Thứ 3, 21/05/2024 05:08:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:30, 10/10/2021 GMT+7

“Chích độn” hay “đần độn”

Minh Thương
Chủ nhật, 10/10/2021 | 05:30:00 551 lượt xem

BPO - Đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức khó lường. Công tác phòng, chống dịch đang được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Chính phủ đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch “5K + vắc xin + công nghệ” thành thực tế. Trong đó, tiêm vắc xin phòng Covid là giải pháp căn cơ, là biện pháp bền vững trong phòng, chống dịch. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai chiến lược vắc xin. Đây được coi là chìa khóa để chúng ta vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là một nội dung các thế lực thù địch đang tập trung chĩa mũi nhọn để chống phá với tần suất ngày càng cao trên các trang của bọn “dân chủ”, “nhân quyền”… 

Gần đây, trên trang mạng Quyenduocbiet có đăng tải bài viết: “Chích độn: Người dân không phải là con chuột bạch thí nghiệm” của Nguyên Anh cũng vu cáo, xuyên tạc về kết quả tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam thời gian qua. Đối tượng này cho rằng, Việt Nam không chăm lo đến sức khỏe của nhân dân, việc tiêm kết hợp các loại vắc xin là “chích độn”, biến nhân dân thành “chuột bạch”.

Đây là những lời lẽ thiếu khách quan, phiến diện của kẻ “đần độn” Nguyễn Anh nhưng lại nghĩ mình là người có hiểu biết, kiến thức chuyên sâu. Phải biết rằng, từ đầu năm 2021 đến nay, thế giới mới sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều trong số 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Tiến trình thực hiện cam kết và bàn giao vắc xin cũng triển khai khá chậm. Sự khan hiếm vắc xin đối với nhiều quốc gia đang phát triển, chậm phát triển đã xảy ra. 

Với quan điểm “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết”, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin toàn diện trên các lĩnh vực: mua, nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước để có lượng vắc xin sớm nhất, nhiều nhất. Điều này được thể hiện rõ hơn trong một số chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta vừa qua. Ngoài chương trình nghị sự đối ngoại, thì ngoại giao vắc xin là một trong những ưu tiên, qua đó mang về một lượng lớn vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế. Với nỗ lực đó, đến nay số lượng vắc xin về Việt Nam từ các nguồn được khoảng 60 triệu liều. Chúng ta đã tiến hành phân bổ và tổ chức tiêm cho nhân dân trên cả nước, trong đó ưu tiên cho nhiều địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp như TP. Hồ Chí Minh hơn 12,2 triệu liều, Hà Nội hơn 8,6 triệu liều, Bình Dương hơn 3,2 triệu liều… Nhờ vậy mà tình hình dịch bệnh trong cả nước đang dần được kiểm soát, nhiều tỉnh đã mở cửa trở lại, tiến tới phục hồi kinh tế - xã hội.

Tiêm kết hợp vắc xin được các nhà khoa học gọi là “tiêm nhắc lại vắc xin khác loại” (heterologous prime-boost). Phương pháp này không phải là mới và đã được các nhà nghiên cứu thử nghiệm với một số vắc xin phòng các bệnh khác, điển hình là Ebola. Thời gian vừa qua, trước tình trạng khan hiếm vắc xin, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vắc xin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vắc xin sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vắc xin véc tơ vi rút với vắc xin mRNA, hoặc tiêm 2 loại vắc xin mRNA của các nhà sản xuất khác nhau... Cụ thể: Tháng 5-2021, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha tuyên bố rằng, những người tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với 2 liều vắc xin AstraZeneca. Một nghiên cứu của Anh hồi tháng 6-2021 cũng cho kết quả tương tự. Còn Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada khuyến nghị những người đã tiêm 1 liều vắc xin AstraZeneca có thể được tiêm mũi thứ 2 bằng một loại vắc xin khác sử dụng công nghệ mRNA, như Pfizer hay Moderna, để tạo hiệu quả tốt hơn. 

Phương pháp kết hợp vắc xin cũng được giới chức Đức, Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc ủng hộ và tiến hành. Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 4-2021 cũng đã tiêm cả 2 liều AstraZeneca và Moderna. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) gần đây đã khuyến nghị những người đã tiêm 1 liều vắc xin Pfizer hoặc Moderna có thể sử dụng một loại khác nếu như loại vắc xin ban đầu không có sẵn. Tại khu vực Đông Nam Á, đầu tháng 10-2021, Thái Lan đã công bố dữ liệu cụ thể về khả năng sinh miễn dịch khi áp dụng tiêm kết hợp 3 loại vắc xin Covid-19 gồm AstraZeneca, Pfizer và Sinovac, trong đó tiêm trộn AstraZeneca và Pfizer cho kết quả tốt nhất.

Ở Việt Nam, xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo về vấn đề này. Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại. Điều quan trọng là người được tiêm chủng đồng ý và phải được kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe chặt chẽ sau tiêm chủng. Đến nay, sau thời gian triển khai tiêm kết hợp vắc xin ở một số địa phương, chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng nặng sau khi tiêm. Qua đó có thể khẳng định những lời lẽ của Nguyên Anh cho rằng Việt Nam lấy dân ra làm “chuột bạch” để “thí nghiệm” vắc xin là sự vu khống và không có cơ sở khoa học.

Đây không phải lần đầu, mà kẻ “đần độn” Nguyên Anh - được coi cây bút chủ lực của trang Quyenduocbiet đã có rất nhiều bài viết chống phá Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV… và nay là các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta. Những lời lẽ dẫn dắt của Nguyên Anh nghe có vẻ như logic, nhưng bất cứ ai đọc cũng có thể nhận ra rằng đây đích thực là giọng lưỡi của một kẻ phản động về chính trị, lợi dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để xuyên tạc, chống phá. Đây không chỉ là sự vô lương tâm mà còn là tội ác. Do vậy, mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo, có cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống Covid-19.

  • Từ khóa
131051

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu