tạo ra làn sóng biểu tình đòi lật đổ Chính phủ. Chiêu bài chủ yếu được sử dụng vẫn là lợi dụng sự bất ổn, yếu kém của chính quyền trong điều hành đất nước. Những bất ổn chính trị này còn được gọi là “Mùa xuân Ả Rập”, nó đã tàn phá nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi trong suốt thập kỷ. Đến giờ sự ổn định đối với người dân ở những nước này vẫn là điều xa xỉ.

Đây là những minh chứng điển hình cho thấy sự nguy hiểm của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đã và đang sử dụng. Nếu chúng ta không cảnh giác, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Các cuộc cách mạng màu đều với lời hứa đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Nhưng thực tế nó là chiêu bài lợi dụng, tranh giành quyền lực của các nhóm chính trị cơ hội và sự tác động, can thiệp có chủ đích của các thế lực bên ngoài. Cuối cùng, người dân chính là đối tượng gánh chịu hậu quả, cuộc sống khổ cực, phải rời bỏ đất nước. 

Ở Việt Nam, những biểu hiện cách mạng màu từng manh nha xuất hiện. Đó chính là các cuộc tụ tập đông người, tuần hành, đập phá, làm mất an ninh trật tự ở một số địa phương. Có thể kể ra như: Các vụ bạo loạn tại một số tỉnh Tây nguyên vào các năm 2001, 2004; tụ tập biểu tình dưới danh nghĩa yêu nước, phản đối giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014; tuần hành với khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường” sau sự cố môi trường biển năm 2016 tại miền Trung; biểu tình phản đối các dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt năm 2018. Ai châm ngòi cho những vụ việc này? Ai đứng sau kích động những đối tượng quá khích đập phá? Chúng ta đã có câu trả lời và pháp luật đã trừng trị nghiêm minh. Với những gì chúng đang xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt trên không gian mạng hiện nay thì đại dịch Covid-19 rất có thể trở thành con bài để chúng lợi dụng, kích động thành những cuộc tụ tập, gây rối, chống phá chính quyền nếu như chúng ta không có biện pháp phòng vệ.

Những phát biểu, luận điệu mang tính kích động, hướng dư luận về các quyết sách của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 xuất hiện dày đặc trên diễn đàn của VOA, RFA, Việt Tân, Việt Nam thời báo, Tiếng dân… Hay của số đối tượng phản động lưu vong như Nguyễn Văn Đài, Trương Quốc Huy, Thanh Hiếu Bùi… với hàng loạt các chỉ trích cho rằng: “chính sách phòng, chống dịch của Đảng Cộng sản Việt Nam là sai lầm”, “Đảng bỏ mặc người dân trong dịch bệnh”, “người dân phải gánh chịu do cách chống dịch của Đảng”, “ngăn cản, chặn đường sống của dân khi họ về quê”… Để minh họa cho luận điệu xuyên tạc này là những thông tin, hình ảnh được cắt ghép với mục đích dựng lên một bức tranh về một Việt Nam bất lực, bế tắc trong kiểm soát dịch bệnh. 

Ngoài ra, chúng tìm mọi cách thêu dệt, tạo thêm những hình ảnh xấu xí, bi đát nhất của đất nước trong dịch bệnh. Từ quỹ vắc xin, công tác mua sắm vật tư y tế, chúng quy kết tham nhũng là bản chất của chế độ cộng sản. Hay việc điều động, thay đổi lãnh đạo chống dịch chúng suy diễn thành vấn đề đấu đá nội bộ. Bên cạnh đó, chúng thổi phồng những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch như: thiếu sót trong việc thực hiện chủ trương hỗ trợ người dân bảo đảm an sinh trong thời gian giãn cách xã hội; lợi dụng chính sách tiêm vắc xin của Chính phủ để trục lợi của một vài cán bộ… Mục đích của chúng là tạo ra và khoét sâu mâu thuẫn xã hội. Dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam như một miếng mồi để chúng thêm nếm gia vị. Mục tiêu cuối cùng của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ, thay đổi thể chế chính trị của đất nước hiện nay bằng cách gây mâu thuẫn, chia rẽ từ bên trong.

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay đã gây ra nhiều tổn thất về người, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của đất nước và đời sống nhân dân. Đảng, Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc của các tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất đẩy lùi dịch bệnh. Những nỗ lực đó đã mang lại nhiều thành quả rất rõ rệt. Đặc biệt, những ngày gần đây số ca nhiễm, số người tử vong đều giảm, số bệnh nhân xuất viện tăng mạnh. Nhiều địa phương từng là tâm dịch đang dần trở lại trạng thái bình thường mới. Đó là thành quả không thể phủ nhận.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, mạng xã hội, việc chia sẻ những thông tin xuyên tạc, kích động ngày càng trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, việc giảm sút niềm tin của một số người nhẹ dạ, cả tin trong xã hội khiến chúng càng dễ lợi dụng, nó như một loại vi rút đang rình rập, tấn công vào “cơ thể xã hội”. Muốn đánh bại chúng thì “cơ thể xã hội” phải thực sự khỏe mạnh. Chính vì vậy, phòng ngừa là yếu tố cực kỳ quan trọng để giữ vững ổn định xã hội, bảo vệ chế độ và phát triển đất nước. 

Không có loại thuốc kháng sinh nào chữa bệnh hữu hiệu bằng việc nâng cao ý thức tự đề kháng cho cơ thể ngăn ngừa dịch bệnh từ xa, giải quyết tốt những hạn chế, xử lý nghiêm các cá nhân, cán bộ thoái hóa, biến chất là hết sức cần thiết. Khi tâm trí, tấm lòng của mọi người không “vẩn đục” thì có thả bao nhiêu “cần câu” cũng bằng thừa.                   

Đỗ Thành

  • Từ khóa
132215

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu