Thứ 3, 21/05/2024 03:53:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:29, 15/09/2021 GMT+7

Đừng tham vấn kiểu tự sướng!

Thảo Linh
Thứ 4, 15/09/2021 | 08:29:42 325 lượt xem
BPO - Anh là bác sĩ đã nghỉ hưu vài năm. Anh có phòng mạch riêng tại một quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh và có thu nhập xông xênh từ phòng mạch ấy. Nhiều người, trong đó có tôi mừng cho anh. Ngày nào anh cũng vào “phây” (facebook) - đó là quyền của anh. Rất nhiều người, trong đó có tôi cũng thế. Việc anh khoe vợ đẹp, con khôn; khoe nhà đẹp, xe sang; khoe các chuyến du lịch châu Âu, châu Úc hay Tây Tạng với những tấm hình đóng vai ông hoàng, bà chúa của cả gia đình cũng là quyền của anh, và cũng nhiều người hay làm thế. Chỉ mong anh đừng lấy “phây” làm “đài phát thanh” để tự cho mình cái quyền chỉ trích, mắng mỏ từ những cá nhân có trách nhiệm đến cả chính quyền thành phố trong công tác chống dịch, làm rối ren thêm tình hình.

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những thông tin cập nhật tình hình của các tổ chức, nhóm và cá nhân; những thông tin về hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân vùng tâm dịch… thì cũng có rất nhiều ý kiến trên mạng xã hội facebook “tham vấn” cho Chính phủ, chính quyền thành phố trong việc phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Và anh là một trong những người tích cực tham vấn. Thay vì khoe xe, khoe du lịch như trước đây, anh “toàn tâm toàn ý” cập nhật tình hình dịch bệnh tại thành phố và liên tục bình luận. Chỉ có điều, đọc những thông tin trên trang cá nhân của anh, tôi và chắc hẳn nhiều người đều có cảm giác như bị lấy đi năng lượng, cảm thấy hoang mang.

Nếu trước đây anh “chào ngày mới” trên facebook bằng một bông hoa tươi rói thì giờ đây anh chào bằng những câu than thở, trách móc chính quyền. Những tít bài như: Càng dập dịch càng ra dịch; Càng phong tỏa, càng ra nhiều F0; Nói một đằng làm một nẻo; Dân Sài Gòn khổ quá… cứ liên tục xuất hiện trên trang cá nhân của anh. Ai cũng biết, phải phong tỏa, cách ly, khoanh vùng, truy vết, đóng cửa các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán, hạn chế tiếp xúc, không tập trung quá 2 người, 5 người… thì cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là những lao động tự do sẽ khốn khó thế nào. Ai cũng biết phải ngưng mọi hoạt động sản xuất, vui chơi, du lịch và ở yên trong nhà thì sẽ bí bách ra sao. Nhưng vì sức khỏe bản thân, vì sức khỏe cộng đồng nên mọi người phải chấp hành. Và những ai bất chấp các quy định về chống dịch, chống lại lực lượng tuyến đầu thì chưa nói đến pháp luật, cả cộng đồng mạng đã lên tiếng phản đối. Vậy mà anh cứ làm rối thêm tình hình.

Anh phản đối cách ly tập trung; anh phản đối phong tỏa, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng... Anh khoe đã gửi thư cho Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tham mưu về chống dịch nhưng chưa được trả lời(!?). Thậm chí, anh dùng lời lẽ khiếm nhã để nói về lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành y tế. Có cảm giác như bao nhiêu kiến thức y học trong mấy chục năm hành nghề được anh vận dụng để viết những bài phản bác lại chủ trương khoanh vùng, cách ly tập trung mà bao nhiêu chuyên gia đầu ngành y tế nước nhà đã nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm của thế giới và đã rất thành công trong các đợt dịch trước. Anh đặt câu hỏi “to tướng”: rau củ quả miền Tây đổ bỏ, còn người dân Sài Gòn chịu đói chịu khổ là do ai?

Rồi anh chia sẻ những bài, hình ảnh “kêu cứu” của khu xóm trọ này, của phường, xã kia. Chỉ có điều sau 2 hôm anh “kêu cứu” thì trên mạng lại tràn ngập thông tin có xóm trọ mỗi hộ hàng chục bao gạo, vài chục kilôgam khoai các loại, hàng chục lít nước mắm và rất nhiều thùng mì gói… nhưng vẫn kêu khổ và xin cứu trợ. Họ cố xin cho nhiều để bán lấy tiền. Nhưng bán sao được khi khoai tây chất đống và bị mọc mầm; và bán cho ai khi thành phố vẫn thực hiện giãn cách (!?).

Đọc trang facebook của anh, lại nhớ tới giọng điệu của một chị nhà văn hồi bão lũ ở miền Trung năm ngoái. Cảm thương nỗi khổ của người dân vùng lũ, cả nước đã hướng về miền Trung, “nhường cơm sẻ áo” y như với Sài Gòn những ngày này. Nhưng rồi không biết chị “chộp” được tấm hình trên facebook của ai đó ghi lại cảnh một cụ già người dân tộc thiểu số, được cho là ở Quảng Trị với xoong cơm lỏng chỏng mấy con cá khô trong căn bếp xập xệ và chú thích là đời sống hiện nay của người dân vùng lũ. Thế là chị cao giọng mắng mỏ chính quyền của xã, huyện nọ, rằng thế kỷ 21 rồi mà sao vẫn để dân đói khổ thế này. Rồi chị “kêu gọi” anh chị em văn nghệ sĩ phải đi đến tận nơi để kiểm tra thực tế, để “làm một cái gì đó” cho người dân. Nhưng trong lúc chị đang ngồi nhà cào bàn phím và mắng mỏ chính quyền thì không chỉ chính quyền địa phương mà cả công an, quân đội đã vào cuộc cứu giúp dân. Và đã có những người ra đi mãi mãi vì nhiệm vụ thiêng liêng ấy.

Việc tham vấn, góp ý tham gia quản lý xã hội là quyền, cũng là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam. Những lúc “nước sôi lửa bỏng” như thiên tai, dịch bệnh lại càng cần, nhất là lúc này Chính phủ, ngành y tế đang cầu thị lắng nghe mọi ý kiến tâm huyết của các tầng lớp xã hội để mong sớm khống chế dịch bệnh. Việc vận dụng trí tuệ tập thể, cộng đồng là điều Chính phủ nào cũng mong muốn. Nhưng đến các vị cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cho Nhà nước, Chính phủ, kinh nghiệm quản lý “đầy mình” cũng còn phải nói đúng lúc, đúng chỗ, với tinh thần xây dựng, thực sự vì nước, vì dân.

Tham vấn, không có nghĩa là ai muốn nói gì thì nói, muốn chê bai, chỉ trích, đổ tội và mắng mỏ lãnh đạo, chính quyền, các lực lượng thế nào cũng được đâu!                            

  • Từ khóa
129869

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu